Thị trường Thứ ba, 26/11/2019, 10:08 GMT+7
Trung Quốc suy giảm không phải là vấn đề chính đối với tăng trưởng toàn cầu mà chính là chiến tranh thương mại

Không nên lo lắng vì tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại mà nên lo lắng về cuộc chiến thương mại vẫn chưa được giải quyết giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo Paul Gruenwald, trưởng kinh tế tại S&P Global Ratings.n26 china

“Từ lâu, chúng tôi cho rằng việc Trung Quốc phát triển chậm lại từ 7-8% xuống 5.5% là một diễn tiến bình thường,” ông Gruenwald nói. Ông cũng nói thêm lực lượng lao động của Trung Quốc hiện “không đổi hoặc đang giảm đi,” vì thế tăng trưởng GDP đầu người vẫn mạnh.

Thực tế, theo ông, quan hệ thương mại căng thẳng đang gây tổn thương cho tăng trưởng kinh tế hơn là những tác động trực tiếp từ các khoản thuế.

“Tất cả những hoang mang xung quanh mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang kềm hãm đầu tư. Ta không biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đi đến đâu và môi trường đầu tư sẽ như thế nào,” ông nói.

Hoang mang xuất hiện vì chiến tranh thương mại

Khi cuộc chiến thương mại trở nên căng thẳng, nhiều công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng logistics ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á, như Việt Nam, và người láng giềng phía nam của Mỹ, Mexico.

Nhưng việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng giữa các công ty Mỹ và các nhà sản xuất Trung Quốc không đủ lớn để thay đổi “dữ liệu vỹ mô,” theo ông Gruenwald.

Điều đang ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư và các kế hoạch dài hạn đối với các công ty là họ không chắc sẽ tiến hành các kế hoạch chiến lược năm năm như thế nào, và đó là lý do vì sao các công ty đang thu hẹp chi tiêu.

“Tình trạng này đã diễn ra được một khoảng thời gian và theo chúng tôi, đang kềm hãm tăng trưởng toàn cầu,” ông Gruenwald nói.

Theo ông Gruenwald, các khoản thuế được S&P Global Ratings ước tính ảnh hưởng đến 25 điểm cơ bản trong tăng trưởng ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nói thêm “Ảnh hưởng từ lòng tin có phần mơ hồ” dường như “là trở lực lớn hơn đối với tăng trưởng” so với thuế quan.

Washington và Bắc Kinh đã mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài từ đầu năm ngoái và hạn chót cho một đợt thuế nữa là ngày 15/12.

Hai bên đã đồng ý có một thỏa thuận “giai đoạn một” vào tháng Mười, nhưng các quan chức ở Bắc Kinh cho biết họ không dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận cho một thỏa thuận “giai đoạn hai”trước cuộc bầu cử tại Mỹ, một phần vì họ muốn xem liệu ông Trump có tái đắc cử hay không.

Và nếu hai bên không có được một thỏa thuận trước giữa tháng 12, khoản tăng thuế thêm của Mỹ đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ có hiệu lực.

“Đợt đánh thuế ngày 15/12 sẽ khác, bởi những đợt đánh thuế trước là tư liệu sản xuất. Vì thế, nhà cung ứng có thể bị ảnh hưởng, hoặc ai đó trong chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng, đẩy giá lên một ít,” ông Gruenwald nói.

“Nếu là hàng tiêu dùng, và thế là thình lình, iPhone trong túi của bạn đắt hơn 15-20%, điều này đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, và đây cũng là một yếu tố chính trị.”

Nhìn chung, theo ông Gruenwald, các nhà đầu tư không nên lo lắng về tỷ lệ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Vấn đề lớn hơn cần lo lắng là sự bất ổn xuất phát từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung, ảnh hưởng đến từng nền kinh tế cũng như tăng trưởng toàn cầu và vấn đề này khó có khả năng được giải quyết sớm.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1