Sự kiện Thứ ba, 24/08/2021, 12:46 GMT+7
G20 phải ưu tiên hành động Covid toàn cầu tại cuộc họp tháng Mười

Hoa Kỳ và các quốc gia giàu có khác phải phân bổ nhiều hơn để cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình

ag24 g20a

Các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà lãnh đạo chính trị đang làm việc chăm chỉ chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia và chính phủ G20 năm 2021 tại Rome ngày 30-31/10. Với việc đại dịch Covid-19 kéo dài sang năm thứ hai, cuộc họp sẽ diễn ra vào thời điểm có nhiều bất ổn về sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế toàn cầu. Và dù các cơ chế hợp tác quốc tế bị suy yếu do đại dịch và vẫn bị tàn phá từ di sản của Donald Trump, chúng vẫn quan trọng hơn bao giờ hết.

“Hợp tác” không nhất thiết phải là sự điều phối quốc tế các chính sách tài khóa hay tiền tệ quốc gia. Phần lớn, các quốc gia có thể tự dịch chuyển các đòn bẩy đó theo bất kỳ hướng nào tốt nhất cho họ. Thay vào đó, G20 nên tập trung vào ổn định tài chính, thương mại và tiêm chủng, bên cạnh những lĩnh vực quan trọng khác, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, cần và sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Trong suốt năm 2020, hầu hết các quốc gia ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế và suy thoái kinh tế bằng chi tiêu của chính phủ. Nhưng các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) không thể tài trợ thâm hụt dễ dàng như châu Âu và Mỹ (với “đặc quyền” nhờ đồng dollar thống trị toàn cầu). May mắn thay, nhiều quốc gia trong số này đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách về việc tăng chi tiêu mà không phải trả lãi suất cao ngất ngưởng, nhờ các biện pháp kích thích tiền tệ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương lớn khác. Các đồng tiền EMDE mất giá ban đầu, giá chứng khoán và giá hàng hóa đi xuống trong tháng 3/2020 đã được đảo ngược sau khi Fed nới lỏng chính sách.

Nhưng giờ là tháng 8/2021, và mọi quốc gia đều phải đối mặt với tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn. Tại một thời điểm nào đó, Fed sẽ tỏ dấu hiệu chấm dứt nới lỏng tiền tệ và sắp tới sẽ tăng lãi suất. Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, các nhà đầu tư sẽ rút khỏi các tài sản rủi ro và không còn nhiệt tình với EMDE. Đột nhiên, các con nợ EMDE có thể phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng giống những cuộc khủng hoảng xảy ra trong những năm 1980 và 1990 (hoặc ở quy mô nhỏ hơn, như "đợt taper tantrum" năm 2013, khi Fed kích hoạt tình trạng vốn rời khỏi các EMDE với gợi ý họ sẽ sớm bắt đầu thu hẹp các khoản mua tài sản).

Chấp nhận rằng có thể có yếu tố bong bóng dẫn đến tình trạng giá các tài sản rủi ro khá cao ngày nay, tình hình tài chính có vẻ đặc biệt mong manh. Một số người cho rằng thị trường tăng vọt phản ánh các yếu tố kinh tế cơ bản; ví dụ, tỷ lệ giá trên thu nhập cao trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ được cho là hợp lý bởi lời hứa số hóa và các đổi mới công nghệ nâng cao năng suất khác. Nhưng một số đổi mới tài chính gia tăng không nâng cao năng suất. Hãy nghĩ đến 6,000 loại tiền điện tử đã được tạo ra và sự gia tăng của các cổ phiếu meme, các công ty mua lại có mục đích đặc biệt và các mã thông báo không thể thay thế. 

Trong mọi trường hợp, G20 có thể giúp giảm khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng nợ tiềm tàng ở thị trường mới nổi. Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ G20 tạo ra trong thời kỳ đại dịch là một bước khởi đầu tốt, nhưng nó chỉ trì hoãn việc trả nợ, và chỉ có một hạng chủ nợ quốc tế: các chính phủ. Nhiều người thừa nhận các điều khoản về khả năng tái cơ cấu nợ nên được mở rộng đối với các trường hợp chủ nợ quốc tế là các tổ chức tài chính tư nhân (hoặc những tổ chức các bên cho vay được nhà nước hỗ trợ của Trung Quốc cho là tư nhân). Bước tích cực thứ hai là việc phân bổ quyền rút vốn đặc biệt mới được các thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế đồng ý trong tháng này.

Cả hai sáng kiến đều xuất hiện đúng lúc đối với EMDE. Ban đầu, có vẻ như tác động của đại dịch sẽ nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế tiên tiến so với nhiều EMDE, ngoại trừ Nam Mỹ. Nhưng kể từ đó các nước giàu đã phục hồi kinh tế mạnh mẽ, nhờ các kích thích kinh tế vĩ mô và vaccine. Trong khi đó, “nửa kia” đã tụt lại phía sau. Trong triển vọng toàn cầu gần đây nhất (tháng 7/2021), IMF dự đoán tăng trưởng mạnh tiếp tục ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng giảm dự báo tăng trưởng cho EMDE. Tại các nước đang phát triển, hàng triệu người đang bị đẩy trở lại tình trạng nghèo khổ cùng cực.

Sự phân kỳ kinh tế này đặc biệt nổi bật vì nó xảy ra ngay sau sự hội tụ toàn cầu. Tính trung bình, EMDE đã tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với các nền kinh tế tiên tiến từ đầu thế kỷ này cho đến năm 2014, khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu chậm lại và giá hàng hóa tính bằng dollar giảm. Trong số nhiều giải thích cho giai đoạn bắt kịp có lời giải thích thương mại toàn cầu đã tăng nhanh gần gấp đôi GDP trong những thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, xu hướng của tỷ lệ thương mại trên GDP không đổi.

Tình hình ngày nay đòi hỏi một số hình thức tự do hóa thương mại kiểu cũ. Mỹ và Trung Quốc nên dỡ bỏ các rào cản bảo hộ họ đã dựng lên trong bốn năm qua. Một lĩnh vực đặc biệt đến lúc phải tự do hóa là giao thương đối với các sản phẩm có lợi cho môi trường như thiết bị dùng sản xuất điện gió và năng lượng mặt trời. Các thành viên G20 nên làm việc với Tổ chức Thương mại Thế giới để thiết lập các quy tắc quốc tế mới hướng dẫn thuế điều chỉnh carbon qua biên giới, để chúng có thể được sử dụng, nhưng không bị lạm dụng.

G20 cũng nên làm việc với OECD để theo dõi những tiến bộ gần đây đối với một khuôn khổ thuế doanh nghiệp toàn cầu. Quan trọng nhất, Hoa Kỳ và các quốc gia giàu có khác phải phân bổ thêm các gói chi tiêu khổng lồ của họ để cung cấp vaccine Covid-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Thật nực cười khi Hoa Kỳ chạy theo những người hoài nghi về vaccine ở nước mình mà không đồng thời làm nhiều hơn nữa để mang lại lợi ích từ phép màu khoa học này cho phần còn lại của thế giới.

Ruchir Agarwal và Gita Gopinath của IMF đã đề xuất một kế hoạch hành động để sản xuất và phân phối thêm nhiều vaccine. Ngay cả những người dị ứng với chủ nghĩa vị tha cũng nên ủng hộ chương trình tiêm chủng ở những nơi khác trên thế giới. Chừng nào virus corona còn hoành hành ở bất cứ đâu, nó sẽ là mối nguy hiểm ở khắp mọi nơi. Sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế đang cao hơn bao giờ hết.

Jeffrey Frankel là giáo sư tại Trường Chính phủ John F Kennedy của Đại học Harvard. Ông từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton.

Khánh Lâm lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1