Thị trường Thứ tư, 06/11/2019, 12:59 GMT+7
Ấn Độ nói không với Hiệp ước thương mại châu Á Thái Bình Dương

Vào thứ Hai, 04/11, Ấn Độ đã từ chối tham gia một hiệp ước thương mại châu Á sẽ tạo nên khối thương mại lớn với những nền kinh tế hàng đầu của khu vực và chiếm gần một phần ba GDP thế giới.

n6 india1

Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là thỏa thuận giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á 10 thành viên và sáu đối tác thương mại lớn: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Các đàm phán cho hiệp ước đã bắt đầu vào năm 2013 và việc Ấn Độ không sẳn lòng mở cửa các thị trường của mình là một trong những trở ngại lớn.

Vijay Thakur Singh, nhà ngoại giao phụ trách các quan hệ Đông Á của Ấn Độ tại Bộ Ngoại giao, vào thứ Hai cho biết Ấn Độ đưa ra quyết định không tham gia thỏa thuận RCEP cùng các quốc gia thành viên khác. Lãnh đạo các nước thành viên đã có mặt ở Thailand để tham gia một số cuộc họp thượng đỉnh, trong đó có cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35.

“Điều này phản ánh cả đánh giá của chúng tôi về tình hình toàn cầu hiện tại cũng như tính công bằng và sự cân bằng của thỏa thuận,” bà Singh nói với các phóng viên tại Bangkok trong một cuộc họp báo. “Ấn Độ có những vấn đề quan trọng về lợi ích cốt lõi chưa được giải quyết.”

“Khi xem xét mọi thứ, chúng tôi tin rằng không tham gia thỏa thuận là quyết định đúng đắn đối với Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì và tăng cường các quan hệ thương mại, đầu tư và trao đổi giữa người dân với khu vực,” bà Singh nói.

Bà từ chối không nói thêm về những lợi ích cốt lõi chưa được giải quyết trong cuộc họp báo nhưng cho biết thêm các bên tham gia đều nhận thức những vấn đề này. Bà cũng không cho biết liệu Ấn Độ có xem xét tham gia hiệp ước thương mại sau đó hay không.

“Dù có những nhượng bộ và các đề xuất quan trọng về các biện pháp bảo vệ từ Trung Quốc, Ấn Độ vẫn quan ngại về khả năng hàng nhập khẩu Trung Quốc tăng mạnh và điều họ cho là không đạt được tiến bộ trong các lợi ích tiếp cận thị trường, đặt biệt là thị trường dịch vụ,” theo các nhà phân tích tại hãng tư vấn chính trị Eurasia Group.

Ấn Độ đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế đầy thách thức: tăng trưởng chậm, nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất đang gặp khó khăn và có nhiều vấn đề trong việc tạo ra đủ việc làm để người mới trong lực lượng lao động vẫn có việc làm.

Điều này có nghĩ gì?

Theo Thailand, Hiệp ước thương mại được dự kiến sẽ được ký vào năm sau. Nội dung cho thỏa thuận RCEP được biết đã hoàn tất và đang chờ các đánh giá pháp lý trước khi các quốc gia thành viên ký kết thỏa thuận.

Các nhà phân tích cho rằng những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ nổi lên và kinh tế toàn cầu suy giảm đã tiếp thêm động lực cho các cuộc đàm phán.

“Khi căng thẳng thương mại vẫn bao trùm, châu Á cần hướng vào trong và tăng cường hòa nhập khu vực để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng,” theo Priyanka Kishore, người đứng đầu bộ phận dịch vụ nhà đầu tư và vỹ mô khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á tại Oxford Economics.

Bà giải thích việc cho phép hàng hóa, dịch vụ và vốn di chuyển tự do trong khu vực sẽ giúp duy trì tính trung tâm của ASEAN trong thương mại toàn cầu, mang đến những cơ hội kinh tế mới, hỗ trợ tạo việc làm trong nước và giúp các quốc gia duy trì tăng trưởng mạnh về lâu dài. Bà Kishore, cũng như những chuyên gia khác, trước đó cho rằng trở thành một phần của RCEP sẽ giúp Ấn Độ hội nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group nói thêm theo RCEP, tiếp cận thị trường, đặt biệt đối với dịch vụ và các yêu cầu pháp lý sẽ nhẹ nhàng hơn theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP – hiệp ước thương mại thay thế hiệp ước Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận.

“Điều này hạn chế những lợi ích của thỏa thuận, đặt biệt trong ngắn hạn; Ấn Độ không có mặt trong hiệp ước cũng sẽ làm giảm những điều đạt được,” theo các nhà phân tích, và sẽ “có tác động đáng kể về trung hạn” khi những rào cản tiếp cận thị trường giảm dần.

Các quan hệ của Ấn Độ trong khu vực

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có một số cuộc họp song phương ở Thailand với các nước trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Australia. Ông cũng hoan nghênh quyết định xem xét thỏa thuận thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ.

“Ấn Độ hiện sẽ giảm thiểu tổn hại của việc này đối với các mối quan hệ với ASEAN, Nhật Bản và các nước khác – cũng như thông điệp tiêu cực đối với các doanh nghiệp quốc tế và nhà đầu tư về các triển vọng cải cách ở Ấn Độ - khi quyết định không đi cùng RCEP trong thời điểm này, và có thể sẽ không bao giờ,” theo các nhà phân tích tại Eurasia Group.

Họ nói thêm chính phủ Ấn Độ sẽ “cố gắng có tiếng nói tích cực về những tiến bộ các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và EU cũng như thúc đẩy các nỗ lực nâng cấp thỏa thuận tự do thương mại với ASEAN.”

Ông Peter Mumford, người đứng đầu bộ phận Đông Nam Á và Nam Á tại Eurasia Group, cho rằng Nhật Bản, sẽ đặt biệt thất vọng nếu Ấn Độ đứng ngoài RCEP. “Tokyo xem sự có mặt của Ấn Độ là một đối trọng khác với Trung Quốc – và một số quốc gia khác có thể cũng có cùng quan điểm (cũng như cho rằng cải thiện tiếp cận vào thị trường Ấn Độ là một trong những lợi ích chủ chốt của RCEP).”

Thủ tướng Australia, ông Scott Morrison, vào thứ Hai, đã nói với các phóng viên rằng “cánh cửa sẽ luôn để ngõ cho Ấn Độ, và đây luôn là quan điểm của chúng tôi cũng như của nhiều bên trong bàn đàm phán, và thỏa thuận này sẽ lớn hơn, tốt hơn với sự tham gia của Ấn Độ.”

Bà Kishore cho biết Ấn Độ có thể sẽ giữ khả năng tham gia RCEP sau này nếu các nước thành viên vẫn tiếp tục tiến hành và ký thỏa thuận mà không có New Dehli.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1