WEF: Singapore vượt qua Hoa Kỳ trở thành quốc gia cạnh tranh nhất thế giới |
Singapore đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Trong Báo Cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2019, WEF đo lường sức mạnh của 103 chỉ số chính, như lạm phát, kỹ năng số, thuế thương mại của 141 quốc gia. Các chỉ số chính trong báo cáo được xếp vào 12 cột, trong đó có các thiết chế, ổn định kinh tế vỹ mô và sức khỏe. Hoa Kỳ, từng giữ vị trí hàng đầu trong năm 2018, đã rơi xuống hàng thứ hai trong năm nay, dù các tác giả của báo cáo lưu ý nước này “vẫn là một cường quốc đổi mới.” Hoa Kỳ nhận được điểm cao nhất trong nhiều phạm trù con, trong đó có việc dễ dàng tìm được nhân viên có kỹ năng và vốn doanh nghiệp sẳn có. Hoa Kỳ cũng xếp cao nhất trong lĩnh vực động lực kinh doanh. Tuy nhiên, nước này ghi điểm khá thấp trong một số hạng mục, trong đó thuế suất thương mại tăng, tuổi thọ giảm và kỹ năng số của người Mỹ thấp ảnh hưởng đến tổng xếp hạng của Hoa Kỳ. WEF lưu ý tuổi thọ ở Mỹ hiện thấp hơn ở Trung Quốc, trong đó Hoa Kỳ có tuổi thọ cao thứ 39 thế giới trong bối cảnh khủng hoảng chất gây nghiện đang diễn ra ở nước này. Singapore, nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, ghi điểm cao trong các lĩnh vực công, lực lượng lao động, sự đa dạng và cơ sở hạ tầng. Về tuổi thọ, Singapore xếp thứ nhất với trẻ sơ sinh dự kiến sống đến 74 tuổi, trong khi tuổi thọ ở Mỹ là 66 tuổi và ở Trung Quốc là 68 tuổi. 10 quốc gia cạnh tranh nhất thế giới
Hong Kong, Hà Lan và Thụy Sỹ nằm trong năm vị trí đầu. Hong Kong đã tăng bốn bậc so với năm 2018 bất chấp các bất ổn chính trị ở vùng lãnh thổ này. Nhìn chung, châu Á – Thái Bình Dương được xem là khu vực cạnh tranh nhất thế giới, theo sau là châu Âu và Bắc Mỹ. Điểm trung bình trên 100 của 141 quốc gia là 61 điểm, theo WEF, điều đáng quan ngại hiện nay là khoảng cách giữa các nước trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu. Singapore có tổng số điểm 84.8, trong khi Hoa Kỳ đứng thứ hai với 83.7 điểm. “Bối cảnh địa chính” Báo cáo công bố vào thứ Ba, 08/10, cảnh báo hầu hết các nền kinh tế bị kẹt trong vòng tăng trưởng năng suất thấp hoặc không đổi. Theo các tác giả, những quốc gia đầu tư vào bốn lĩnh vực chính – nguồn vốn nhân lực, cải thiện thiết chế, đổi mới và “động lực kinh doanh” – sẽ là những nơi chống chọi tốt nhất tình trạng suy giảm toàn cầu và phục hồi năng suất trong nước. Tuy nhiên, họ cảnh báo tác động suy giảm có khả năng trầm trọng hơn vì các căng thẳng địa chính. “Bối cảnh địa chính thay đổi và căng thẳng thương mại gia tăng đang thúc đẩy tình trạng bất ổn và có thể đẩy nhanh suy giảm,” theo một thông cáo báo chí của WEF vào thứ Ba. “Tuy nhiên, một số quốc gia có hoạt động tốt hơn trong năm nay dường như được lợi từ những bất đồng nhờ chuyển hướng thương mại.” Những quốc gia này bao gồm Singapore và Việt Nam, nước cải thiện nhất trong bảng xếp hạng với vị trí thứ 67. Thúc giục các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị cho bối cảnh kinh tế thay đổi, WEF kêu gọi các chính phủ dự đoán và thực hiện tốt hơn những chính sách xã hội sẽ cần thiết để chuẩn bị cho người dân trước cuộc cách mạnh công nghiệp thứ tư. WEF cho rằng nhiều nước trong số những nền kinh tế lớn nhất và đổi mới nhiều nhất có hệ thống giáo dục không theo kịp đà đổi mới, trong đó có Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Một điểm quan ngại nữa được nêu ra từ báo cáo WEF là tình trạng kinh tế trì trệ đã lan rộng dù các ngân hàng trung ương đã bơm vào hơn 10 ngàn tỷ USD trong thập kỷ qua. Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh các chính sách tiền tệ đã bắt đầu “hụt hơi.” Vì vậy, điều quan trọng đối với các nền kinh tế là dựa vào chính sách tài khóa, cũng như các khuyến khích công có thể thúc đẩy nghiên cứu, tăng cường kỷ năng của lực lượng lao động hiện tại và tương lai, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ mới. “Mối quan ngại lớn nhất hiện tại là năng lực của các chính phủ và ngân hàng trung ương nhằm sử dụng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế đã bị thu hẹp,” theo Saadia Zahidi, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Xã hội mới của WEF. “Vì thế, điều quan trọng hơn hết là những chính sách tăng cường cạnh tranh được áp dụng có khả năng thúc đẩy năng suất, khuyến khích dịch chuyển xã hội và giảm bất bình đẳng thu nhập.” Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nới lỏng chính sách tiền tệ trong nỗ lực khuyến khích chi tiêu và thúc đẩy kinh tế. Trong tháng Chín, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố gói kích thích rộng với một khoản nới lỏng định lượng mới và cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất lần thứ hai trong sáu tháng, với khoản giảm ban đầu đánh dấu lần giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng này trong 11 năm. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương ở New Zealand, Ấn Độ và Thailand đều thông báo các khoản giảm lãi suất lớn hơn dự kiến trong tháng Tám. Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|