Sự kiện Thứ sáu, 23/08/2019, 09:58 GMT+7
Biến đổi khí hậu sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sản lượng kinh tế toàn cầu bởi nhiệt độ cao hơn gây tổn hại từ trồng trọt đến sản xuất, theo một nghiên cứu mới vừa được công bố của Cục Nghiên Cứu Kinh tế Quốc gia.

ag23 climate

Nắng nóng vượt kỷ lục trên toàn cầu là những tin tức nổi bật trong suốt tháng Bảy, hiện các nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ liên tục tăng 0.04 độ C mỗi năm, hạn chế các đột phá chính sách lớn, sẽ giảm GDP thực tế trên đầu người xuống 7.22% đến năm 2100.

Các nhà nghiên cứu – đến từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Đại học Cambridge và Đại học Nam California – không tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy lượng mưa có tác động lên GDP, thay vào đó lại quan sát được ảnh hưởng lớn có liên quan đến nhiệt độ.

Hoa Kỳ được dự kiến sẽ có GDP đầu người giảm 10.5%, của Trung Quốc giảm 4.3% và của Liên minh châu Âu giảm 4.6% trong 81 năm tới vì các biến động nhiệt độ. Nói cách khác, nếu GDP toàn cầu có tăng gấp đôi hay giảm một nửa đến năm 2100, các kết quả cho thấy GDP đầu người thật vẫn sẽ giảm 7.22% so với mức đáng phải có.

Trong thời gian ngắn hơn và giả sử không có thay đổi chính sách lớn, và lượng khí thải nhà kính vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng có liên quan đến khí hậu lên GDP đầu người toàn cầu được dự kiến sẽ vượt 2.5% và vượt 3.7% ở Hoa Kỳ đến năm 2050.

Theo các nhà nghiên cứu, “Nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng 0.04 độ C mỗi năm khiến sản lượng giảm đáng kể, giảm sản lượng bình quân đầu người thực tế lần lượt 0.8%, 2.51% và 7.22% trong các năm 2030, 2050 and 2100. Hơn nữa, những phát hiện thực nghiệm của chúng tôi áp dụng như nhau ở các nước giàu hay nghèo, nóng hay lạnh.”

Sử dụng một loạt số liệu từ 174 quốc gia từ năm 1960 đến năm 2014, nhóm nghiên cứu kiểm tra hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất kiểm tra tác động của biến đổi khí hậu mà không có các chính sách về biến đổi khí hậu (“RCP 8.5”), cho thấy mức tăng nhiệt độ hàng năm 0.04 độ C.

Kịch bản thứ hai tương thích với Hiệp ước Paris 2015 mà Tổng thống Donald Trump quyết định từ bỏ (RCP 2.6). Kịch bản này cho thấy mức tăng hàng năm 0.01 độ C.

 Phân vị nhiệt độ Đất liền và Đại dương tháng 7/2019

ag23 climate f1

Trong kịch bản thứ nhất, giả sử nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0.04%, các nhà nghiên cứu nhận thấy GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm trên 10% đến năm 2100 nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng với tốc độ lịch sử này. Trong kịch bản thứ hai, tuân theo Hiệp ước Paris với nhiệt độ toàn cầu hàng năm tăng 0.01 độ C, GDP của Hoa Kỳ vẫn giảm tương đối lớn, dù ít hơn 1.88%.

Theo các nhà nghiên cứu, một phần của tác động to lớn này là nhiệt độ ở Hoa Kỳ đang tăng nhanh hơn thế giới, với mức tăng trung bình của nước này là 0.026 độ C, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình hàng năm 0.018 độ C của thế giới.

“Các kết quả của chúng tôi mang đến bằng chứng về những nguyên nhân gây tổn hại từ biến đổi khí hậu ở Hoa Kỳ, sử dụng tổng sản phẩm quốc gia, GSP đầu người, hiệu suất lao động và việc làm cũng như tăng trưởng sản lượng trong 10 lĩnh vực kinh tế,” các nhà nghiên cứu cho biết.

“Dù một số lĩnh vực trong nền kinh tế Mỹ có thể đã thích nghi với nhiệt độ cao hơn, hoạt động kinh tế ở Mỹ nói chung và ở cấp độ ngành vẫn tiếp tục nhạy cảm với các chênh lệch giữa nhiệt độ và lượng mưa so với các mức chuẩn trước kia.”

Những quốc gia có nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong GDP có thể chịu nguy cơ nhiều nhất. Nhiệt độ quá cao hay mưa quá nhiều không chỉ hủy hoại các cây trồng như ngô và đậu nành mà còn làm trì trệ việc đồng áng và làm chậm trễ việc vận chuyển thiết bị.

Dù nghiên cứu mới không tìm thấy bằng chứng mưa tăng gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế, một lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng lượng mưa tăng có thể gây tổn hại cho lợi nhuận. Trưởng kinh tế tại hãng sản xuất thiết bị nông nghiệp Deere lưu ý những nghi ngờ xung quanh sản lượng cây trồng đã ảnh hưởng đến các ước tính sản lượng ngô của chính phủ.

“12 tháng ẩm ướt nhất trong lịch sử nước Mỹ đã mang đến lũ lụt và việc trồng trọt bị trì hoãn đến mức kỷ lục ở những khu vực trồng ngô và đậu nành lớn,” ông Luke Chandler nói trong hội nghị báo cáo tài khóa quý ba của Deere. “Kết quả là mức độ bất ổn gia tăng đối với sản lượng cây trồng theo hàng.”

“Tình trạng bất ổn này được phản ánh trong các ước tính mới nhất của USDA, khiến thị trường bất ngờ, đặt biệt là dự báo về sản lượng ngô cả nước,” ông nói thêm. Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 12/8 cho biết sản xuất đậu nành giảm 19% so với năm 2018 và những nông dân trồng ngô được dự kiến sẽ giảm sản xuất 4% so với năm ngoái.

Nhưng dường như khó có khả năng tình trạng thời tiết bất thường sẽ giảm đi. Một loạt số liệu khí tượng gần đây cho thấy một mô hình nắng nóng kỷ lục kéo dài.

Cơ quan Quản Lý Khí Tượng và Đại Dương Quốc Gia của Mỹ cho biết tháng Bảy là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, khiến biển băng ở Nam Cực và Bắc Cực thu hẹp xuống các mức thấp kỷ lục.

Hiệp định Paris 2015 hướng đến chiến đấu với những tác động này: Hiệp định được thiết kế để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 2 độ C trên các mức tiền công nghiệp. Hiệp ước buộc 195 quốc gia ký kết – gần như tất cả các quốc gia trên thế giới – đưa ra các kế hoạch cắt giảm khí thải trong nỗ lực nhằm ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1