Thị trường Thứ ba, 26/03/2019, 09:18 GMT+7
Thừa cung LNG, giá lao dốc đặt câu hỏi về các dự án trong tương lai

Giá giao ngay của khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm nên khiến những công ty đang lên kế hoạch cho các dự án mới sản xuất loại năng lượng siêu lạnh này nên suy nghĩ lại. Nhưng có lẽ là không.

m26 lng


Giá LNG giao ngay ở Đông Bắc Á giảm còn $4.65/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) trong tuần lễ đến ngày 21/3, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016.

Đây là một mùa đông phương bắc bất thường đối với LNG, với giá đạt đỉnh $10.90/mmBtu trong tháng 11 và dần đi xuống kể từ đó.

Mẫu hình theo mùa bình thường hơn là giá LNG giao ngay đạt đỉnh vào tháng Một trước khi giảm dần khi xuân đến, và giá mùa đông bắt đầu tăng vào khoảng quý ba.

Giá LNG biểu hiện kém trong mùa đông phản án nguồn cung dư thừa hơn là nhu cầu kém, khi số liệu theo dõi tàu và cảng của Refinitiv xác nhận tiêu thụ vẫn khá mạnh.

Các chuyến hàng LNG ở Đông Bắc Á, trong đó có ba nước nhập khẩu hàng đầu, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, vào khoảng 73.3 triệu tấn trong bốn tháng từ tháng 11 đến tháng Hai.

Mùa đông năm ngoái, nhập khẩu trong những tháng này tổng cộng đạt 70.3 triệu tấn, nghĩa là nhu cầu LNG tại khu vực tiêu thụ hàng đầu thực tế cao hơn 4.3% trong mùa đông 2018-19 so với cùng kỳ 2017-18.

Vấn đề đối với LNG là nguồn cung, với dự án cuối cùng trong tám dự án lớn của Australia xây dựng trong thập kỷ vừa qua đi vào hoạt động và thêm sản lượng từ Hoa Kỳ.

Vấn đề này có khả năng xấu đi thay vì tốt lên trong cả năm 2019, khi năng suất thêm vào có thể vượt quá tăng trưởng nhu cầu, ít nhất là ở châu Á.

Theo nhà phân tích Nicholas Browne tại Wood Mackenzie, khoảng 70 triệu tấn sản lượng LNG mới sẽ tiến vào thị trường trong năm nay và năm tới.

Dù các ước tính khả năng nhu cầu tăng khác nhau, không con số nào cao đến 70 triệu tấn trong hai năm tới và khả năng nhu cầu đạt một nửa con số này khả thi hơn.

Điều này có nghĩa hoặc các nhà sản xuất LNG sẽ phải giảm sản lượng, hoặc giá sẽ phải xuống đủ thấp để nguồn nhiên liệu này thay cho khí đốt tự nhiên vận chuyển bằng đường ống ở những thị trường như châu Âu.

Những dự án mới có thể phát triển nữa không?

Tình trạng thừa cung hiện tại và giá cả yếu kém cũng có thể ảnh hưởng đến làn sóng các dự án LNG kế tiếp, khi những người đi đầu dự kiến sẽ bắt đầu có những quyết định đầu tư cuối cùng trong năm nay.

Khá dễ dàng để xem việc giá giảm chỉ mang tính thời vụ, và hướng đến kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc và những nơi khác ở châu Á trong những năm sắp tới.

Theo những phiên bản lạc quan hơn của những dự báo này, nhu cầu LNG thế giới ít nhất sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới so với 321 triệu tấn đã được vận chuyển trong năm 2018.

Đa phần tăng trưởng nhu cầu tập trung ở châu Á, trong đó Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước Đông Nam Á khác đóng vai trò quan trọng cùng với Trung Quốc.

LNG Canada, một dự án với năng suất 10 triệu tấn mỗi năm do Royal Dutch Shell dẫn đầu, đã có quyết định đầu tư cuối cùng, trở thành người tiên phong trong làn sóng mới, dự kiến sản phẩm đầu tiên sẽ có trong năm 2024.

Có hơn 14 dự án của Hoa Kỳ và Canada dự chuẩn bị đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng trong năm nay và năm sau, và sẽ có thêm những dự án nữa ở Mozambique, Nga, Qatar và có thể cả Australia.

Mô hình truyền thống phê duyệt những dự án hàng tỷ dollar chỉ khi các hợp đồng bao tiêu phần lớn sản lượng được hoàn tất cũng đang được triển khai, theo đó nhiều dự án sẽ tiếp tục trên cơ sở thị trường LNG giao ngay sẽ phát triển đủ sâu và đủ thanh khoản để hấp thụ hết tất cả sản lượng dự kiến.

Điều này phần nào khá lạc quan bởi quan điểm này phụ thuộc nhiều vào việc tất cả những bên tiêu thụ LNG mới thật sự xây dựng được năng lực nhập khẩu và tái khí hóa LNG, cũng như các cơ sở cuối nguồn để tiêu thụ khí đốt tự nhiên.

Cũng nên lưu ý triển vọng nhu cầu của Nhật, nước mua LNG hàng đầu thế giới, sẽ chuyển thấp hơn trong những năm sắp tới.

Ngoài ra, đà tăng trưởng nhanh của Trung Quốc trong những năm gần đây cũng được dự kiến sẽ hạ nhiệt, đặc biệt với khả năng có cạnh tranh từ đường ống khí đốt tự nhiên từ Nga trong vài năm tới.

Hàn Quốc, đứng sau Nhật Bản và Trung Quốc, cũng là một biến số đối với nhu cầu LNG trong tương lai, vì nước này hiện nhấn mạnh đến năng lượng tái tạo cho các nhu cầu trong tương lai.

Rủi ro đối với các nhà sản xuất LNG chính là nếu tất cả, hay thậm chí đa phần các dự án dự kiến có quyết định đầu tư cuối cùng trong năm nay hoặc năm sau, một lượng lớn nguồn cung sẽ ồ ạt đổ vào hầu như cùng lúc, và sẽ đủ để nhấn chìm ngay cả những kịch bản nhu cầu lạc quan nhất.

Phong Lữ lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1