Các quốc gia Mekong đối mặt với cái giá tiềm ẩn từ những con đập Trung Quốc |
Việc xây đập gây tranh cãi của Trung Quốc – cả trên phần thượng nguồn sông của nước này, và ở Đông Nam Á – đang thay đổi đáng kể đời sống của 60 triệu người sống trong khu vực, những người dựa vào dòng Mekong để lấy nước, đánh cá, lưu thông vào tưới tiêu. Sam In, một nông dân Cambodia 48 tuổi ở tỉnh đông bắc Stung Treng, chưa từng biết rằng người ta phải trả tiền mua nước cho đến khi ông bị buộc phải rời bỏ ngôi nhà của mình trên bờ một nhánh sông Mekong hai năm trước. Cùng với hàng trăm hộ gia đình khác, ông Sam In và gia đình 10 người của ông được tái định cư để xây dựng một con đập nhấn chìm toàn bộ ngôi làng của ông, làng Sre Sronok, dưới nước. Giờ đây, họ sống ở một làng mới trong những ngôi nhà do chính phủ tài trợ với những mái nhà màu xanh đặc trưng xếp liền nhau trong một khu đất bụi bặm. Thay cho dòng sông là con đường quốc lộ chạy dọc ngôi làng. “Chi phí sinh hoạt của chúng tôi tăng đáng kể,” ông Sam In, cũng là phó trưởng làng nói. “Chúng tôi phải mua nước dùng cho trồng lúa, ăn uống, nấu nướng và tắm rửa. Tất cả từng đến từ dòng sông, và không tốn tiền.” Chính phủ phân cho gia đình hai hectare đất trồng lúa, nhưng không có hệ thống thủy lợi hay dụng cụ canh tác thích hợp như chính phủ hứa hẹn khi họ đồng ý tái định cư, năng suất hiện không bằng một nửa năng suất các cánh đồng ở ngôi làng cũ. Những cánh đồng này, cách đó 20km, đã bị nhấn chìm vào tháng 9/2017, khi các cửa xả của Đập Hạ Sesan 2 đóng lại để tạo hồ chứa nước 33,000 hectare. Con đập trị giá 816 triệu USD, chỉ cách sông Mekong 25km, được dự kiến sẽ sản xuất 400 megawatts điện khi đi vào hoạt động vào cuối năm nay, trở thành con đập lớn nhất ở Cambodia. Người dân làn Sre Sronok, trong đó có Sam In, đã phản đối dự án khi nó được đưa ra 10 năm trước. Chính quyền giải thích rằng điện sản xuất từ con đập sẽ mang đến lợi ích cho cả nước. “Họ nói rằng những nước như Laos đang sản xuất điện bằng việc sử dụng nguồn nước từ sông Mekong và chúng ta cũng cần xây đập của chính mình để không phải mua điện của họ và chi phí điện sẽ thấp hơn,” ông Sam In nói. “Nhưng tôi cho rằng nó sẽ có lợi cho người thành phố nhiều hơn, không phải chúng tôi, trừ phi chính phủ giảm giá đặc biệt, mà họ đã từ chối điều đó.” Con đập có thể có những hậu quả không mong muốn. Ngoài những vấn đề Sam In và các láng giềng của ông đang hứng chịu, việc xây đập sẽ giảm mạnh nguồn cung cấp cá, dòng chảy nước thay đổi cũng như lượng trầm tích mang phù sa cho các cánh đồng ở Việt Nam cũng như các quốc gia Mekong khác. Một nghiên cứu năm 2012 của Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia Mỹ kết luận con đập sẽ đe dọa đến hơn 50 loài cá. Những con đập trên dòng chính sẽ có ý nghĩa gì đối với việc đánh bắt cá
Các chuyên gia và tổ chức từ lâu đã cho rằng lợi ích kinh tế từ việc phát điện của con đập này vẫn còn là nghi vấn vì mực nước thấp của khu vực trong suốt bảy tháng mùa khô. Bất chấp những quan ngại như thế, Cambodi vẫn thúc đẩy dự án với sự hỗ trợ từ một công ty năng lượng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, tham gia vào năm 2012. Công ty Hydrolancang International Energy, một chi nhánh của Tập đoàn Huaneng, là nhà đầu tư lớn nhất của dự án, với 51% cổ phần, trong khi Tập đoàn Hoàng Gia Cambodia và một chi nhánh của Điện lực Việt Nam lần lượt kiểm soát 39% và 10% cổ phần. Việc xây đập gây tranh cãi của Trung Quốc – cả trên phần thượng nguồn sông của nước này, và ở Đông Nam Á – đang thay đổi đáng kể đời sống của 60 triệu người sống trong khu vực, những người dựa vào dòng Mekong để lấy nước, đánh cá, lưu thông vào tưới tiêu. Việc Trung Quốc kiểm soát thượng nguồn là nguồn gốc cho các căng thẳng và quan ngại đối với những quốc gia ở phía nam. Một số chuyên gia so sánh các nguy cơ về an toàn nước của các quốc gia hạ nguồn Mekong – trong đó có các nguy cơ đối với nguồn cung thực phẩm và hoạt động thương mại – với hoạt động xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. “Việc Trung Quốc xây đập trên dòng Mekong và giành lợi thế quá đáng đối với các quốc gia hạ nguồn là tương tự và có liên hệ đến việc nước này tiếp tục xây dựng và vũ trang các đảo nhân tạo ở Biển Đông,” theo Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu An Ning và các vấn đề Quốc tế của Đại học Chulalongkorn, Thailand. “Phương thức của Bắc Kinh thật đơn giản cũng như gây tranh cãi, ai cũng đều thấy: xây trước, nói sau.” Sông Mekong dài 4,800km bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, chảy qua Tỉnh Vân Nam vào Đông Nam Á - Myanmar, Laos, Thailand và Cambodia – sau đó xuôi về Việt Nam, đổ ra Biển Đông. Đây là con sông dài thứ 12 trên thế giới và là một trong vài nơi có các chủng loại cá đa dạng nhất, chỉ đứng thứ hai sau sông Amazon. Nước sông Mekong chảy tự do hơn phần lớn các dòng sông lớn trên thế giới, vì các dự án xây đập và những dự án khác đều bị dừng lại do các cuộc chiến ở Việt Nam và Cambodia, theo Courtney Weatherby, một nhà phân tích tại Trung Tâm Stimson, một viện nghiên cứu Mỹ. Dù Thailand và Việt Nam có xây đập trên một số phần của con sông này, sự hợp tác khu vực trở nên cần thiết hơn khi Trung Quốc bắt đầu xây đập ở thượng nguồn Mekong vào những năm 1990 mà không tham vấn các quốc gia hạ nguồn. Nhu cầu điện dự kiến của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng
Nền kinh tế của tất cả các quốc gia Mekong phụ thuộc vào dòng sông này, nhưng theo những cách khác nhau. Trung Quốc và Laos phần lớn xem Mekong là nguồn sản xuất điện. Cambodia - và nhiều người dân ở Laos và Thailand – phụ thuộc vào nguồn cá phong phú của sông cung cấp nguồn protein, sản xuất thực phẩm và sinh kế. 20 triệu người dân ở châu thổ Mekong của Việt Nam dựa vào nguồn phù sa và chất dinh dưỡng tự nhiên từ dòng chảy của con sông để trồng lúa và đánh bắt cá. Với quá nhiều lợi ích chồng chéo, các quốc gia Mekong cần chia sẽ thông tin tốt hơn và “quản lý về chính trị tốt hơn những trao đổi không thể tránh khỏi giữa các lợi ích của mỗi nước,” ông Weatherby nói. Sự hợp tác như thế đang ngày càng phức tạp hơn khi Trung Quốc tài trợ xây đập ở những quốc gia hạ nguồn ít phát triển hơn như Cambodia và Laos. Trong số 11 con đập dự kiến được xây trên dòng chính ở hạ nguồn Mekong, 6 con đập được Trung Quốc tài trợ, theo tổ chức Sông ngòi Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ. 30 con đập khác được dự định xây trên các nhánh sông. Dù Trung Quốc thúc đẩy xây đập, những nhà đầu tư khác, trong đó có các quốc gia phương Tây và Nhật Bản, đang đẩy lùi việc phát triển đập trên sông Mekong. Ngân hàng Phát triển châu Á do Nhật lãnh đạo, chẳng hạn, đã ngừng cấp vốn cho các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong vì “những tác động tiêu cực có thể có của các dự án thủy điện là rất rõ ràng,” theo Andrew Jeffries, giám đốc bộ phận năng lượng của chi nhánh Đông Nam Á của ngân hàng. Nhật Bản hứa dành 6 tỷ USD viện trợ cơ sở hạ tầng cho các quốc gia Mekong trong nỗ lực củng cố ảnh hưởng của nước này trong khu vực, nhưng sẽ hết hạn trong năm nay. Các quan chức Trung Quốc cho rằng các hoạt động của họ là khuyến khích các quốc gia thu lợi từ con sông. “Cambodia được lợi gì từ những con đập thượng nguồn? Không có gì,” theo Li Hong, đại diện của Trung Quốc trong Ủy ban Xã hội và Kinh tế Liên hiệp quốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nói trong một cuộc hội thảo Sông Mekong tổ chức ở Cambodia vào tháng Tư. “Nhưng Cambodia có thể được lợi khi phát triển những con đập của riêng mình. Chúng ta đều nên có được lợi ích từ con sông.” Nguy cơ địa chính Somchit Chittapong đã theo dõi sông Mekong trong hơn 40 năm ở tỉnh Chiang Rai miền Bắc Tháilang, nhưng một ngày tháng Ba năm nay, ông lưu ý mực nước thấp bất thường. “Bạn có thấy bầy vịt kia không?” ông hỏi khi chỉ vào một doi cát gần đó. “Chúng không bao giờ đến đây vào thời điểm này trong năm vì hòn đảo này thông thường đang chìm trong nước.” Ông chỉ vào một chiếc thuyền trên bờ sông, là thuyền của anh trai ông, vận chuyển cao su sang Trung Quốc. Chiếc thuyền đã mắc cạn hơn năm ngày. Đây chỉ là một trong nhiều tàu hàng đi từ Chiang Rai, trung tâm xuất khẩu phía bắc chính của Thailand, đến Trung Quốc, bị mắc cạn vào đầu tháng Ba do mực nước thấp bất thường vì dòng chảy bị chặn bất ngờ do những con đập thượng nguồn Trung Quốc. Những con đâp trên sông Mekong Các doanh nghiệp địa phương kêu gọi Trung Quốc chia sẽ lịch trình xã nước đập. Trung Quốc đồng ý cung cấp thông tin hàng ngày trong các tháng mùa mưa từ tháng Sáu đến tháng Mười, nhưng không phải là cả năm. Phía Trung Quốc cho rằng thông tin đập là “các vấn đề nội bộ.” “Trung Quốc thật điên rồ,” ông Pakaimas Vierra, phó chủ tịch phòng thương mại Chiang Rai nói. “Họ không cho chúng tôi trước thông tin, vì thế chúng tôi hoàn toàn không thể lên kế hoạch kinh doanh. Hàng tồn đang chất đống.” Theo ông Pakaimas, hàng chục tàu chất đầy hàng đi Trung Quốc đang đậu dọc bờ sông giữa Myanmar và Laos vào giữa tháng Ba, không thể đi xa thêm nữa vì mực nước thấp. Một nhà xuất khẩu ước tính có khoảng 60 tàu bị mắc cạn. Các chuyên gia cho rằng lượng điện thừa ở Tỉnh Vân Nam có thể dẫn đến việc dừng đột ngột dòng chảy ở các đập trên sông Lan Thương. Giao thương với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, là nguồn doanh thu chính của Chiang rai, nằm gần khu vực Tam giác Vàng huyền thoại, nơi sông Mekong hình thành biên giới giữa Thailand, Laos và Myanmar. Các chuyên gia cho rằng khả năng Trung Quốc gây thiệt hại kinh tế với việc kiểm soát dòng chảy là mối quan tâm lớn đối với các quốc gia hạ nguồn. “Việc Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong từ lâu đã được xem là một nguy cơ địa chính đối với những quốc gia hạ nguồn,” theo ông Thitinan thuộc Đại học Chulalongkorn. Nhưng Bắc Kinh cũng có các kỹ năng ngoại giao về nước. Trong một đợt hạn hán năm 2016, họ cho biết sẽ tháo nước từ đập đầu nguồn trong một tháng để cải thiện tình trạng nước, một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng với các quốc gia phía nam – đặc biệt là Việt Nam. Những quốc gia vùng châu thổ hạ nguồn khó mà chống lại Trung Quốc, nước đã trở thành đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và năm quốc gia ven sông tổng cộng đạt 220 tỷ USD trong năm 2017, tăng 16% so với một năm trước, trong khi đầu tư đạt 42 tỷ USD. Ủy ban Sông Mekong, một tổ chức liên chính phủ của các quốc gia ven sông, không bao gồm Trung Quốc; nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc không tham gia vì tổ chức này được các nước Phương Tây tài trợ. Bốn quốc gia thành viên - Thailand, Laos, Cambodia và Việt Nam – phần lớn đều không thực hiện được các cuộc thảo luận có hiệu quả về các tác động xuyên biên giới với người láng giềng hùng mạnh nhất của mình. Thay vào đó, những nước này lại dựa vào Trung Quốc như một nhà đầu tư – một vai trò Bắc Kinh rất vui lòng đảm nhận. Khu vực hạ Mekong đã trở thành điểm chú ý trong Sáng Kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ. Năm 2014, Trung Quốc khởi động Khung Hợp tác Lang Thương – Mekong (LMC) với một loạt các chương trình viện trợ cho năm quốc gia ven sông. Trong một cuộc họp thượng đỉnh LMC vào tháng Một, thủ tướng Trung Quốc Lý Kế Quang hứa hẹn Trung Quốc sẽ dành 7 tỷ yuan (1.08 tỷ USD) cho vay, ngoài 10 tỷ yuan đã hứa. Họ cũng thêm 5 tỷ USD tín dụng ngoài 10 tỷ USD đã cam kết trước đó để đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn thể hiện sự lãnh đạo của mình đối với các quốc gia hạ nguồn và cải thiện hình ảnh thông qua LMC, sáng kiến đa phương đầu tiên do Trung Quốc dẫn đầu ở khu vực sông Mekong. Tuy nhiên, tầm quan trọng của thủy điện đi ngược với những phát hiện từ nhiều nghiên cứu khác nhau cho rằng những tác động tiêu cực từ các con đập vượt quá lợi ích từ việc tăng cường nguồn cung điện. Một báo cáo do Đại học Mae Fah Luang của Thailand phát hành năm 2017 cho thấy nếu tất cả hơn 40 dự án điện dự kiến thực hiện trên dòng chính và các chi lưu của sông Mekong được xây dựng đến năm 2030, tác động kinh tế đối với bốn quốc gia hạ lưu sẽ là âm 7.3 tỷ USD. Tổn thất từ mùa màng và đánh bắt cá sẽ lớn hơn lợi ích có được từ 110,000 gigawatt giờ điện được sản xuất. Tuy nhiên, “việc xây dựng các con đập ở vùng hạ Mekong luôn được tiến hành mà không có đánh giá đầy đủ về các tác động lên dòng sông và các cộng đồng dân cư,” theo Maureen Harris, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại International Rivers. Tuy nhiên, nhu cầu về điện là thật. Cambodia hứa đưa 70% hộ gia đình vào mạng lưới điện đến năm 2030, tăng khoảng 50%. Chi phí đắt đỏ của nước này, trong số chi phí cao nhất trong khu vực, đang ngăn cản các doanh nghiệp tham gia vào thị trường và thiết lập hoạt động trên quy mô lớn. Laos, quốc gia nghèo nhất khu vực, là nước hăng hái nhất trong phát triển các đập nước trên sông Mekong. Quốc gia không có biển này muốn bán điện cho các nước láng giềng và trở thành “nguồn năng lượng cho Đông Nam Á,” dù lợi ích cho người dân của chính họ không rõ được như thế. Thailand, nước tiêu thụ điện lớn nhất khu vực, đã trở thành nhà đầu tư lớn cho các dự án thủy điện ở Laos và Cambodia. Việt Nam cũng mua điện từ hai nước này. Thời kỳ khó khăn đối với ngư dân Như những ngư dân khác trên hồ Tonle Sap của Cambodia, lượng đánh bắt của ông Oeru Navy giảm mạnh trong những năm gần đây. Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và cung cấp hơn một nửa tổng lượng cá đánh bắt ở Cambodia. Khoảng 60% nguồn nước hồ đến từ sông Mekong và việc xây dựng đập ở thượng nguồn đang làm gián đoạn luồn cá di cư. Ông Oeru Navy cho biết sản lượng đánh bắt của ông giảm gần một nửa trong năm năm qua. Sản lượng đánh bắt thấp đang khiến một số ngư phủ phải sử dụng những biện pháp bất hợp pháp, như sử dụng lưới cào bắt cả cá con. Điều này chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Nhưng đối với ngư dân 31 tuổi Oeru Navy, những lý do đằng sau sinh kế bị thu hẹp của ông dường như rất xa vời. “Tôi nghe nói chính phủ xây đập trên sông để sản xuất điện, nhưng tôi không nghĩ điều đó có liên quan đến tôi,” ông nói. “Những gì chúng tôi muốn là thêm nhiều cá để có thể sống còn.” Khánh Lâm lược dịch
Theo Nikkei Asian Review
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|