Tài chính Thứ sáu, 15/06/2018, 10:19 GMT+7
Christine Lagarde: Tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi từng ngày

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde dẫn đầu một cuộc công kích của các tổ chức kinh tế thế giới đối với chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của tổng thống Donald Trump vào thứ Hai, 11/6, cảnh báo mây mù vần vũ trên bầu trời kinh tế toàn cầu đang “đen đi từng ngày.”

jn15 imf

Ông Trump đã rút khỏi tuyên bố chung được các lãnh đạo G7 đồng thuận tại Canada vào cuối tuần, đề cập đến “sự cần thiết của thương mại tự do, công bằng và các bên cùng có lợi,” cũng như tầm quan trọng của việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Tổng thống Hoa Kỳ, người áp các khoản thuế kim loại, giận dữ vì khoản thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với các đồng minh chính. “Thương mại công bằng hiện nên được gọi là thương mại ngu ngốc nếu không có lợi cho đôi bên,” ông viết trên Twitter vào thứ Hai.

Đáp lại, bà Lagarde tung ra một cú tấn công không che đậy đối với chính sách thương mại của ông Trump, rằng những thách thức đối với cách thức thương mại được thực hiện đang làm tổn hại niềm tin doanh nghiệp, thậm chí còn suy yếu đi từ sau cuộc họp thượng đỉnh G7.

IMF vẫn kiên định với dự báo tăng trưởng toàn cầu 3.9% cho cả năm nay và năm sau, bà Lagarde nói, trước khi nói thêm: “Nhưng mây mù chúng tôi đã nói đến nơi đường chân trời từ sáu tháng trước đang dầy hơn từng ngày.”

“Đám mây to nhất và đen tối nhất là niềm tin xuống cấp vì một cố gắng gây khó khăn cho cách thức thương mại vẫn được tiến hành, cách thức các mối quan hệ được xử lý cũng như cách thức các tổ chức đa phương hoạt động,” bà Lagarde nói.

Giám đốc IMF phát biểu sau một cuộc họp ở Berlin với Thủ tướng Đức Angela Merkel và những người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Phi.

Vào Chủ Nhật, 10/6, bà Merkel cho biết EU sẽ thực thi những biện pháp chống các khoản thuế của Mỹ và mô tả việc ông Trump rút khỏi thông cáo chung là “không nghiêm túc và đáng thất vọng.”

Các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng, dù các thị trường vẫn tương đối bình lặng sau khi xao động vào buổi sáng.

“Hãy dừng leo thang”

Tổng giám đốc WTO phát biểu trong cuộc họp báo tại Berlin: “Chúng ta phải… dừng leo thang căng thẳng. Ăn miếng trả miếng sẽ không giúp được gì.”

Ông cũng chỉ trích cách hành xử của Mỹ tại WTO.

“Hoa Kỳ đang tập trung nhiều hơn vào những biện pháp song phương – thậm chí đôi khi đơn phương, không hỗ trợ cho hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc.”

“Họ than phiền về hệ thống, họ nói họ muốn cải thiện hệ thống, nhưng chúng tôi kỳ vọng một phương thức tiếp cận có tính xây dựng hơn về phía họ,” ông Azevedo nói.

Trước đó, bộ trưởng kinh tế Đức cho biết Berlin không nhận thấy có giải pháp tức thì nào cho cuộc tranh cãi thương mại giữa Hoa Kỳ và những nền kinh tế lớn khác, nhưng họ vẫn sẳn lòng đối thoại “giữa những người bạn với nhau”, hướng đến ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu toàn diện.

Là nước xuất khẩu lớn nhất của châu Âu sang Mỹ và với hơn một triệu việc làm của người Đức đang bị đe dọa, nước Đức hết sức mong muốn tránh một cuộc chiến thương mại giữa EU với Mỹ.

“Tôi tin tưởng vẫn có thể có được tình huống hai bên cùng có lợi,” ông Peter Altmaier, một trong những người phó thân cận nhất của bà Merkel nói với phát thanh viên tờ Deutschlandfunk.

“Tuy nhiên, hiện tại, dường như không có giải pháp nào, ít nhất trong ngắn hạn.”

Điều đặc biệt làm Đức, nước xuất khẩu ô tô sang Mỹ, lo ngại là dòng tweet của ông Trump vào cuối tuần, theo đó Washington đang muốn áp thuế lên ô tô.

Ủy ban châu Âu, phối hợp chính sách thương mại cho Liên Minh châu Âu, hướng mục tiêu nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu trị giá 2.8 tỷ euro của Mỹ, trong đó có rượu bourbon và quần jeans, với các khoản thuế thêm 25% từ đầu tháng Bảy.

Họ được các quốc gia thành viên EU ủng hộ rộng rãi, nhưng cần tham vấn với các quốc gia này trong những tuần sắp tới.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có thật sự là đồng minh hay không, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, trả lời khối này không muốn dừng đối thoại với Washington.

“Chúng tôi không muốn dừng thảo luận và những cuộc đối thoại tiếp theo dĩ nhiên là cần thiết để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực ô tô,” ông nói.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1