Thị trường Thứ hai, 29/06/2020, 12:56 GMT+7
Giá dầu giảm trong phiên thứ hai liên tiếp khi ca nhiễm virus corona tăng đột biến làm nguội lạnh kỳ vọng về nhu cầu

Giá dầu giảm trong phiên thứ hai liên tiếp vào thứ Hai, 29/6, khi các trường hợp nhiễm virus corona tăng ở Hoa Kỳ và các nơi khác, khiến các quốc gia tiếp tục phải phong tỏa một phần, có thể gây tổn thương đến nhu cầu nhiên liệu.

jn29 oil

Giá dầu thô Brent LCOc1 giảm 72 cent (1.8%) còn $40.30/thùng lúc 0231 GMT, trong khi dầu thô CLc1 Mỹ ở mức $37.82 USD, giảm 67 cent (1.7%).

Giá dầu thô Brent dự kiến kết thúc vào tháng Sáu với mức tăng hàng tháng thứ ba liên tiếp sau khi các nhà sản xuất lớn trên toàn cầu kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung chưa từng có 9.7 triệu thùng/ngày đến tháng Bảy, trong khi nhu cầu dầu được cải thiện sau khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm virus corona toàn cầu đã vượt quá 10 triệu khi Ấn Độ và Brazil chiến đấu với những đợt bùng phát hơn 10,000 ca mỗi ngày. Những đợt bùng phát mới cũng được ghi nhận ở các quốc gia trong đó có Trung Quốc, New Zealand và Australia, khiến các chính phủ phải áp đặt các hạn chế một lần nữa.

“Làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn tồn tại và vẫn mạnh,” theo Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC của Singapore. “Điều này hạn chế tâm trạng phấn khởi chúng tôi nhận thấy trong sáu đến tám tuần qua.”

Những yếu tố khác hạn chế giá dầu tăng ở giai đoạn này bao gồm biên lợi nhuận lọc dầu kém, tồn kho dầu cao và Hoa Kỳ nối lại sản xuất, ông Lee nói.

Bất chấp các nỗ lực của OPEC+ - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh trong đó có Nga – nhằm giảm nguồn cung, dự trữ dầu thô ở Mỹ, quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã đạt mức cao nhất mọi thời đại.

“Cũng có khả năng những đợt tăng giá gần đây có thể khiến một số nhà sản xuất đá phiến của Mỹ khởi động lại giếng dầu,” theo các nhà phân tích của ANZ.

Ngay cả khi số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần trước, giá dầu cao hơn đang khiến một số nhà sản xuất nối lại việc khoan dầu.

“Trong một hai tuần tới, chúng ta sẽ thấy số lượng giàn khoan gia tăng tương xứng với sự gia tăng trong sản xuất dầu,” theo ông Lee.

Ngoài ra, công ty tiên phong dầu đá phiến của Mỹ, Chesapeake Energy Corp, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào Chủ nhật khi họ phải gánh chịu các khoản nợ nặng nề và những ảnh hưởng lên thị trường năng lượng từ đợt bùng phát virus corona

Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1