Saudi Arabia cho biết các nhà sản xuất dầu muốn giảm tồn kho |
Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, vào Chủ Nhật, 19/5, cho biết có sự đồng thuận giữa OPEC và các đồng minh sản xuất dầu về việc “nhẹ nhàng” hạ mức tồn kho dầu thô, nhưng quốc gia của ông sẽ vẫn sẳn sàng trước các nhu cầu của cái được ông gọi là một thị trường mong manh. Ông Falih cho biết khả năng rút lại các hạn chế sản lượng được OPEC và các quốc gia không thuộc OPEC đồng thuận trong nửa cuối năm 2019 là khả lựa chọn được thảo luận chính tại cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra trong ngày, nhưng “đến tháng Sáu mọi thứ có thể thay đổi.” “Nửa cuối năm nay, mong muốn của chúng tôi là duy trì quản lý sản lượng để giữ tồn kho giảm dần, giảm một cách nhẹ nhàng nhưng chắc chắc sẽ giảm đến các mức thông thường,” ông nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp các bộ trưởng. OPEC, Nga và những quốc gia sản xuất dầu không thuộc OPEC khác, một liên minh được biết với tên OPEC+, đã đồng ý giảm sản lượng 1.2 triệu thùng/ngày từ tháng Một trong sáu tháng, một thỏa thuận nhằm ngăn chặn tồn kho gia tăng và làm yếu giá dầu. Bộ trưởng Năng lượng Nga, ông Alexander Novak, trước đó cho biết việc nới lỏng các cắt giảm đã được thảo luận và tình hình nguồn cung sẽ rõ ràng hơn trong một tháng, bao gồm tình hình từ những quốc gia đang chịu cấm vận. Hai nguồn tin cho biết Saudi Arabia, nước lãnh đạo trên thực tế của OPEC, và Nga đang thảo luận hai kịch bản chính cho cuộc họp OPEC+ vào tháng Sáu và cả hai khung hoạt động đều đề xuất sản lượng cao hơn từ nửa cuối năm. Một kịch bản là xóa bỏ tuân thủ vượt mức các khoản cắt giảm đã thỏa thuận, điều này sẽ tăng sản lượng lên khoảng 0.8 triệu thùng/ngày. Kịch bản khác là nới lỏng khoản cắt giảm còn 0.9 triệu thùng/ngày. Trước các phóng viên, ông Falih cho rằng thị trường “rất mong manh” với những số liệu mâu thuẩn nhau vì những quan ngại về các gián đoạn nguồn cung trong khi tồn kho tăng lên, nhưng trong những tuần và tháng sắp tới “tình huống nguồn cung dồi dào” sẽ đến. Theo ông, việc tuân thủ cao các cắt giảm như thỏa thuận không kéo dài và việc tuân thủ qua mức của một số quốc gia “có thể đảo ngược trong tháng Sáu.” Bộ trưởng cho biết nếu có quyết định rút lại các khoản cắt giảm trong cuộc họp, khi đó Saudi Arabia sẽ vẫn giữ các mức hạn chế. Ông cho biết sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng Năm và tháng Sáu được lên kế hoạch ở mức 9.8 triệu thùng/ngày. “Điều quan trọng là chúng ta không đưa ra những quyết định vội vã – vì các số liệu mâu thuẩn, sự phức tạp có liên quan và tình hình luôn chuyển biến,” ông Falih nói, mô tả triển vọng “khá mù mịt” một phần vì cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. “Nhưng tôi muốn đảm bảo nhóm của chúng tôi luôn là điều đúng đắn vì lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất; và chúng tôi sẽ tiếp tục làm thế,” ông nói thêm. Ông Falih cho biết sản lượng dầu của Saudi trong tháng Bảy sẽ trong mức mục tiêu sản xuất trong OPEC của họ. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu Vương quốc, ông Suhail al-Mazrouei, cho biết các nhà sản xuất có khả năng lắp đầy bất kỳ khoản trống thị trường nào và nới lỏng các cắt giảm nguồn cung không phải là “quyết định đúng đắn.” Theo ông Mazrouei, UAE không muốn thấy tồn kho gia tăng có thể khiến giá lao dốc. Ông cho rằng công việc của OPEC “vẫn chưa xong” và trong lúc này không cần thay đổi thỏa thuận. Tồn kho dầu khô Mỹ tăng bất ngờ trong tuần trước lên mức cao nhất từ tháng 9/2017, theo số liệu từ Cục Thông Tin Năng lượng Mỹ. Sự cân bằng mong manh Saudi Arabia nhận thấy hiện không cần thiết nhanh chóng đẩy mạnh sản lượng, với giá dầu ở khoảng $70/thùng, bởi họ e ngại giá lao dốc và dự trữ dầu thô gia tăng, theo các nguồn tin từ OPEC. Hoa Kỳ, không phải là thành viên OPEC+ nhưng là đồng minh thân cận của Riyadh, muốn nhóm này nâng sản lượng để hạ giá dầu. Ông Falih muốn tìm sự cân bằng giữa việc giữ cho thị trường dầu được dồi dào nguồn cung và mức giá cao đủ cho các nhu cầu ngân sách của Riyadh, trong khi muốn làm hài lòng Moscow để đảm bảo nước Nga vẫn ở lại trong hiệp ước OPEC+, và đáp ứng các mối quan tâm của Hoa Kỳ và những nước còn lại của OPEC+. Xuất khẩu dầu Iran có khả năng giảm thêm và các lô hàng từ Venezuela có thể lại giảm trong những tuần sắp tới vì các cấm vận của Mỹ. Theo ông Falid, nhu cầu dầu ở châu Á đã tăng lên, trong khi nhu cầu đối với dầu thô Saudi ở Mỹ giảm. Ông cho rằng không ai biết được Iran đang sản xuất hay xuất khẩu cái gì, và nói thêm ông tin rằng “nhiều dầu” Iran đã không được tính đến. Dầu nhiễm bẩn buộc Nga dừng cho vận chuyển trong đường ống Druzhba – đường dẫn dầu thô chính vào Đông Âu và Đức – trong tháng Tư, khiến các nhà máy lọc dầu khó khăn tìm kiếm nguồn cung ứng. Ông Novak cho biết nước Nga sẽ khôi phục sản lượng trong tháng Năm và dầu nhiễm bẩn sẽ không ảnh hưởng đến dự báo sản lượng hàng năm của nước này. Phần cắt giảm của OPEC theo thỏa thuận là 800,000 thùng/ngày, nhưng khoản giảm thật sự của họ lớn hơn nhiều vì các khoản giảm trong sản xuất ở Iran và Venezuela. Cả hai đều được miễn trừ trong các khoản giảm tự nguyện theo thỏa thuận do OPEC dẫn đầu. Căng thẳng khu vực Giá dầu giảm nhẹ vào thứ Sáu, 17/5, do các lo ngại về nhu cầu trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc, nhưng kết thúc tuần cao hơn vì các quan ngại về các gián đoạn những lô hàng dầu Trung Đông do căng thẳng chính trị Hoa Kỳ - Iran. Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran dâng cao sau các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu Saudi ngoài khơi bờ biển UAE và những cơ sở sản xuất dầu khác bên trong Sauđi Arabia vào tuần trước. Riyadh cáo buộc Tehran ra lệnh tấn công bằng máy bay không người lái vào các trạm bơm dầu. Nhóm phiến quân Houthi liên kết với Iran của Yemen đã nhận trách nhiệm các cuộc tấn công. UAE không cáo buộc ai về cuộc tấn công phá hoại các tàu chở dầu. Iran tuyên bố không liên quan đến hai loạt tấn công. “Dù không ảnh hưởng đến nguồn cung của chúng tôi, những hành động khủng bố như thế vô cùng tồi tệ,” ông Falih nói. “Chúng đe dọa nguồn năng lượng cung cấp cho thế giới và khiến kinh tế toàn cầu vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn càng thêm rủi ro hơn.” Các cuộc tấn công diễn ra khi Hoa Kỳ và Iran tranh cãi về việc thắt chặt cấm vận của Washington nhằm mục tiêu đưa xuất khẩu dầu Iran xuống zero và Hoa Kỳ gia tăng hiện diện quân sự ở Vùng Vịnh do các mối đe dọa của Iran đối với các lợi ích của Hoa Kỳ. Phong Lữ lược dịch
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|