Doanh nghiệp Thứ ba, 10/05/2022, 09:31 GMT+7
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc thấp nhất trong 2 năm do các hạn chế vì virus tác động đến các nhà máy

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại chỉ còn một con số, mức thấp nhất trong gần hai năm, trong khi nhập khẩu hầu như không đổi trong tháng Tư do các hạn chế chặt chẽ hơn và mở rộng hơn vì COVID-19 đã làm dừng sản xuất nhà máy, khiến nhu cầu trong nước giảm, làm tăng thêm những khó khăn kinh tế.

m10 china1

Xuất khẩu tính theo USD tăng 3.9% trong tháng Tư so với một năm trước đó, giảm mạnh so với mức tăng 14.7% trong tháng Ba dù tốt hơn một chút so với dự báo 3.2%. của các nhà phân tích. Đó là tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 6/2020.

Nhập khẩu nhìn chung ổn định so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện một ít so với mức giảm 0.1% trong tháng Ba và tốt hơn một chút so với mức giảm 3.0% theo cuộc thăm dò của Reuters.

Số liệu yếu kém cho thấy lĩnh vực thương mại của Trung Quốc, chiếm khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội, đang mất đà khi các đợt phong tỏa trên khắp đất nước khiến chuỗi cung ứng bị mắc kẹt ở các trung tâm lớn như Thượng Hải, làm tăng nguy cơ suy thoái sâu hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và xa hơn nữa.

“Các đợt bùng phát virus ở Trung Quốc gây ra những khó khăn cực lớn trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng. Trong khi đó, một số nước ở Đông Nam Á đã chuyển từ phục hồi sang mở rộng sản xuất, thay thế hàng xuất khẩu Trung Quốc ở một mức độ nào đó," theo Chang Ran, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đầu tư Zhixin.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng những trở ngại chính đối với xuất khẩu đang làm suy yếu nhu cầu nước ngoài.

 “Các lô hàng đến EU và Hoa Kỳ giảm mạnh nhất, nơi lạm phát cao đang đè nặng lên thu nhập thực tế của các hộ gia đình. Xuất khẩu hàng điện tử cũng giảm rõ rệt, cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc có liên quan đến đại dịch đang giảm dần."

Những nỗ lực phi thường của Bắc Kinh nhằm kiềm chế đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất ở nước này trong hai năm đã làm tắc nghẽn đường cao tốc và các cảng, hạn chế hoạt động ở hàng chục thành phố, trong đó có Thượng Hải và buộc các công ty từ nhà cung cấp Foxconn của Apple đến các nhà sản xuất ô tô Toyota và Volkswagen phải tạm ngừng một số hoạt động.

Các khảo sát trong ngành cho thấy hoạt động của nhà máy suy giảm với tốc độ nhanh hơn trong tháng Tư, làm dấy lên lo ngại một đợt suy thoái sâu cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.

Shi Xinyu, giám đốc ngoại thương ở Nghĩa Ô, một trung tâm buôn bán hàng hóa, cho biết chỉ có 20-50% cửa hàng trong thành phố mở cửa do các gián đoạn vì COVID.

"Nhu cầu nhập khẩu yếu do chu kỳ kinh tế đi xuống và ảnh hưởng vì COVID. Cuộc sống đã đủ khó khăn và nhà dột còn gặp mưa rào."

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, rủi ro gia tăng từ cuộc chiến Ukraine, tiêu dùng liên tục yếu và suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản cũng đang đè nặng lên tăng trưởng.

Với tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc gần mức cao nhất trong gần hai năm, các nhà chức trách đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ nhiều hơn để củng cố niềm tin và tránh mất thêm việc làm trong một năm nhạy cảm về chính trị.

Một số nhà phân tích thậm chí còn cảnh báo nguy cơ suy thoái gia tăng, cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra nhiều kích thích hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5.5%  trong năm 2022 nếu Bắc Kinh không nới lỏng chính sách zero-COVID của mình.

Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó đang xảy ra. Tuần trước, các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cho biết họ sẽ kiên định với chính sách "zero-COVID", làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc hơn.

Xuất khẩu có thể có một số hỗ trợ nhờ đồng nhân dân tệ yếu hơn, vốn đã trải qua tháng tồi tệ nhất trong tháng Tư trong gần hai năm.

Zhiwei Zhang, trưởng kinh tế tại Pinpoint Asset Management, không kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ khởi sắc trong tháng Năm khi các vấn đề về nguồn cung vẫn tiếp diễn.

“Nhập khẩu giảm là một tín hiệu, khi  quá trình nhập khẩu các bộ phận linh kiện của nhiều công ty có thể bị gián đoạn.Việc nối lại sản xuất diễn ra khá chậm trong giai đoạn này," ông Zhang nói.

Trung Quốc công bố thặng dư thương mại 51.12 tỷ USD trong tháng, nhiều hơn một chút so với dự báo thặng dư 50.65 tỷ USD. Nước này ghi nhận thặng dư 47.38 tỷ USD trong tháng Ba.

Phong Lữ lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1