IMF: Kinh tế châu Á sẽ suy giảm lần đầu tiên do virus corona |
Kinh tế châu Á dự kiến sẽ suy giảm trong năm nay, “lần đầu tiên trong trí nhớ của con người còn sống,” theo Quỹ tiền tệ quốc tế, cảnh báo rằng khu vực này có thể mất vài năm để phục hồi. Trong một bài đăng trên blog được công bố vào thứ Ba, 30/6, IMF cho rằng kinh tế châu Á có thể sẽ giảm 1.6% trong năm nay – giảm so với dự báo không tăng trưởng trong tháng Tư trước đó. “Khu vực này vẫn ở trong tình trạng tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng kinh tế toàn cầu yếu hơn khiến châu Á khó tăng trưởng,” theo Changyong Rhee, giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương tại IMF. Ông cho rằng “Châu Á không thể là một ngoại lệ” khi cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của đại dịch virus corona. IMF tháng trước đã giảm các dự báo kinh tế toàn cầu, theo đó kinh tế thế giới có thể suy giảm 4.9% trong năm nay trước khi hồi phục để tăng trưởng 5.4% trong năm tới. Châu Á là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi virus corona - Covid-19 - lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Sau khi virus lây lan trên toàn cầu, nhiều chính phủ đã áp dụng các biện pháp hạn chế tương tác và di chuyển của người dân, khiến hoạt động kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Theo ông Rhee, kinh tế châu Á dự kiến sẽ phục hồi mạnh để đạt mức tăng trưởng 6.6% vào năm tới. Nhưng mức độ hoạt động kinh tế trong khu vực sẽ vẫn thấp hơn những gì IMF từng dự kiến trước đại dịch, ông nói thêm. “Điều chúng tôi thực sự lo lắng về châu Á là sự phục hồi từ năm 2020,” ông Rhee nói. Ông giải thích các quốc gia trong khu vực “phụ thuộc rất nhiều” vào thương mại, du lịch và kiều hối - những phân khúc trong nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. “Ngay cả khi chúng ta phát triển các giải pháp y tế mới, việc phục hồi ... những ngành có tương tác nhiều sẽ chậm lại, ví như ngành du lịch. Vì vậy, tôi cho rằng sự phục hồi của Châu Á sẽ bị kéo dài,” ông nói. Và nếu có làn sóng lây nhiễm thứ hai trong khu vực, nhiều chính phủ có thể không có sức mạnh để hỗ trợ kinh tế như họ đã từng làm trong đợt đầu tiên, ông Rhee nói thêm. Điều đó đặc biệt đúng đối với những nền kinh tế mới nổi của khu vực, nơi có không gian chính sách “tương đối hạn chế” để phản ứng khi các ca lây nhiễm lại tăng lên. “Vì vậy, tôi tự hỏi, nếu làn sóng thứ hai xảy ra, liệu các chính phủ châu Á có thể sử dụng khoản kích thích tương tự như trong ... cuộc khủng hoảng đầu tiên hay không,” ông nói. “Vì thế, chúng ta phải chú ý hơn, thận trọng hơn.” Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|