Chiến đấu trên hai mặt trận? Hoa Kỳ và EU cố gắng tránh chiến tranh thương mại |
Ủy viên thương mại EU, Cecilia Malmström gặp các quan chức nội các của ông Trump, ông Wilbur Ross và Robert Lighthizer vào thứ Tư trong nỗ lực tránh các khoản thuế Mỹ đánh vào thép và nhôm nhập khẩu dự kiến sẽ có hiệu lực vào thứ Sáu (1/6). Nhưng cả hai bên dường như không hy vọng nhiều vào việc đạt được một thỏa thuận trong các cuộc thảo luận ở Paris. “Hy vọng đây sẽ là một chương trình nghị sự tích cực… không có thuế suất hay hạn ngạch, nhưng thực tế, tôi không nghĩ chúng ta có thể hy vọng điều đó,” bà Malmström nói với Quốc hội Châu Âu vào thứ Ba. Trong khi đó, vào thứ Tư, ông Ross cho biết Hoa Kỳ có “nhiều điều để phàn nàn” khi nói đến giao thương với châu Âu. Các khoản thuế kim loại đe dọa 6.4 tỷ euro (7.4 tỷ USD) hàng xuất khẩu châu Âu, và khối này đã hứa sẽ trả đũa nếu không được miễn trừ. Vào đầu tháng này Liên minh châu Âu đã cập nhận danh sách các sản phẩm Mỹ sẽ chịu khoản thuế 25% nếu Hoa Kỳ thực hiện áp thuế. Danh sách có xe mô tô Mỹ, denim, nước ép nam việt quất và bơ đậu phộng. Quan hệ thương mại giữa hai bên trị giá hơn một ngàn tỷ USD hàng năm. Hàng hóa EU xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn đáng kể so với chiều ngược lại, dù hoạt động thương mại dịch vụ của hai bên tương đối bằng nhau. Các cuộc thảo luận Mỹ - EU diễn ra chỉ một ngày sau tuyên bố gây ngạc nhiên của nội các ông Trump rằng họ sẽ áp thuế trị giá 50 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc và hạn chế đầu tư Trung Quốc ở Mỹ. Động thái gây sốc này theo sau các đàm phán căng thẳng giữa hai bên và một thỏa thuận nhằm hoãn các khoản thuế đe dọa khi đàm phán diễn ra. Các chuyên gia cho rằng sẽ rất khó dự đoán kết quả của các cuộc đàm phán Mỹ - EU. “Với cách thức Hoa Kỳ xử lý chính sách thương mại, thật khó mà dự đoán điều gì sẽ xảy ra,” theo ông Ross Denton, một chuyên gia thương mại và là cộng sự tại hãng luật Baker McKenzie. Ông Dentoncho rằng Liên minh châu Âu có cơ sở vững chắc để được miễn trừ thuế thép và nhôm, được áp dụng với danh nghĩa an ninh quốc gia. Nhưng nội các ông Trump có thể không đồng ý. “Thật sự, tôi không thấy nội các ông Trump sẽ có được lợi ích khi khiến Liên minh châu Âu nổi giận,” ông Denton nói. Phòng thương mại Mỹ ở Liên minh châu Âu – đại diện cho các công ty Mỹ trong khu vực – kêu gọi nội các Trump kềm chế. “Những đề xuất thuế có thể khiến tranh chấp thương mại leo thang bùng nổ và có thể có những hệ quả không mong đợi khác. Chúng có thể có tác động đáng kể lên việc làm, tăng trưởng và an ninh ở cả hai bờ Đại Tây Dương,” theo một tuyên bố của Phòng thương mại Mỹ. Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ phản ứng “thích đáng” nhằm tránh một cuộc chiến thương mại. Nhưng tổng thống Donald Trump có thể không thấy như vậy. Trước đó ông Trump đã đe dọa đáp lại bất kỳ hàng rào thương mại mới nào của EU bằng khoản thuế đánh lên phương tiện xe cộ của các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Ông Ross đã triển khai một cuộc điều tra liệu nhập khẩu ô tô toàn cầu có gây phương hại cho an ninh quốc gia Mỹ hay không. Nội các Mỹ đã áp dụng cùng phương thức này trước khi thông báo các khoản thuế thép và nhôm. Thuế đánh lên ô tô và linh kiện ô tô sẽ gây tổn hại cho các lái xe Mỹ và các nhà sản xuất ô tô toàn cầu. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Minh châu ÂU cũng căng thẳng vì Iran. Các doanh nghiệp châu Âu gần đây bị ảnh hưởng bởi quyết định của ông Trump tái áp đặt các cấm vận lên Iran, buộc một số công ty phải thu hẹp hoạt động của họ ở nước này. Động thái này ảnh hưởng đến các hợp đồng kinh doanh trị giá hàng tỷ dollar. Liên minh châu Âu phản ứng bằng cách đưa ra các biện pháp chống lại các cấm vận của Mỹ và bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp của mình. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN Money
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|