Thị trường Thứ tư, 15/07/2020, 08:52 GMT+7
Trung Quốc công bố tăng trưởng nhập khẩu đầu tiên kể từ đại dịch, xuất khẩu cũng tăng

Nhập khẩu của Trung Quốc  trong tháng Sáu đã tăng lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng virus corona làm tê liệt kinh tế nước này trong năm nay, do nhu cầu đối với hàng hóa tăng nhờ các kích thích của chính phủ, trong khi xuất khẩu cũng tăng, dấu hiệu phục hồi đang lấy được đà.

jl15 china

Bắc Kinh đã đưa ra những biện pháp kích thích mạnh mẽ để hỗ trợ nhu cầu trong nước ngay cả khi các ca nhiễm virus corona lại tăng cao trên khắp thế giới đặt ra câu hỏi về sức mạnh của sự phục hồi trong hoạt động kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Sáu tăng 2.7% so với một năm trước, ngược với dự kiến giảm 10% của thị trường. Nhập khẩu đã giảm 16.7% trong tháng trước.

Xuất khẩu cũng tăng bất ngờ, tăng 0.5%, cho thấy nhu cầu toàn cầu đang bắt đầu tăng trở lại khi nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng những biện pháp cứng rắn chống virus đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào đợt suy thoái lớn nhất trong gần 90 năm. Nhà phân tích đã ước tính giảm 1.5% sau khi giảm 3.3% trong tháng Năm.

“Cải thiện đáng kể trong nhập khẩu của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy phục hồi kinh tế của nước này đang tăng tốc, chủ yếu nhờ đầu tư gia tăng đáng kể trong vào các lĩnh vực như bất động sản và cơ sở hạ tầng,” theo Boyang Xue, nhà phân tích Trung Quốc tại hãng tư vấn DuckerFrontier.

Thật vậy, số liệu thương mại cho thấy nhập khẩu quặng sắt đã tăng lên mức cao nhất trong 33 tháng trong tháng Sáu, nhờ các lô hàng tăng từ các công ty khai thác mỏ và nhu cầu mạnh. Nhập khẩu dầu thô cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại khi các hãng lọc dầu Trung Quốc săn lùng giá rẻ khi giá dầu lao dốc.

Martin Rasmussen, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, dự kiến nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện khi kích thích tài khóa gia tăng đẩy mạnh nhu cầu trong nước.

Nhập khẩu Trung Quốc từ Hoa Kỳ đã tăng 11.3% trong tháng Sáu, đảo ngược xu hướng giảm hai chữ số được thấy sau khi dịch virus corona bùng phát.

“Trước những khó khăn do dịch bệnh bất ngờ gây ra, chúng tôi vẫn tôn trọng các cam kết và thực hiện thỏa thuận thương mại,” phát ngôn viên hải quan Liu Kuiwen nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào thứ Sáu cho biết ông đã không nghĩ đến việc đàm phán một thỏa thuận thương mại Giai đoạn 2 với Trung Quốc vì quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã bị “tổn hại nặng nề” vì đại dịch và những vấn đề khác.

Thặng dư thương mại Trung Quốc với Hoa Kỳ đã lên đến 29.41 tỷ UDS trong tháng Sáu so với 27.89 tỷ USD trong tháng Năm.

Xuất khẩu tăng

Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau khi giảm mạnh 6,8% trong quý đầu tiên, nhưng sự phục hồi vẫn còn mong manh khi nhu cầu toàn cầu lao đao do những hạn chế xã hội và các ca nhiễm virus corona vẫn tăng. Tiêu dùng của Trung Quốc cũng suy giảm trong bối cảnh mất việc và lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Tuy nhiên, hiệu suất xuất khẩu của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng suy giảm toàn cầu như một số nhà phân tích lo ngại, dù các đơn hàng ở nước ngoài yếu có thể gây áp lực lên các nhà sản xuất của nước này trong những quý tới.

Các nền kinh tế lớn của phương Tây mở cửa lại và nhu cầu tăng đối với PPE (thiết bị bảo vệ cá nhân) và khẩu trang ở nước ngoài đã hỗ trợ xuất khẩu Trung Quốc trong tháng Sáu,” theo ông Xue từ DuckerFrontier. Ngoài ra, những gián đoạn sản xuất của các đối thủ cạnh tranh thương mại của Trung Quốc cũng giúp chuyển một số đơn đặt hàng sang các nhà xuất khẩu Trung Quốc.”

Dù các nền kinh tế phương Tây đã mở cửa lại một phần trong vài tuần qua, một số quốc gia lại đang áp dụng các biện pháp phong tỏa khác nhau để chống lại tình trạng các ca lây nhiễm virus corona tăng trở lại.

“Trong tương lai, động lực từ các lô hàng khẩu trang, sản phẩm y tế và thiết bị làm việc tại nhà, vốn vẫn đang tăng trưởng hơn 30%, sẽ tiếp tục giảm và gây áp lực lên xuất khẩu,” theo  Rasmussen từ Capital Economics. Ông nói thêm xuất khẩu có lẽ đã bắt đầu giảm trở lại từ lâu.

Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc xấu đi, nhu cầu toàn cầu suy giảm và các gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng có khả năng gây áp lực cho triển vọng thương mại về lâu dài, theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Tiên tiến tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng Sáu ở mức 46.42 tỷ USD, so với thặng dư 62.93 tỷ USD trong tháng Năm.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1