Thị trường Thứ tư, 24/06/2020, 09:57 GMT+7
Châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu dầu trong một thập kỷ

Báo cáo cho thấy sản xuất sẽ giảm nhanh hơn so với việc EU hạn chế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch

jn24 eu

Theo một báo cáo mới, châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu dầu trong thập kỷ tới, khiến việc chuyển sang sử dụng năng lượng có mức carbon thấp càng cấp bách hơn.

Nghiên cứu cảnh báo sản xuất dầu có thể giảm nhanh hơn so với sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch, làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng nguồn cung dầu ra và gây shock giá thị trường nghiêm trọng.

Báo cáo của Shift Project, một nhóm nghiên cứu khí hậu của Pháp, cho biết nguy cơ “đạt đỉnh cung ứng dầu” trước khi các nền kinh tế lớn chuyển sang những nguồn năng lượng sạch hơn là “một lý do thuyết phục nữa để xây dựng một thế giới không có dầu.”

Phân tích dựa trên dữ liệu từ hãng tư vấn Rystad Energy của Na Uy, cho thấy sản xuất dầu từ Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, nơi cung cấp hơn 40% nguồn cung dầu của EU, đã tiến vào giai đoạn “suy giảm có hệ thống,” vượt xa tỷ lệ mà EU đã hạn chế sử dụng dầu trong 10 năm qua.

Sản lượng dầu của Châu Phi, chiếm hơn 10% nguồn cung dầu của EU, dự kiến sẽ giảm mạnh trong thập kỷ tới.

Tác động của đại dịch Covid-19 đe dọa làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu trong những năm 2020 do đầu tư vào các dự án dầu mới đình trệ.

Các công ty dầu mỏ lớn dự kiến sẽ cắt giảm kế hoạch chi tiêu trong năm tới gần một phần tư, (gần 40 tỷ USD) để vượt qua tác động của virus corona, vốn đã khiến nhu cầu dầu giảm xuống mức thấp trong 25 năm đồng thời đẩy giá dầu xuống thấp.

Rystad Energy cho biết cuộc khủng hoảng có thể đẩy nhu cầu dầu thế giới đạt đỉnh vào năm 2030 thay vì năm  2027 trước khi thị trường bước vào giai đoạn suy giảm.

Theo Per Magnus Nysveen, người đứng đầu bộ phận phân tích tại Rystad Energy, “không phải là điều không thể tưởng tượng” rằng thế giới vẫn có thể phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nguồn cung dầu, và giá thị trường tăng mạnh, ngay cả khi nhu cầu dầu toàn cầu bắt đầu giảm.

“Giá dầu được điều khiển theo số dư chứ không phải theo cấp độ, chúng ta thấy rõ điều này với giá dầu ở mức khá tốt đối với một ngành dầu đang ngủ đông - dù nhu cầu dầu đang ở các mức chưa từng thấy kể từ năm 2009,” ông nói.

Giá dầu toàn cầu đã tăng lên trên $40/thùng, sau khi xuống các mức $16/thùng vì những đợt phong tỏa do Covid-19, bởi các nhà sản xuất dầu lớn trong liên minh dầu OPEC đã có một thỏa thuận lịch sử tạm thời giảm lượng dầu sản xuất.

Giá dầu có thể sẽ tiếp tục yếu trong ít nhất hai năm nữa khi các nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau cơn dư chấn kinh tế của đại dịch, nhưng có thể nhanh chóng tăng mạnh vào giữa những năm của thập kỷ 2020 nếu nhu cầu dầu tăng trên tỷ lệ sản xuất trên thế giới.

“Tác động đến xã hội từ một thị trường dầu thiếu nguồn cung đa phần chưa được truyền đạt rộng rãi, do đó, việc chuyển đổi năng lượng nhanh chóng là rất quan trọng không chỉ đối với khí hậu mà còn để tránh những đợt suy thoái kéo dài ở các thị trường mới nổi do thiếu hụt dầu và năng lượng,” ông Nysveen giải thích.

Ông kết luận các dự báo đưa ra “một số lý do khác” để các nền kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

Chẳng hạn, những quốc gia đầu tư nhiều vào xe điện sẽ có thể tránh được thiệt hại kinh tế khi giá nhiên liệu tăng trong khi những nước không đầu tư nhiều buộc phải đẩy nhanh chuyển đổi xe chạy bằng xăng và dầu diesel để tránh chi phí cao hơn.

Phong Lữ lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1