OECD: Tăng trưởng toàn cầu vẫn dựa vào “chính sách chống đỡ” |
Câu chuyện tăng trưởng toàn cầu không còn mới, nhưng phục hồi kinh tế trên diện rộng trong một thập niên sau khủng hoảng tài chính vẫn cần lực đẩy từ chính sách tài khóa, theo người đứng đầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Theo Tổng thư ký Jose Gurria phát biểu tại diễn đàn thường niên của OECD tổ chức tại Paris, chính sách tài khóa của khoảng ba phần tư thành viên OECD đang dựa trên kích thích kinh tế. Điều này có nghĩa chính sách đang điều khiển “một phần khá lớn” tăng trưởng. Mặt khác, chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng chưa từng có ở nhiều quốc gia OECD, đặc biệt trên khắp châu Âu và Nhật Bản. “Vì thế chúng ta có một tình huống vẫn chưa tự mình đứng vững,” vị tổng thư ký nói. Ông là nhà kinh tế và ngoại giao Mexico, người đàm phán Thỏa thuận Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) trong năm 1994. “Sự tình không tự chuyển biến, vẫn cần các hỗ trợ. Hỗ trợ chính sách.” “Có lẽ không rõ ràng như trước kia, nhưng điều này vẫn có nghĩa nếu bỏ đi các kích thích, có thể kinh tế sẽ lại suy yếu và vì thế chúng ta vẫn phải tiếp tục đi theo chính sách cơ cấu,” ông nói thêm. Theo ông Gurria, sự kết hợp giữa lãi suất thấp, giảm chi tiêu công và cắt giảm thuế, đặc biệt cắt giảm thuế ở Mỹ, nằm trong nhóm những “hỗ trợ” tài khóa. Vào tháng Ba, OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt khoảng 4% trong năm nay, sau khi đạt 3.7% trong năm 2017. 4% là tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu trước khủng hoảng tài chính. Tăng trưởng gây áp lực lên các chính phủ buộc phải thu hẹp các chương trình nới lỏng tiền tệ kéo dài trong một thập kỷ, dần nâng lãi suất lên trở lại nhằm ngăn kinh tế tăng trưởng quá nóng. Một số e ngại quá trình thắt chặt quá sớm hoặc quá nhanh có thể đe dọa đến mức tăng trưởng được mong đợi từ lâu, trong khi nhiều nhà nghiên cứu thị trường cho rằng lãi suất cao hơn là cần thiết để đưa chính sách trở lại bình thường, tạo khoảng không để hạ lãi suất trong trường hợp có suy thoái. Cùng với triển vọng tăng trưởng tươi sáng hơn là các căng thẳng thương mại, mang đến nguy cơ không lường trước được sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong mùa xuân này đã đưa ra một loạt thông báo thuế suất đối với các đồng minh cũng như đối thủ. Tuy nhiên ông Gurria không quá e ngại trước sự đe dọa của một cuộc chiến thương mại. “Chúng ta nhận thấy có các căng thẳng thương mại. Và vẫn chưa có phát pháo nào là thật. Dù có đe dọa thật nhiều, nhưng vẫn không có thuế suất nào thật sự được áp dụng.” Các lãnh đạo thế giới hiện đang đàm phán để tránh các khoản áp thuế. Trong tháng Ba và tháng Tư, ông Trump đề suất những khoản thuế nặng đối với thép và nhôm nhập khẩu trên toàn cầu, đa phần nhằm chống tình trạng thừa năng suất trong sản xuất thép ngoại (cụ thể là Trung Quốc) đã đẩy giá thép xuống và giảm tính cạnh tranh của các nhà sản xuất thép Mỹ. Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa thép thế giới và sản xuất ở cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như những nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ và Nhật Bản, đều tăng trong tháng Ba năm nay. Theo ông Gurria, trừng phạt những hệ quả của việc thừa năng suất thay vì giải quyết chính vấn đề thừa năng suất không giúp các quốc gia đi được đến đâu. “Tôi rất tin tưởng rằng nếu chúng ta không đi vào bản chất của vấn đề, tình trạng thừa năng suất, mà chỉ chống lại những hệ lụy của điều này, chúng ta sẽ không đạt được tiến bộ,” ông nói. OECD có 35 quốc gia thành viên, hầu hết các nền kinh tế được xem là có thu nhập cao và hoàn toàn phát triển. Ông Gurria, người đứng đầu trong phát triển chính sách tài khóa quốc gia trong nhiều năm, từng là bộ trưởng tài chính của Mexico trong những năm 1990 cũng như là chủ tịch và CEO của Ngân hàng Phát triển Quốc gia Mexico và Ngân hàng Ngoại thương. Ông cũng thuộc nhóm cố vấn của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, cũng như có công trong nhiều cắt giảm chi tiêu giúp kinh tế Mexico ổn định khi là bộ trưởng tài chính. Ông Gurria bắt đầu lèo lái OECD từ năm 2006. Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|