Doanh nghiệp Thứ tư, 11/05/2022, 14:19 GMT+7
Thêm nhiều công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc hạ dự báo, thu hẹp đầu tư khi Covid vẫn kéo dài

Theo một cuộc khảo sát mới, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc đang hạ kỳ vọng doanh thu và kế hoạch đầu tư trong tương lai khi các biện pháp kiểm soát Covid vẫn  kéo dài.

m11 china1

Từ cuối tháng Ba đến cuối tháng Tư, tỷ lệ người được hỏi ghi nhận tác động từ các hạn chế vì Covid đã tăng 4 điểm phần trăm lên 58%, theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố hôm thứ Hai.

Dù không phải là một khoản tăng lớn, nhưng 4 hoặc 5 điểm phần trăm mỗi tháng có thể là “rất đáng kể” nếu các biện pháp kiểm soát Covid kéo dài thêm năm tháng nữa, theo Michael Hart, chủ tịch AmCham.

Khi được hỏi những hạn chế Covid sẽ có tác động gì nếu chúng kéo dài trong năm tới, hơn 70% số người được hỏi cho biết doanh thu hoặc lợi nhuận của họ sẽ giảm.

Nghiên cứu mới nhất, được thực hiện từ ngày 29/4 đến ngày 5/5, bao gồm 121 công ty có hoạt động tại Trung Quốc. Khoảng thời gian này cũng bao gồm các hạn chế Covid mới nhất ở thủ đô Bắc Kinh.

Cuộc khảo sát trước đó được thực hiện với AmCham Thượng Hải vào cuối tháng Ba, ngay khi kế hoạch ban đầu phong tỏa hai phần của Thượng Hải bắt đầu. Các biện pháp đó đã kéo dài hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Trong vài ngày qua, Bắc Kinh đã hoãn mở cửa lại các trường học cho đến khi có thông báo mới, đồng thời ra lệnh cho tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu tại một khu thương mại lớn tạm thời đóng cửa hoặc để nhân viên của họ làm việc tại nhà.

“Có rất ít lĩnh vực trong nền kinh tế đang hoạt động,” một người trả lời khảo sát cho biết trong báo cáo. "Dù có thể kiểm soát được các hạn chế COVID-19, điều sẽ ngày càng khó kiểm soát là thiếu tăng trưởng chung trong nền kinh tế và những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng."

Các công ty giảm kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc

Theo khảo sát của AmCham, các biện pháp kiểm soát Covid kéo dài - khi Trung Quốc đại lục đối phó với đợt bùng phát virus tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020 - càng khiến các doanh nghiệp Mỹ e ngại đầu tư vào nước này.

Tỷ lệ người trả lời ghi nhận đầu tư giảm do đợt bùng phát mới nhất và các hạn chế đã tăng lên 26% so với 17% một tháng trước đó.

Số người ghi nhận chậm trễ trong đầu tư giảm nhẹ xuống 26%, so với 29% trong cuộc khảo sát trước đó. Tỷ lệ những người cho biết còn quá sớm để dự đoán hoặc chưa quyết định đối với kế hoạch đầu tư đã tăng lên 44% trong cuộc khảo sát mới nhất, so với 30% trong nghiên cứu trước đó.

Các số liệu chính thức cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài từ tất cả các quốc gia vào Trung Quốc tăng đều đặn, tăng 31.7% tính theo năm lên 59.01 tỷ USD.

Từ khi Trung Quốc thắt chặt các hạn chế biên giới năm 2020 để kiểm soát sự lây lan Covid từ du khách vào nước này, các tổ chức kinh doanh nước ngoài cho biết rất khó để tuyển dụng nhân viên vì thiếu các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc và thời gian cách ly khi đến nước này ít nhất là hai tuần, nếu không muốn nói là lâu hơn.

“Nếu bạn muốn đầu tư, bạn phải cho phép đi lại,” ông Hart nói, đồng thời lưu ý tác động sẽ được cảm nhận trong dài hạn.

Ông nói: “Hai, ba, bốn năm nữa, tôi dự đoán đầu tư vào Trung Quốc sẽ sụt giảm nghiêm trọng vì không có dự án mới được triển khai, vì mọi người không thể đến và xem xét.”

Nếu các biện pháp kiểm soát của Covid vẫn tiếp diễn trong năm tới, 53% người trả lời khảo sát mới nhất của AmCham cho biết họ sẽ giảm đầu tư vào Trung Quốc.

Theo ngành, các doanh nghiệp công nghệ và nghiên cứu và phát triển ghi nhận tác động cao nhất từ các biện pháp kiểm soát Covid đối với kế hoạch đầu tư của họ, với 53% những người được khảo sát trong lĩnh vực dự kiến sẽ hoãn hoặc giảm đầu tư.

Mặt khác, các doanh nghiệp tiêu dùng là những doanh nghiệp duy nhất báo cáo kế hoạch tăng đầu tư, dù chỉ 4% thành viên trong ngành. Đối với ngành này, 36% có kế hoạch giảm đầu tư, trong khi 29% cho biết họ sẽ hoãn đầu tư vì đợt bùng phát mới nhất.

Tiêu dùng cũng là lĩnh vực duy nhất báo cáo một số dự báo doanh thu hàng năm tăng bất chấp tác động của Covid, với 3% số người được hỏi. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tiêu dùng, chiếm 69%, cho biết họ đang hạ kỳ vọng doanh thu trong năm.

Việc kinh doanh vẫn chưa trở lại hoàn toàn

Dù chính quyền Thượng Hải đã công bố danh sách trắng cho phép không đến 2,000 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất, khảo sát mới nhất của AmCham cho thấy trong số những người được hỏi có hoạt động tại Thượng Hải, 15% cho biết họ vẫn chưa mở cửa trở lại.

Điều đó không có nghĩa là đa số đã hoàn toàn trở lại làm việc.

Ông Hart cho biết, một số công ty ông nói chuyện vào tuần trước ở Thượng Hải đang hoạt động với công suất 30% đến 50%. Nhiều nhà cung ứng vẫn đóng cửa, trong khi việc vận chuyển các linh kiện và hàng hóa cho khách hàng vẫn còn khó khăn.

Nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc đã ban hành một số hình thức phong tỏa, và các tài xế xe tải thường cần có thẻ đặc biệt và xét nghiệm virus âm tính thường xuyên để được vận chuyển hàng hóa.

Một phần của khó khăn là việc triển khai không nhất quán giữa các tỉnh và thành phố chính sách “zero-Covid năng động,” ông Hart nói.

Ở cấp địa phương, “các quan chức chính phủ đang tìm kiếm những cách thức thiết thực để các công ty giải quyết các vấn đề của họ và quay trở lại làm việc, vì họ được đánh giá dựa trên hiệu quả kinh tế,” ông Hart nói. “Khi nói chuyện với chính quyền ở cấp cao, trọng tâm lại không phải là kinh tế mà là tập trung vào sức khỏe và giảm Covid. "

Ông nói: “Dựa trên kinh nghiệm các công ty của chúng tôi tại Hoa Kỳ và Châu Âu và các thị trường khác, chúng tôi nhận thấy các quốc gia khác đã thực hiện một chiến lược khác. Chúng tôi chỉ yêu cầu cân bằng thêm một chút."

Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dẫn đầu cuộc họp nhấn mạnh nước này nên “kiên quyết đấu tranh” chống lại mọi nghi vấn về chính sách kiểm soát virus. Cuộc họp cũng cảnh báo về những hậu quả kinh tế nếu Trung Quốc không tuân theo chính sách zero-Covid năng động của mình.

Trong tháng 11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu cảnh báo việc chuyển sang chiến lược “chung sống” của các quốc gia khác có thể dẫn đến hàng trăm nghìn ca bệnh hàng ngày - tàn phá hệ thống y tế quốc gia.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1