Giá dầu ổn định sau hai ngày giảm vì các lo ngại về tăng trưởng |
Giá dầu ổn định vào thứ Tư, 20/11, sau khi giảm trong hai ngày vừa qua, do dự trữ dầu Mỹ tăng củng cố thêm lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Giá dầu thô WTI kỳ hạn CLc1 tăng 11 cent (0.2%) lên $55.32/thùng lúc 0252 GMT, sau khi giảm 4.3% trong hai phiên trước. Giá dầu thô Brent kỳ hạn LCOc1 ở mức $60.93/thùng, tăng 2 cent (0.03%). Giá dầu Brent đã giảm 3% trong hai phiên trước. Dự trữ dầu thô Mỹ tăng 6 triệu thùng trong tuần lễ tính đến ngày 15/11, đạt 445.9 triệu thùng, so với dự kiến tăng 1.5 triệu thùng của các nhà phân tích, theo số liệu từ American Petroleum Institute vào cuối ngày thứ Ba. Dự trữ dầu tăng tại Mỹ, quốc gia sử dụng dầu lớn nhất thế giới, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng thừa cung dầu thô sau khi Reuters cho biết Nga, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, khó có khả năng ủng hộ cắt giảm thêm sản lượng khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) họp vào các ngày 5-6/12 ở Vienna. Nga và các nước sản xuất dầu khác đã đồng ý với OPEC giảm sản lượng 1.2 triệu thùng/ngày cho đến tháng Ba để đẩy giá lên. “Dầu cũng đang chịu ảnh hưởng sau khi người Nga tỏ dấu hiệu khó có khả năng đồng ý cắt giảm thêm tại cuộc họp OPEC+ vào tháng 12,” theo Edward Moya, nhà phân tích tại hãng môi giới OANDA. “Số liệu API cho thấy dự trữ dầu Mỹ có khoản tăng khá mạnh vào tuần trước, nếu điều này được báo cáo EIA xác nhận, chúng ta có thể thấy giá dầu sẽ tiếp tục xuống,” ông nói. Số liệu dự trữ chính thức của chính phủ Mỹ từ Cục Thông tin Năng lượng (EIA) sẽ có lúc 10:30 a.m. EST (1530 GMT) vào thứ Tư. Nhu cầu dầu thô Mỹ đã chậm lại vì cuộc chiến thương mại kéo dài với Trung Quốc. Hy vọng kết thúc cuộc tranh chấp này bằng việc ký kết cái gọi là thỏa thuận Giai đoạn 1 giữa hai bên đã nhạt đi vì những bất đồng trong việc dỡ bỏ các khoản thuế hai bên áp lên nhau. Vào thứ Ba, 19/11, Tổng thống Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ nâng thuế áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh để chấm dứt cuộc chiến thương mại. Những nền kinh tế công nghiệp khác đều cảm nhận được tác động từ cuộc chiến thương mại này. Xuất khẩu của Nhật lao dốc với tốc độ nhanh nhất trong ba năm vào tháng Mười, đe dọa đẩy nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại này vào suy thoái vì nhu cầu yếu đi từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhập khẩu dầu thô sang Nhật, quốc gia mua dầu lớn thứ tư thế giới, giảm 1.3% trong tháng Mười so với cùng kỳ năm ngoái. Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|