Doanh nghiệp Thứ ba, 08/10/2019, 09:16 GMT+7
Đơn hàng công nghiệp Đức giảm, tăng thêm các dấu hiệu suy thoái

Các đơn hàng công nghiệp Đức giảm nhẹ hơn dự kiến trong tháng Tám do nhu cầu trong nước yếu hơn, theo số liệu vào thứ Hai, 07/10, tăng thêm bằng chứng tình trạng sản xuất suy giảm đang đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào suy thoái.

o08 german

Theo Bộ Kinh tế, các hợp đồng cho những hàng hóa “Sản xuất tại Đức” giảm 0.6% trong tháng trước, trong đó nhu cầu đối với thiết bị sản xuất giảm 1.6%.

“Kinh tế Đức đang ở giữa thời kỳ suy thoái. Số liệu hôm nay khiến điều này rõ thêm một lần nữa,” theo Thomas Gitzel, chuyên gia kinh tế tại VP Bank Group. “Chính phủ Đức có thể sẽ chịu áp lực phải từ bỏ chính sách ngân sách ngặt nghèo của mình.”

Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Olaf Scholz, tuần trước cho biết nước Đức có khả năng đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng nói thêm ông không dự kiến suy thoái sẽ tệ như những năm 2008/2009.

Chính phủ Đức vẫn đang bám theo chính sách cân bằng ngân sách, bất chấp áp lực chi tiêu thêm để thúc đẩy nhu cầu từ các nhà kinh tế và những chính phủ khác.

Các nhà sản xuất dựa vào xuất khẩu của Đức đang gánh chịu tình cảnh kinh tế thế giới suy thoái và sự không chắc chắn có liên quan đến cuộc tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như việc rời Liên minh châu Âu vẫn bị trì hoãn của nước Anh.

Số liệu yếu hơn dự kiến càng tăng thêm cảm nhận về tình trạng u ám xung quanh mảng sản xuất của Đức.

Một khảo sát công bố vào thứ Ba tuần trước cho thấy sản xuất của Đức suy thoái sâu hơn trong tháng Chín khi các nhà máy ghi nhận mức hoạt động yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới một thập niên trước.

Kinh tế Đức giảm 0.1% trong quý hai và số liệu gần đây cho thấy sản xuất tiếp tục yếu kém trong quý ba.

Đa số các nhà kinh tế nhận định hai quý suy thoái liên tiếp về cơ bản là suy thoái, dù không nhất thiết có nghĩa là tăng trưởng hàng năm phải ở số âm.

Thứ Tư tuần trước, các tổ chức kinh tế hàng đầu của Đức đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay và năm sau, với lý do nhu cầu toàn cầu đối với các hàng hóa sản xuất yếu hơn và tình trạng doanh nghiệp bất ổn có liên quan đến các tranh chấp thương mại.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1