Christine Lagarde: Sử dụng thêm nhiều phụ nữ có thể đẩy mạnh các nền kinh tế thêm 35% |
Sử dụng thêm phụ nữ và xóa bỏ những điều luật phân biệt đối xử có thể thúc đẩy đáng kể kinh tế thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde lập luận rằng những quốc gia nằm trong nhóm 50% cuối về bình đẳng giới – như Pakistan, Saudi Arabia và Lebanon – có thể có được những khoản tăng kinh tế đến 35%. Nghiên cứu mới của IMF cho thấy các kỹ năng và mức độ hiệu quả mới phụ nữ mang đến cho lực lượng lao động có lợi ích kinh tế cao hơn người ta vẫn nghĩ trước đó. Sử dụng thêm nhiều phụ nữ khiến “tăng trưởng cao hơn, giảm bất bình đẳng, cải thiện sức mạnh nền kinh tế và mang đến một quốc gia đa dạng, tập trung hơn vào xuất khẩu,” bà Lagarde nói. “Mọi thứ đang thay đổi. Đã có thời phụ nữ trong nền kinh tế, trong sử dụng lao động, trong tài chính không được xem trọng với mức độ vỹ mô. Điều này không còn nữa.” Nghiên cứu mới của IMF cho thấy số lượng phụ nữ nhiều hơn trong các ban giám đốc ngân hàng có liên quan đến khả năng phục hồi tài chính và sự ổn định trong ngành. Tuy nhiên, chỉ có không đến một phần năm thành viên ban giám đốc ngân hàng – và chỉ 2% CEO ngân hàng trên khắp thế giới – là phụ nữ. “Điều chúng tôi quan sát được là khi có nhiều phụ nữ hơn, dự phòng vốn của ngân hàng lớn hơn, số lượng nợ xấu nhỏ hơn và các chỉ số rủi ro thấp hơn. Đây không phải là quan hệ nhân quả mà là mối tương quan mạnh mẽ.” Bà Lagard nói thêm những quốc gia phát triển cũng được lợi từ các sáng kiến trao quyền cho phụ nữ, đề cập đến khoảng chênh lệch lương 16% theo giới tính ở những nước giàu nhất thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. “Tại những nước phát triển, chẳng hạn Áo, đang thay đổi luật thuế, và Nhật Bản, nơi luôn hành động thay vì lời nói và tăng ngân sách cho các cơ sở chăm sóc trẻ em để phụ nữ làm việc mà không cảm thấy có lỗi.” Một nghiên cứu của Word Bank cho thấy 88% quốc gia có những hạn chế đối với phụ nữ tại nơi làm việc trong luật của mình. Hơn nữa, 59 quốc gia không có luật cấm quấy rối tình dục trong lực lượng lao động và 18 quốc gia vẫn buộc phụ nữ có việc làm phải được chồng cho phép. Nhưng cũng có một số tiến bộ. Dù tỷ lệ những nước có các luật phân biệt đối xử vẫn không đổi, nghiên cứu cho thấy trong hai năm qua, 65 quốc gia đã thông qua tổng cộng 87 cải cách pháp lý nhằm gia tăng cơ hội kinh tế cho phụ nữ. Theo bà Lagarde, IMF hiện đang gây áp lực lên các quốc gia để thực thi các chính sách trao quyền cho phụ nữ, như cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ ở Ấn Độ để giúp phụ nữ đi làm. Bà nói thêm IMF cũng đang giải quyết vấn đề chênh lệch lương “khá nhỏ” của chính mình. Ở tất cả các quốc gia, bà Lagard cho rằng nam giới cũng có trách nhiệm trao quyền cho phụ nữ va đấu tranh chống phân biệt giới tính. “Trở thành người đấu tranh cho nữ quyền không hạn chế ở phụ nữ. Tôi biết nhiều người đàn ông bênh vực cho nữ quyền, giúp đỡ và đấu tranh để đảm bảo không còn phân biệt đối xử.” Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|