Các chính phủ toàn cầu “chấp nhận” tình trạng dồi dào năng lượng của Mỹ |
Hoa Kỳ đã trãi qua thời kỳ “chuyển đổi năng lượng chưa từng có” và đang thay đổi các động lực trong thị trường năng lượng quốc tế đến mức những quốc gia khác chỉ có thể chấp nhận họ, theo Frank Fannon, trợ lý bộ trưởng phụ trách tài nguyên năng lượng Mỹ. Phát biểu trước các thính giả tại Triển Lãm và hội thảo xăng dầu quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) vào thứ Ba, 12/11, ông Fannon cho rằng Hoa Kỳ trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong sản xuất năng lượng mang đến những cơ hội và thách thức mới cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất trên khắp thế giới. “Các chính phủ vẫn đang chấp nhận thực tế mới này, đây là điều có thể hiểu được. Sự chuyển đổi của Hoa Kỳ từ khan hiếm năng lượng đến dồi dào diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng có,” ông Fannon nói. “Trong hơn 40 năm, luật pháp Hoa Kỳ cấm xuất khẩu dầu, nhưng Quốc hội đã dỡ bỏ lệnh cấm này trong năm 2015 và lĩnh vực tư nhân đã phản ứng. Ngày nay, Hoa Kỳ là nước sản xuất lớn nhất thế giới và đang trên đà sản xuất 13 triệu thùng/ngày trong tháng tới.” Ông cũng lưu ý Hoa Kỳ đã từ nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đứng thứ 15 trên thế giới trở thành nước xuất khẩu đứng thứ ba và đang thay đổi các động lực trong thị trường năng lượng khi đưa thanh khoản và các lựa chọn vào thị trường. Hoa Kỳ cũng là quốc gia sản xuất năng lượng tái tạo lớn thứ hai trên thế giới. Chắc chắn, nước Mỹ đã làm lung lay các chuẩn mực khi nói đến sản xuất và cung ứng. Ngoài cuộc “cách mạng dầu đá phiến” đã đưa nước này trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, theo sau là Nga và Saudi Arabia, chỉ trong vài năm, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối thủ toàn cầu lớn nhất trong xuất khẩu LNG. Bùng nổ sản xuất năng lượng ở Mỹ nghĩa là trong quý 4/2020, nước này dự kiến sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng ròng, xuất khẩu nhiều sản phẩm năng lượng hơn nhập khẩu. Đạt được vị thế “độc lập về năng lượng” được xem là cột mốc quan trọng Hoa Kỳ hướng đến để giảm phụ thuộc (và tất cả những hệ lụy về an ninh) vào các nước xuất khẩu bên ngoài. Điều này cũng là cú hích kinh tế cho Hoa Kỳ cũng như các chiến thắng chính trị tiềm năng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn đối diện với cạnh tranh gay gắt từ những quốc gia sản xuất năng lượng lâu đời hơn, như Nga. Châu Âu, chẳng hạn, đã trở thành chiến trường giữa Washington và Moscow, cạnh tranh cung cấp khí đốt tự nhiên cho lục địa già. Câu hỏi từ Nga Một vấn đề thị trường khác Hoa Kỳ đang phải giải quyết là mối quan hệ lâu dài và dường như đang được củng cố giữa OPEC và Nga, quốc gia không thuộc OPEC. Tổ chức 14 quốc gia sản xuất dầu do Saudi Arabia đứng đầu không chỉ có một thỏa thuận với Nga (và những nước sản xuất khác) hạn chế sản lượng dầu, hai nước cũng đã ký kết các đầu tư và hợp tác nhập khẩu trong những năm gần đây – gần nhất là khi Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Saudi Arabia và tháng Mười. Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có thể lại một khoảng trống ở Trung Đông mà những quốc gia như nước Nga muốn thay thế, ông Fannon nói: “Tôi không thấy có khoảng trống nào.” Theo ông, những quốc gia như Nga được thúc đẩy ký kết các thỏa thuận đầu tư là vì sự cạnh tranh từ Mỹ. “Tôi không ngạc nhiên khi nước Nga nóng lòng muốn có mặt ở khu vực này, và những nơi khác. Chúng tôi có thể không thích điều đó, nhưng nó hợp lý. Điều họ nhìn thấy, trong khu vực này hay trên khắp thế giới, là những gì đang diễn ra trong các thị trường năng lượng toàn cầu là do nguồn năng lượng từ Mỹ và các đổi mới năng lượng của Mỹ,” ông nói. “Tôi nhận thấy có một cuộc tranh đua đang diễn ra để tạo dựng vị thế với những dự án cơ sở hạ tầng, những dự án năng lượng này, có thể có thời gian đến 50 năm. Họ nhận thấy điều gì đang xảy ra, thế nên họ vội vã củng cố các vị thế này vì lo lắng,” ông nói. Được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào tháng 1/2018, ông Fannon chủ yếu chịu trách nhiệm chính sách năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|