Tài chính Thứ sáu, 11/05/2018, 09:02 GMT+7
Thỏa thuận Iran: Ai sẽ chịu thiệt khi lệnh cấm vận Mỹ trở lại?

Giờ đây khi Hoa Kỳ quyết định rời thỏa thuận Iran, kinh tế toàn cầu chuẩn bị cho các dư chấn

m11 losses

Vào thứ Ba, 8/5, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ bắt đầu khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran. Nhưng quốc gia Trung Đông này sẽ không phải là bên duy nhất bị ảnh hưởng.

Theo thỏa thuận năm 2015, Hoa Kỳ và các cường quốc khác đồng ý dỡ bỏ một số cấm vận kinh tế nếu Iran đồng ý dừng chương trình hạt nhân của mình.

Hiệp ước mở cửa nền kinh tế Iran cho các công ty Phương Tây háo hức muốn tranh thủ lực lượng dân số trẻ, có học thức và tầng lớp trung lưu đang tăng của nước này.

Các hãng hàng không, sản xuất ô tô, tập đoàn khách sạn và công ty dầu mỏ đều tham gia ký các thỏa thuận ở Iran. Mảng dầu mỏ của nước này tăng trưởng mạnh và kinh tế phát triển.

Những công ty như thế hiện có thể bị mất mát rất lớn. Nhà Trắng, trong bản thông tin chi tiết về quyết định này, cho biết “Những ai kinh doanh ở Iran sẽ có thời gian cho phép họ thu hẹp hoạt động.” và những ai không làm thế “sẽ có nguy cơ chịu các hậu quả nghiêm trọng.”

Dưới đây là những bên sẽ bị ảnh hưởng

1. Các lái xe

Iran có trữ lượng dầu thô lớn thứ tư trên thế giới, và chiếm gần một phần năm khí đốt tự nhiên.

Sau khi các cấm vận được dỡ bỏ, nước này đẩy mạnh sản xuất lên khoảng 3.8 triệu thùng/ngày, hơn một triệu thùng/ngày do với đầu năm 2016.

Các lệnh trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu Iran sẽ tạo khoảng trống trong nguồn cung toàn cầu và có thể khiến giá dầu tăng mạnh. Giá đã tăng đến 13% trong tháng này, lên mức cao nhất trong ba năm.

Giá xăng Mỹ đã tăng lên mức trung bình cả nước $2.81/gallon, theo AAA, so với $2.66 một tháng trước và $2.35 một năm trước.

Giá cao hơn có thể ảnh hưởng đến doanh số ô tô tại Mỹ cũng như tiêu dùng chung.

2. Boeing và Airbus

Những thỏa thuận lớn nhất Iran ký với các công ty nước ngoài là để mua máy bay nhằm hiện đại hóa đội bay ọp ẹp của mình.

Những thỏa thuận này giờ không còn. Vào thứ Ba, Bộ trưởng tài chính Mỹ, ông Steven Mnuchin nói với các phóng viên giấy phép để Boeing và Airbus xuất khẩu máy bay thương mại, các linh kiện và dịch vụ có liên quan đến Iran sẽ bị thu hồi sau 90 ngày.

Boeing trước đây lên kế hoạch bán 80 máy bay cho Iran Air. Những máy bay đầu tiên dự kiến sẽ được giao trong năm nay.

Hãng cũng đã đồng ý bán 30 máy bay 737 MAX cho Aseman Airlines, một hãng hàng không Iran khác.

Đối thủ châu Âu Airbus, có một nhà máy ở Alabama, đã đồng ý bán 100 máy bay cho Iran.

Trong một tuyên bố, Boeing cho biết họ sẽ tham vấn chính phủ Mỹ về những bước kế tiếp.

Hãng sản xuất máy bay đã chuẩn bị dừng bán máy bay cho Iran, và có thể chịu được cú shock này.

Airbus cho biết, “Chúng tôi đang cẩn thận phân tích thông báo vào sẽ đánh giá các bước tiếp theo phù hợp với các chính sách của công ty cũng như hoàn toàn tuân thủ các cấm vận và quy định kiểm soát xuất khẩu.”

3. GE, Volkswagen và Total

Lo lắng lệnh trừng phạt trở lại khiến nhiều công ty nước ngoài lớn vẫn đứng bên lề ở Iran. Nhưng có một số đã đạt được các thỏa thuận hiện đang đứng trước nguy cơ.

Total, hãng dầu khí Pháp đã ký một hợp đồng trị giá 2 tỷ USD giúp phát triển mỏ dầu khổng lồ South Pars của Iran, cùng với công ty nhà nước CNPC của Trung Quốc. Hiện tại, công ty đang lo lắng thỏa thuận có thể bị sụp đổ trước các lệnh trừng phạt mới.

General Electric đã nhận các đơn hàng trị giá hàng triệu dollar từ Iran trong năm 2017 cho mảng kinh doanh dầu khí của mình, trong đó có các đơn hàng linh kiện máy móc và thiết bị sử dụng trong các nhà máy khí đốt.

GE cho biết họ vẫn đang xem xét quyết định.

“Chúng tôi sẽ điều chỉnh hoạt động của mình khi cần thiết để phù hợp với các thay đổi trong luật pháp Mỹ,” hãng cho biết. “Các hoạt động của GE tại Iran cho đến nay khá hạn chế và tuân thủ theo các quy định, giấy phép và chính sách của chính phủ.”

Trong năm 2017, Volkswagen của Đức cho biết họ sẽ bán ô tô ở Iran lần đầu tiên trong 17 năm.

4. Các hãng hàng không và tập đoàn khách sạn

Các điều hành du lịch đã tận dụng hứng thú về Iran như một điểm đến du lịch và kinh doanh từ khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Các hãng hàng không châu Âu như British Airways và Lufthansa đã nối lại các chuyến bay thẳng đến nước này, và chính quyền Iran cũng nới lỏng các yêu cầu visa.

Tập đoàn Accor của Pháp là chuỗi khách sạn quốc tế đầu tiên mở cửa ở Iran trong năm 2015.

Melia của Tây Ban Nha và Rotana của UAE cũng thông báo các kế hoạch mở khách sạn ở Iran.

5. Kinh tế Iran

Tăng trưởng đã trở lại Iran trong những năm gần đây, nhưng kinh tế phục hồi vẫn còn mong manh. Các lệnh trừng phạt sẽ khiến tình hình tệ hơn nhiều.

Đồng rial của Iran lao dốc so với dollar Mỹ trong những tháng gần đây. Đồng tiền này đã mất hơn 22% giá trị trong năm qua và các bài báo cho rằng đồng tiền này còn xuống giá sâu hơn trong các thị trường hối đoái chợ đen.

Đồng rial xuống giá khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn và được biết một số người Iran đang dùng các khoản tiết kiệm của mình để mua dollar và euro.

Jason Tuvey, một nhà kinh tế Trung Đông tại Capital Economics, cho rằng môi trường chính trị bất ổn ngày càng tăng sẽ gây tổn hại cho đầu tư.

“Kinh tế suy giảm có thể nghiêm trọng hơn nếu Iran gặp khó khăn trong thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế,” ông nói thêm.

Valiollah Seif, thống đốc ngân hàng trung ương Iran cho biết Iran có đủ ngoại tệ để mua hàng hóa cơ bản và nguyên vật liệu.

“Dù quyết định của Mỹ là gì, nó sẽ không làm gián đoạn nền kinh tế của chúng tôi,” ông nói vào thứ Ba, theo hãng thông tấn bán chính thức Mehr.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN Money

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1