Thị trường Thứ ba, 12/03/2019, 15:03 GMT+7
IEA: Nhu cầu dầu vẫn “chưa đạt đỉnh”

Nhu cầu dầu của thế giới vẫn tăng, dù với tốc độ chậm hơn.

m12 iea

Dù xe điện đang trỗi dậy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vẫn không thấy tăng trưởng nhu cầu dầu trầm lắng lại ít nhất đến hết năm 2024.

“Trước mắt nhu cầu vẫn chưa đạt đỉnh,” theo một báo cáo do IEA công bố vào thứ Hai, 11/3.

Nhu cầu dầu sẽ tăng thêm 7.1 triệu thùng/ngày đến năm 2024, đại diện cho mức tăng trưởng nhu cầu dầu thô “khá khiêm tốn.”

Những nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh tiếp tục “ngốn ngấu” dầu. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm đến gần một nửa nhu cầu dầu thế giới.

Thậm chí khi ham muốn đối với dầu thô sẽ bị ảnh hưởng vì những thành tựu trong sử dụng nhiên liệu hiệu quả và xe điện, theo IEA, ảnh hưởng này sẽ bị lu mờ bởi nhu cầu vô độ đối với nhiên liệu máy bay và nhựa.

Đỉnh nhu cầu dầu là một trong những câu hỏi quan trọng trong thị trường năng lượng. Thời điểm có thể ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư hàng ngàn tỷ dollar và có vai trò quan trọng trong quỹ đạo phát thải khí nhà kính.

Một số người tin rằng chuyển giao năng lượng sẽ sớm xảy ra vì những quan ngại về biến đổi khí hậu gia tăng.

DNV GL, một hãng tư vấn rủi ro về năng lượng, cảnh báo nhu cầu dầu có khả năng đạt đỉnh trong năm 2023 một phần vì doanh số xe điện tăng nhanh.

BP, một trong những hãng sản xuất dầu lớn nhất thế giới, trong báo cáo hàng năm 2019 thừa nhận nhu cầu dầu sẽ tăng “chậm hơn nhiều so với trước kia.” Công ty Anh này cho rằng nhu cầu dầu sẽ “trầm lắng” trong những năm 2030, xa hơn các dự báo của IEA.

BP dự kiến số lượng xe điện sẽ tăng lên khoảng 350 triệu xe đến năm 2040, chiếm gần 16% tổng số ô tô.

Doanh số xe điện tăng mạnh ở Trung Quốc

Trung Quốc chính là tiền đồn của những nỗ lực đưa xe điện thành một phương thức chống ô nhiễm không khí. Doanh số xe điện ở đây tăng mạnh, thay thế các loại xe dùng xăng.

Dù tổng doanh số xe chở khách có giảm 4% ở Trung Quốc vào năm ngoái, doanh số xe điện đã tăng 61% đạt 1.3 triệu.

Theo IEA, có khả năng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu triển khai 5 triệu xe điện đến cuối năm 2020. IEA dự kiến đến năm 2024, xe điện chở khách ở Trung Quốc sẽ thay cho khoảng 160,000 thùng xăng mỗi ngày. Các xe bus điện cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu dầu dầu

Nhu cầu nhựa, nhiên liệu máy bay tăng mạnh

Dù vậy, như thế vẫn chưa để bù cho nhu cầu ở những lĩnh vực khác.

Theo IEA, gần một phần ba tăng trưởng trong nhu cầu dầu đến hết năm 2024 sẽ đến từ các chất hóa dầu, được dùng sản xuất nhựa, bất chấp những áp lực tránh dùng nhựa và khuyến khích tái chế.

“Trên khắp thế giới, nhu cầu tiêu dùng càng nhiều, nhựa sẽ càng nhiều, điều này có nghĩa càng có thêm các chất hóa dầu.”

Hơn 50 dự án hóa dầu lớn dự kiến sẽ đi vào hoạt động đến năm 2024.

Và còn có thị trường hàng không bùng nổ, tiếp tục tiêu thụ những lượng nhiên liệu máy bay khổng lồ.

“Đi lại bằng hàng không đang chứng kiến một sự bùng nổ ngoại mục nhờ số lượng hành khách gia tăng,” và nhu cầu sẽ tiếp tục tăng “mạnh.”

Xu hướng này được thúc đẩy bởi thu nhập tăng ở các thị trường mới nổi, nơi các sân bay và đội bay của các hãng hàng không phát triển nhanh chóng. Châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, dự kiến sẽ chiếm ba phần tư nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không trong năm 2024.

Na Uy đang bán rẻ một số chứng khoán dầu

Bất chấp các dự báo lạc quan về nhu cầu của IEA, một số nhà đầu tư lớn đã tiến hành tự bảo vệ trước các rủi ro về dầu.

Tuần trước, chính phủ Na Uy đề xuất rút dần 1 ngàn tỷ dollar quỹ đầu tư quốc gia trong các công ty thăm dò và sản xuất dầu.

Đây là một tuyên bố quan trọng của Na Uy, vốn là nước sản xuất dầu lớn nhất của Tây Âu và làm giàu từ sản xuất dầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Na Uy, ông Siv Jensen cho rằng Na Uy muốn phòng ngừa trước tình trạng giá dầu đi xuống “lâu dài.”

Trường Sơn lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1