Thị trường Thứ ba, 26/03/2019, 09:19 GMT+7
Brexit đang khiến kinh tế Anh mất một tỷ USD mỗi tuần, và tình hình có thể còn tệ hơn

Brexit đã được hoãn và có thể cuối cùng sẽ được hủy bỏ, nhưng nó đã gây nên tổn thất to lớn đối với kinh tế Anh.

m26 brexit

Cuộc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào tháng 6/2016 khiến bảng Anh yếu đi đáng kể, dẫn đến tình trạng bất ổn trong nhiều năm làm hoạt động kinh tế suy giảm, kéo đầu từ đi xuống.

Theo Ngân hàng Anh Quốc, kinh tế Anh hiện tăng trưởng ít hơn 2% so với tăng trưởng có thể đã đạt được nếu nước Anh lựa chọn ở lại Liên minh châu Âu. Kể từ cuộc trưng cầu dân ý, sản lượng kinh tế đã giảm trị giá khoảng 800 triệu bảng mỗi tuần, 4.7 triệu bảng mỗi giờ.

Hệ quả kinh tế càng chồng chất dù không có thay đổi về cơ cấu trong quan hệ thương mại của Anh với các quốc gia EU hoặc phần còn lại của thế giới.

Nước Anh tiếp tục bán hàng và dịch vụ vào Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của họ, trong khi các nhà chính trị nghiên cứu đàm phán cho cuộc chia tay. Các công ty Anh vẫn dễ dàng thuê nhân công EU và duy trì các chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Tuy nhiên, vẫn không có gì rõ ràng khi nói đến tương lai thương mại của Anh trong ba năm, khiến các công ty khó hoạch định cho tương lai. Các khoản đầu tư bị hoãn hoặc hủy và nhiều doanh nghiệp thay vào đó đã đổ tiền triệu lên kế hoạch cho kịch bản xấu nhất: một cuộc Brexit hỗn loạn.

Khi chính trường nước Anh xáo động, vẫn có nguy cơ nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu mà không có một thỏa thuận chuyển giao để bảo vệ thương mại. Ngân hàng Anh quốc cho rằng hậu quả của kịch bản này sẽ còn xấu hơn cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Cuộc suy giảm Brexit lớn

Vương quốc Anh từng là nền kinh tế phát triển nhanh nhất G7 khi các cử tri đi bỏ phiếu năm 2016. Hành động khẩn cấp của Ngân hàng Anh quốc đã giúp kinh tế Anh tránh được một đợt suy thoái được một số người dự đoán sẽ xảy ra sau cuộc bỏ phiếu ủng hộ Brexit và tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất thấp.

Tuy nhiên nước Anh vẫn đang rơi xuống cuối bảng G7. Tăng trưởng kinh tế hiện tại giảm từ 2% hàng năm xuống còn không đến 1%.

Đầu tư của các công ty Anh chững lại sau cuộc trưng cầu dân ý và sau đó giảm đến 3.7% trong năm 2018. Trong khi đó, những nước còn lại trong G7 có đầu tư doanh nghiệp tăng khoảng 6% mỗi năm kể từ đợt bỏ phiếu.

Niềm tin doanh nghiệp tại Anh cũng xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

“Tôi tin rằng lý do của tình trạng kém cỏi so với thế giới là sự không chắc chắn xung quanh tương lai của Brexit,” theo Gertjan Vlieghe, một thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Anh quốc.

Các hộ gia đình cũng cảm nhận được ảnh hưởng. Bảng Anh giảm 15% so với dollar sau cuộc bỏ phiếu năm 2016, đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao hơn, làm tăng lạm phát và khiến giá trị tiền lương đi xuống.

Cú shock cho doanh nghiệp

Các nhà điều hành phản ứng trước sự không chắc chắn bằng cách cố gắng khiến doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi Brexit.

“Rõ ràng sự trì trệ chính trị đã gây ra các hệ quả kinh tế, khi nhiều công ty hoãn các quyết định đầu tư và tuyển dụng vì tình trạng không rõ ràng vẫn tiếp diễn,” theo Adam Marshall, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Anh nói.

Nhiều ngân hàng đã mở văn phòng mới ở Đức, Pháp, Ireland và những quốc gia EU khác để đảm bảo việc kinh tế của mình trong khu vực sau Brexit. Các công ty dịch vụ tài chính cũng phải chuyển đi một lượng tài sản đáng kể đến những nơi này để tuân thủ theo các nhà quản lý EU. Theo hãng tư vấn EY, khoản tài sản trị giá ít nhất 1 ngàn tỷ bảng đang rời nước Anh.

Sony và Panasonic đều đang dời các trụ sở châu Âu sang Hà Lan.

Những công ty sản xuất, vốn cần chuỗi cung ứng hoạt động liên tục, cũng thực hiện một số thay đổi. Nissan đã bỏ kế hoạch sản xuất mẫu mới ở Anh với lý do tình hình bất ổn vì Brexit. Tập đoàn kỹ thuật Schaeffler sẽ đóng cửa hai trong số ba nhà máy ở Anh cũng vì lý do tương tự.

Mối nguy lớn nhất

Kịch bản nguy hiểm nhất – một Brexit hỗn loạn – vẫn có thể xảy ra.

Vào thứ Năm, các lãnh đạo EU đã cho Vương quốc Anh một lần trì hoãn Brexit ngắn, nhưng nước này vẫn có thể đột ngột tách khỏi EU trừ khi các nhà làm luật Anh đồng ý đi tiếp.

Các quan chức hàng đầu tại Liên đoàn Công nghiệp Anh và Tổng Liên đoàn cho rằng nước Anh phải đối mặt với tình trạng “khẩn cấp quốc gia” nếu các chính trị gia cho phép điều đó xảy ra.

“Các công ty và các cộng đồng trên khắp nước Anh đều không sẳn sàng cho kết quả này. Cú shock đối với nền kinh tế của chúng ta sẽ kéo dài đến nhiều thế hệ.”

McDonald's và KFC cùng các siêu thị Anh cảnh báo đột ngột rời EU sẽ khiến các nguồn cung ứng gián đoạn. Airbus cho biết họ sẽ buộc phải đưa các đầu tư trong tương lai ra khỏi nước Anh.

Khánh Lâm lược dịch

Theo CNN


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1