IMF: Kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 2013 |
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) GDP thực của châu Âu cho năm nay được dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 2013. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực mới nhất, IMF cho rằng GDP thực trên khắp lục địa sẽ ở mức 1.4%, giảm so với 2.3% trong năm 2018 trước khi vượt lên 1.8% trong năm 2020. GDP khu vực đồng euro tăng 0.2% tính theo quý trong ba tháng kết thúc vào tháng Chín, tương đương quý trước. So với cùng kỳ năm 2018, khu vực đồng euro tăng trưởng 1.1%, tỷ lệ tăng trưởng yếu nhất hàng năm kể từ quý 4/2013. Trong tháng Ba, Ngân hàng trung ương châu Âu đã hạ dự báo GDP từ 1.7% xuống còn 1.1%. Ở những nền kinh tế phát triển nhất của khu vực, việc phục hồi được dự kiến sẽ còn ít hơn, từ 1.3% trong năm 2019 lên 1.5% trong năm 2020 trên cơ sở nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng, dù IMF cho rằng triển vọng thương mại toàn cầu phục hồi không còn mạnh như sáu tháng trước. Những lực lượng khiến sản xuất và thương mại yếu kém ở những quốc gia châu Âu phát triển có khả năng sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng.
“Tăng trưởng nhu cầu vững vàng tại Mỹ - một đối tác thương mại lớn đối với nhiều quốc gia châu Âu – là yếu tố giúp giảm nhẹ tác động, nhưng tăng trưởng của Mỹ cũng được dự kiến sẽ giảm tốc.” Lĩnh vực ô tô có thể tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng, với các dấu hiệu bão hòa và Trung Quốc thắt chặt các tiêu chuẩn khí thải cũng như tâm lý người tiêu dùng đang chuyển sang các loại xe điện. Điều này đặt biệt sẽ có tác động tiêu cực đối với những nước như Đức và Slovakia. IMF nhấn mạnh, công nghiệp và thương mại suy giảm, kết hợp với tình trạng bất ổn thương mại và những vấn đề có liên quan đến Brexit, đã bắt đầu tác động lên đầu tư cố định tại nhiều nước, khi các nhà đầu tư lo lắng trước những vấn đề địa chính. Dù vậy, tiêu dùng tư nhân và lĩnh vực dịch vụ vẫn kiên cường trên khắp châu lục, được hỗ trợ bởi thị trường lao động mạnh, giúp bù cho một số yếu kém bởi tình hình xáo động bên ngoài. Tuy nhiên, báo cáo kết luận sản xuất và thương mại của châu Âu đã yếu đi đáng kể. Một số dấu hiệu nhu cầu trong nước, đặt biệt trong đầu tư, yếu đi đã xuất hiện. Dịch vụ và tiêu dùng cho đến nay vẫn vững vàng, nhưng kéo dài được bao lâu sẽ phụ thuộc vào các diễn tiến trong thị trường lao động.” Châu Âu mới nổi Dù các số liệu chính phần lớn phù hợp với báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF trong tháng Tư, có những điểm khác biệt và điều chỉnh lớn giữa các nhóm quốc gia. Các dự báo cho khu vực châu Âu phát triển giảm 0.1 điểm phần trăm trong năm 2019 lẫn năm 2020, với những điều chỉnh lớn hơn trong các nền kinh tế nghiêng về sản xuất như Đức, trong khi tăng trưởng dự kiến tại khu vực châu Âu mới nổi được điều chỉnh tăng lần lượt 0.5 và 0.2 điểm phần trăm. Chẳng hạn, tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ được dự kiến tăng từ 0.2% trong năm 2019 lên đến 3% trong năm 2020 khi những áp lực kinh tế không còn. “Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các điều chỉnh tăng trưởng đi lên lớn phản ánh kết quả tốt hơn dự kiến trong nửa đầu năm,” báo cáo giải thích. Thổ Nhĩ Kỳ đã trãi qua suy thoái trong năm nay, nhưng quay trở lại tăng trưởng nhờ chính sách tài khóa mở rộng, mở rộng tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh và nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, tăng trưởng ở Nga dự kiến tăng từ 1.1% năm 2019 lên 1.9% năm 2020 nếu các dự án quốc gia được áp dụng thành công. Tăng trưởng ở những nền kinh tế châu Âu mới nổi khác được dự báo tăng lần lượt 3.7% và 3.1% trong năm 2019 và 2020, do tình trạng suy giảm lây lan từ nhửng nền kinh tế phát triển hơn trên châu lục và tăng trưởng thu hẹp tự nhiên đến các mức bền vững sau khi phát triển vượt năng suất. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|