Thị trường Thứ sáu, 01/06/2018, 09:19 GMT+7
Cuộc chiến giành Nam Cực

 

Nam Cực là lục địa không có chính phủ. Cái gần giống với chính phủ nhất cho nơi này là một văn phòng âm u 10 người, với tấm bảng nhỏ có dòng chữ “Hệ thống Hiệp ước Nam Cực” (ATS) trên cánh cửa gỗ ở Buenos Aires. Công việc của nhóm người này là giữ cho mọi việc được suôn sẽ giữa 53 quốc gia cùng cai quản Nam Cực.

jn1 antartica

 

Nghe có vẻ như một hệ thống viễn vông đối với châu lục lớn gấp hai Australia với nguồn tài nguyên thiên nhiên cực lớn chưa từng được chạm đến, và điều đó thật là như thế. Nhưng chủ nghĩa lý tưởng làm nền tảng cho điều này lại rất rõ ràng.

“Một trong những điều đáng ngạc nhiên là Nam Cực là lục địa duy nhất nơi con người làm việc cùng nhau vì hòa bình và khoa học,” theo Jane Francis, người đứng đầu cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh quốc, vừa tham gia cuộc họp thường niên Antarctic Treaty Consultative. “Bạn sẽ không tin 53 quốc gia sau hai tuần có thể đồng ý với nhau… Điều này có thể được thực hiện ở đây.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng thật sự đồng thuận. Trong cuộc họp tại thủ đô của Argentina, đã có một số chia rẽ. Ngày càng có nhiều vấn đề ATS, hệ thống đã gìn giữ trật tự ở Nam Cực trong gần sáu thập kỷ, phải giải quyết. Từ biến đổi khí hậu đến đánh cá, những bài kiểm tra địa chính Nam Cực đang phải đối mặt ngày càng khó giải quyết hơn đối với một nhóm hoạt động dựa trên sự đồng thuận.

“Một trong những điều hệ thống hiệp ước cần là tầm nhìn mới,” theo Klaus Dodds, một giáo sư địa chính tại Đại học Hoàng gia Holloway, London, một chuyên gia về quản lý Nam Cực. “Một tầm nhìn nơi các bên đều rõ ràng về điều họ đang nỗ lực thực hiện.”

Cuộc họp tại Buenos Aires rất điển hình: cuộc họp đưa ra một loạt các thỏa thuận cho những mục tiêu tương đối dễ đạt được, như các quy định sử dụng máy bay không người lái, và các hướng dẫn dành cho di sản (như căn lều do Ernest Shackleton và nhóm của ông dựng cách đây hơn 100 năm).

Nhưng những vấn đề gai góc nhất – chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra khi các nước vi phạm các quy tắc của hiệp ước – hầu như không bao giờ được giải quyết. Các nhà khoa học và ngoại giao đang ngày càng lo ngại hệ thống hiện tại sẽ không có khả năng phản ứng được với những áp lực mới. Điều bị đe dọa chính là châu lục hoang sơ cuối cùng, nơi chứa nguồn nước ngọt lớn nhất thế giới, các mỏ dầu và khí đốt khổng lồ và là chìa khóa để hiểu được biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến thế giới như thế nào qua mực nước biển dâng cao.

“Điều chúng ta thấy hiện tại… chính là các bên tham gia hiệp ước hầu như thờ ơ trong tiến hành những bước đi cần thiết,” theo Daniela Liggett, giáo sư địa lý tại Đại học Canterbury, New Zealand. Bà nói thêm, quy thức ràng buộc chính cuối cùng của hiệp ước đã có hiệu lực từ 20 về trước. Bất kỳ quy thức mới nào phải được nhất trí thông qua, vì thế ngay cả một nước bất đồng chính kiến cũng có quyền phủ quyết.

Những lĩnh vực căng thẳng lớn nhất có liên quan đến các lợi ích kinh tế và chiến lược ở Nam Cực, như du lịch và đánh cá (khai mỏ bị cấm). Các bên tham gia hiệp ước từ năm 1959 đồng ý không đề cập đến các tuyên bố chủ quyền và sử dụng lục địa này chỉ với các mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bên tham gia khiến hệ thống trở nên cồng kềnh: Năm 1980 chỉ có 13 quốc gia có tư cách “tư vấn” để đưa ra những quyết định quan trọng về các vấn đề của hiệp ước – con số này đã lên đến 29, với một nhóm đa dạng từ Phần Lan đến Peru, Ấn Độ và Bỉ.Trong khi đó, số các trạm nghiên cứu khoa học lâu dài trên đảo, căn cứ của các hoạt động, đã tăng lên hơn 75 trạm. Trung Quốc đặc biệt rất năng nổ xây trạm nghiên cứu mới khi nước này tham gia hiệp ước năm 1983, và các phê duyệt môi trường cho trạm mới nhất của họ, căn cứ thứ năm, đã gây chia rẽ trong các thành viên hiệp ước.

“Tài nguyên luôn là kích hoạt lớn,” theo Giáo sư Dodds. “Một khi rõ ràng hơn về khai thác tài nguyên, khi đó bạn đưa ra vấn đề về người sở hữu Nam Cực. Đây là vấn đề ám ảnh Hiệp ước Nam Cực và Hệ thống Hiệp ước nói chung.”

Những lo lắng ngày càng gia tăng song song với tầm quan trọng của Nam Cực. Lục địa này được bao phủ trong một lớp băng dày đến một dặm và là nơi để quan sát hành tinh của chúng ta thay đổi như thế nào. Nhiệt độ ở một số nơi của Nam cực đang tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, và tốc độ các sông băng tan chảy có thể giúp cho biết mực nước biển toàn cầu sẽ dâng nhanh như thế nào trong tương lai.

Nam Băng Dương, bao quanh Nam Cực, đang trở thành một ngư trường quan trọng, khi nguồn tài nguyên ở những vùng biển khác đều cạn kiệt. Và nơi này đóng vai trò quan trọng trong hấp thu nhiệt và carbon từ khí quyển, theo những cách thức vẫn chưa hoàn toàn được tìm hiểu hết.

“Mọi thứ đã thay đổi sâu sắc,” theo Damon Stanwell-Smith, một nhà sinh học biển lần đầu tiên đến Nam Cực hơn 25 năm trước. “Điều đó có thể được nhận thấy rõ ràng trong một đời người – thay đổi trong những vùng nước ven biển, băng, các sông băng giảm đi, và sau đó là chuyển biến của đời sống hoang đdã. Không đâu rõ ràng hơn nơi đây.”

Một yếu tố quan trọng là ngày càng có thêm nhiều du khách. Ông Stanwell-Smith đứng đầu hiệp hội Khai thác du lịch Nam Cực Quốc tế (Iaato), người giống với cảnh sát du lịch nhất trong khu vực này.

jn1 antartica f1

 Máy bay của một hãng du lịch Chile chờ đón khách tại căn cứ quân sự Chile Presidente Eduardo Frei, đảo King George, Nam Cực.

Tháng trước, Iaato cho biết số du khách đến khu vực này đã tăng đến 51,000 trong mùa vừa qua, tăng 17% so với năm trước. Con số này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Theo ông Stanwell-Smith, khoảng 20 tàu thám hiểm vùng cực đang được đóng, bổ sung thêm vào đội tàu 33 chiếc đã đăng ký với Iaato, để phục vụ cho ham muốn đến thăm vùng cực.

Đối với hầu hết các du khách – những người trả từ $10,000 đến $100,000 cho một chuyến đi –du lịch Nam Cực là ra khỏi tàu để đến một vài địa điểm được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng cũng có những sơ hở trong hệ thống, như các du thuyền tư nhân không tuân thủ quy định, cũng như ngày càng có nhiều tour có các hoạt động như chèo thuyền kayak hay trượt tuyết.

“Nơi đây đang trở thành nơi thám hiểm giải trí, và vấn đề là du lịch không có kiểm soát,” theo Giáo sự Francis thuộc British Antarctic Survey. “Người ta có thể đưa du thuyền, đưa máy bay tư nhân đến Nam Cực dễ dàng hơn rất nhiều.”

Nguồn du khách mới tăng nhanh nhất trong năm qua là từ Trung Quốc, chỉ đứng sau Mỹ trong tổng xếp hạng các du khách. Cùng lúc, Bắc Kinh đang đầu tư nặng tay vào các nhiệm vụ ở Nam Cực, một phần trong kế hoạch trở thành một “cường quốc cực” của nước này. Một trong những ý tưởng gây lo ngại là đề xuất của Trung Quốc về “quy tắc ứng xử” đặc biệt áp dụng cho một khu vực rộng lớn quanh căn cứ nghiên cứu của nước này, Trạm Kunlun, được xem như ý muốn hạn chế các hoạt động gần căn cứ của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc xây trạm nghiên cứu thứ năm cũng gây tranh cãi vì những hoạt động xây dựng sơ bộ được tiến hành trước khi đánh giá tác động môi trường hoàn tất, vi phạm giao thức hoạt động. Không trừng phạt những hành động như thế này – và những vi phạm tương tự của những nước khác – là một trong những điểm yếu của hệ thống hiệp ước.

Trung Quốc chi cho chương trình nghiên cứu Nam Cực nhiều hơn bất kỳ nước nào, theo Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Canterbury, biên tập viên tờ The Polar Journal. Sự quan tâm của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn ở tầm quan trọng chiến lược của lục địa – có một trạm trên mặt đất gần Cực Nam có thể tăng tính chính xác của các hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu.

Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đều có cơ sở hạ tầng quan trọng ở Nam Cực hỗ trợ cho các hệ thống định vị toàn cầu của họ. “Điều này làm cho Nam cực hiện rất, rất hấp dẫn,” Giáo sư Brady nói. Theo bà, Hệ thống Hiệp ước Nam Cực có thể không được trang bị tốt để phản ứng được với “xung đột giá trị” trong khu vực.

“Có nhiều điều không được giải quyết trong hiệp ước và có thể không phù hợp với mục tiêu vì môi trường chiến lược toàn cầu hiện tại của chúng ta,” bà nói. “Nếu Hiệp ước Nam Cực muốn bền vững, các chính phủ cần quan tâm ở cấp cao hơn trong cách thức thích nghi với môi trường biến đổi và cách thức bảo vệ Nam Cực.

Trung Quốc và những nước khác đang chuẩn bị cho ngày khi những hạn chế hiện tại của Hệ thống Hiệp ước Nam Cực có thể không còn áp dụng nữa. Dù về cơ bản không hết hạn, các điều khoản hạn chế khai mỏ có thể thay đổi sau năm 2048 – năm nghị định môi trường dự kiến sẽ được xem xét lại.

Khi số bên tham gia gia tăng, có nghĩa là sẽ có thêm nhiều tiếng nói hơn trong bất kỳ việc xem xét nào. “Những quốc gia này (không phải 12 bên ban đầu ký hiệp ước năm 1959) dự định sẽ đóng vai trò gì? Chắc chắn, họ đã nhìn chằm chằm vào nguồn tài nguyên có thể có trong tương lai,” theo Máximo Gowland, giám đốc cơ quan chính sách Nam Cực của Argentina.

Ông chỉ ra rằng cả tài nguyên nước và khoáng sản đều có thể trở thành vấn đề. “Bạn không biến tình hình có thể chuyển biến nhanh như thế nào,” ông nói, đề cập đến việc thiếu nước nghiêm trọng ở Cape Town, nơi ý tưởng kéo một tảng băng trôi từ Nam Cực đến Nam Phi để giải quyết cuộc khủng hoảng, đã được thảo luận đến.

Hệ thống hiệp ước đã và đang vật lộn để bảo vệ nguồn tài nguyên ở Nam Băng Dương, nơi việc đánh bắt nhuyễn thể đang gia tăng. Sự phản đối của Trung Quốc và Nga đã liên tục trì hoãn việc thành lập những khu vực biển được bảo vệ mới, chủ đề sẽ lại được thảo luận trong cuộc họp tháng 10.

Một vấn đề khác chưa được giải quyết là khảo sát sinh học – lấy mẫu sinh học từ Nam Cực để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Vì các loài ở Nam Cực thích nghi với những điều kiện cực lạnh, chúng có thể chứa những tổ hợp có giá trị trong ứng dụng thương mại hoặc y dược. Tuy nhiên câu hỏi ai sở hữu quyền tài sản trí tuệ từ những mẫu này không thể được giải quyết vì có nhiều kiểu, nhiều dạng tuyên bố chủ quyền trên lục địa này.

Dù không có ai cho thấy họ sẽ rời Hệ thống hiệp ước, cũng không có hy vọng Hệ thống sẽ có thể tự mình cải cách. Nguy cơ chính là hệ thống sẽ trở nên không thích hợp khi không thể giải quyết những thách thức Nam Cực phải đối mặt, Giáo sư Liggett nói.

Theo Evan Bloom, nhà ngoại giao vùng cực hàng đầu tại Mỹ, người đưa du khách và nhà khoa học đến Nam Cực nhiều nhất mỗi năm, Washington ủng hộ hệ thống hiệp ước bất chấp các hạn chế của nó. “Hệ thống đã làm tốt khi để sang một bên những khác biệt chính trị và cho phép khoa học được tiến hành,” ông nói.

Điều này sẽ kéo dài được bao lâu khi dựa trên một hiệp ước mong manh sắp phải đối mặt với những thử thách lớn nhất.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1