Tài chính Thứ ba, 03/07/2018, 10:49 GMT+7
Các nhà đàm phán TPP họp vào tháng Bảy, bàn về việc mở rộng

Thailand và Indonesia sẳn sàng tham gia khối tự do thương mại

jl3 tpp

Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương với 11 thành viên, không có Hoa Kỳ, sẽ chuẩn bị cho giai đoạn mở rộng tiếp theo khi các nhà đàm phán chủ chốt họp ở Nhật vào giữa tháng Bảy để thảo luận đưa thêm các thành viên mới vào.

Vào thứ Sáu, 29/6, quốc hội Nhật đã thông qua các dự luật phê chuẩn TPP-11, đưa Nhật Bản trở thành thành viên thứ hai sau Mexico hoàn tất các quy trình trong nước. Khối tự do thương mại châu Á hiện cần thêm bốn quốc gia thành viên nữa hoàn tất những quy trình tương tự để đưa tiến trình này đi vào giai đoạn kế tiếp. TPP-11 sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi sáu trong số 11 thành viên thông qua hiệp ước.

Từ ngày 17 đến 19/7, các nhà đàm phán chủ chốt của TPP-11 dự kiến sẽ họp tại Hakone, Quận Kanagawa, Nhật Bản, thảo luận quy trình bổ sung thêm các nước vào thỏa thuận sau khi hiệp ước có hiệu lực. Thailand, Indonesia và vương quốc Anh là những nước tỏ ý muốn tham gia.

Trong số những thành viên hiện tại, Canada, New Zealand và Australia đã có những bước tiến đến phê chuẩn hiệp ước. Singapore và Chile hướng mục tiêu thông qua hiệp ước trước cuối năm nay – Nhật Bản đang hối thúc các bên tham gia khác – một nhóm trong đó có Peru, Việt Nam, Brunei và Malaysia – để hiệp ước có hiệu lực trong năm nay.

Thêm thành viên, cho thấy những ưu việt thật sự của tự do thương mại, nhiều thành viên hy vọng, có thể thuyết phục Hoa Kỳ quay trở lại. Nội các của ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận TPP ban đầu vào tháng 1/2017.

Nhật Bản chuẩn bị tiến hành các cuộc thảo luận về thương mại “tự do, công bằng và tương hỗ” với Hoa Kỳ vào cuối tháng Bảy, nhằm mục tiêu tạo đà cho một thỏa thuận mở rộng.

Vào tháng Năm, Phó thủ tướng Thailand, ông Somkid Jatusripitak, đã nói với bộ trưởng chính sách tài khóa và kinh tế Nhật, ông Toshimitsu Motegi, rằng Thailand muốn tham gia TPP-11 sớm nhất có thể. Phó tổng thống Indonesia, ông Jusuf Kalla cho rằng không tham gia hiệp ước sẽ có nguy cơ gây tổn thất cho tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Colombia và Vương quốc Anh cũng tỏ ý muốn tham gia.

Cùng lúc, Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, đắc cử vào tháng Năm, đã kêu gọi TPP-11 sửa đổi để mang đến lợi ích kinh tế cho những quốc gia yếu hơn.

TPP-11 sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại chiếm 13% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 15% giá trị mậu dịch toàn cầu. GDP của 10 thành viên ngoại trừ Nhật Bản hiện khoản 5.7 ngàn tỷ USD và dự kiến sẽ tăng hơn 6% mỗi năm đến năm 2023, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Những quy định rõ ràng, thống nhất về đầu tư trong hiệp ước sẽ mở rộng đáng kể cơ hội kinh doanh trong khối kinh tế này, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu về quy mô. Các bên tham gia hiệp ước đã hứa không phân biệt đối xử giữa các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài, đồng thời cho phép dòng số liệu được tự do luân chuyển qua biên giới.

Việt Nam sẽ nới lỏng các hạn chế bán lẻ, trong đó có dỡ bỏ một quy định hạn chế những nhà khai thác cửa hàng tiện lợi nước ngoài hoạt động ở nhiều hơn một địa điểm. Malaysia cũng sẽ có những thay đổi tương tự. Một đại diện của FamilyMart của Nhật cho biết chuỗi này “sẽ có thể cân nhắc linh hoạt hơn về việc mở rộng” một khi TPP-11 có hiệu lực. Tất cả 157 cửa hàng của FamilyMart UNY Holdings tại Việt Nam, ngoại trừ một cửa hàng, hiện do một đối tác trong nước điều hành, nhưng TPP-11 sẽ cho phép các trụ sở Nhật dẫn đầu mở các cửa hàng mới.

Những hàng rào thương mại như thuế suất sẽ không còn một khi TPP-11 được thực thi hoàn toàn. Canada sẽ ngừng khoản thuế 6.1% đánh lên ô tô Nhật Bản trong năm năm, trong khi Việt Nam sẽ bỏ khoản thuế gia tăng 70% lên các phương tiện xe lớn của Nhật trong 10 năm.

Theo thời gian, thuế đánh lên 99.9% hàng xuất khẩu công nghiệp của Nhật sẽ được loại bỏ, cũng như 98.5% thuế đánh lên các nông, lâm, hải sản của nước này. Theo Hiệp hội các nhà làm rượu Sake và Shochu Nhật Bản, nhập khẩu rượu mạnh của Nhật vào Việt Nam và Australia đã tăng hơn ba lần trong thập kỷ qua, và ngành này muốn tăng thêm các chuyến hàng đi khi không còn hàng rào thương mại. Việt Nam sẽ bỏ các khoản thuế đánh lên những sản phẩm này theo TPP-11.

Nhật Bản sẽ dừng đánh thuế nhập khẩu lên gần như tất cả mặt hàng dệt may từ khối – một tin vui đối với những quốc gia như Việt Nam và Malaysia, nơi có ngành dệt may phát triển. Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế thịt bò từ 38.5% xuống còn 9% vào năm thứ 16 của hiệp ước.

Một đối thủ của TPP-11, hiệp ước Hợp tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện, cũng đang hình thành. Hiệp ước này sẽ kết hợp ASEAN với sáu quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 31.9% GDP toàn cầu và 28.8% mậu dịch toàn cầu. Tại Indonesia, nhiều người muốn ưu tiên cho hiệp ước này hơn thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương, bởi khả năng được hợp tác với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ.

Cho đến nay Nhật Bản vẫn giữ khoảng cách trong các cuộc đàm phán vì những lo ngại về các vấn đề như quy định sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo một nhà đàm phán, gần đây, đà tiến tới thỏa thuận đã bắt đầu được xây dựng.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Nikkei Asian Review

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1