Doanh nghiệp Thứ ba, 10/09/2019, 09:35 GMT+7
Big Oil hủy hoại các mục tiêu khí hậu của Liên Hiệp Quốc với 50 tỷ USD dự án mới

Những hãng dầu lớn đã thông qua 50 tỷ USD dự án mới từ năm ngoái, vốn sẽ không có được hiệu quả kinh tế lớn nếu các chính phủ thực hiện Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, theo tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker cho biết trong một báo cáo phát hành vào thứ Sáu, 6/9.

s10 bigoils

Bài phân tích nhận thấy các kế hoạch đầu tư của Royal Dutch Shell, BP và ExxonMobil cùng những hãng khác sẽ không tương hợp với Hiệp ước Paris 2015, có mục tiêu giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1.5 độ C.

“Mỗi hãng dầu lớn đều đang đánh cược lớn vào một thế giới với mức nhiệt tăng giới hạn 1.5 độ C và đang đầu tư vào những dự án đi ngược các mục tiêu của Hiệp ước Paris,” theo đồng tác giả của báo cáo, ông Andrew Grant, một cựu chuyên gia phân tích tài nguyên thiên nhiên ở Barclays.

Các hãng dầu và khí đốt lớn đã hoan nghênh Hiệp ước Paris được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, theo đó các chính phủ đồng ý hạn chế khí thải nhà kính đủ để giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1.5 độ C, hoặc “thấp dưới” 2 độ C đến cuối thế kỷ này.

Các nhà khoa học cho rằng 1.5 độ C là điểm bùng phát khi đó những tác động của khí hậu như nước biển dâng, thiên tai, di cư bắt buộc, mùa màng thất bát và những đợt sóng nhiệt gây chết người sẽ nhanh chóng mạnh lên nếu vượt quá điểm này.

Phân tích của Carbon Tracker, với đồng tác giả là ông Mike Coffin, từng là chuyên gia địa chất tại BP, nhận thấy 18 dự án dầu và khí đốt vừa được phê duyệt trị giá 50 tỷ USD có thể bị “lỗ sâu” trong một thế giới với mức carbon thấp hơn.

Các dự án gồm dự án khí ga hóa lỏng (LNG) Canada 13 tỷ USD của Shell, dự án mở rộng mỏ dầu 4.3 tỷ USD ở Azerbaijan thuộc sở hữu của BP, Exxon, Chevron (CVX.N) và Equinor, và một dự án biển sâu 1.3 tỷ USD ở Angola do BP, Exxon, Chevron, Total và Equinor khai thác.

Báo cáo cũng kết luận các công ty dầu và khí đốt có nguy cơ “tiêu phí” 2.2 ngàn tỷ USD đến năm 2030 vào những dự án mới nếu các chính phủ áp dụng những hạn chế nghiêm khắc hơn đối với khí thải nhà kính.

Những báo cáo trước đó về tác động của biến đổi khí hậu đối với các công ty dầu và khí đốt của Carbon Tracker và những nhà nghiên cứu khác góp phần tạo nên làn sóng áp lực từ nhà đầu tư đối với những công ty lớn muốn cho thấy các đầu tư của họ phù hợp với các mục tiêu của Hiệp ước Paris.

Trong khi một số công ty trong đó có Shell, BP, Total và Equinor đã tăng chi tiêu vào năng lượng tái tạo và đưa ra các mục tiêu giảm carbon, ngành cho biết họ cần tiếp tục đầu tư vào những dự án mới để áp ứng nhu cầu về dầu và khí đốt trong tương lai khi các nền kinh tế châu Á phát triển.

Trong một tuyên bố, Shell cho biết họ có “tham vọng” giảm một nửa khí thải carbon đến năm 2050 “cùng với xã hội khi tiến tới đáp ứng các mục tiêu của Hiệp ước Paris.”

“Khi hệ thống năng lượng phát triển, việc kinh doanh của chúng tôi cũng phát triển để mang đến những sản phẩm khách hàng cần,” Shell cho biết.

Theo BP, chiến lược sản xuất dầu và khí đốt với chi phí và mức carbon thấp của họ phù hợp với các dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Hiệp ước Paris.

“Tất cả những điều này nhằm đưa BP phát triển từ một công ty tập trung vào dầu và khí đốt trở thành một công ty năng lượng đa dạng hơn nhiều để chúng tôi có được trang bị tốt nhất giúp đưa thế giới đạt được mức phát thải bằng 0 trong khi đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng,” BP cho biết trong một tuyên bố.

Exxon, Chevron, Equinor và Total không phản hồi yêu cầu bình luận.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Carbon Tracker, những công ty dầu và khí đốt lớn đã chi ít nhất 30% các khoản đầu tư của mình vào những dự án không phù hợp với lộ trình giới hạn nhiệt độ toàn cầu nóng lên thậm chí ở mức 1.6 độ C.

“Những dự án này là thách thức trước mắt đối với những nhà đầu tư và công ty muốn tuân thủ các mục tiêu khí hậu,” báo cáo cảnh báo.

Những tính toán của Carbon Tracker dựa trên ba kịch bản từ các mô hình của IEA về nguồn cung dầu và khí đốt theo những lộ trình nóng lên toàn cầu khác nhau.

Với nguồn cung nhiên liệu hóa thạch vượt quá nhu cầu nếu thế giới giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1.5 độ C, báo cáo cho rằng những dự án với chi phí sản xuất thấp nhất sẽ là những dự án cạnh tranh nhất.

“Nhu cầu dầu có thể được đáp ứng với những dự án hòa vốn ở mức giá dưới $40/thùng và theo đuổi những dự án chi phí cao hơn có nguy cơ khiến tài sản bị mắc kẹt, không bao giờ mang lại đủ lợi nhuận.”

Giá dầu thô chuẩn kỳ hạn giao dịch khoảng $62/thùng vào thứ Năm, 5/9.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1