Doanh nghiệp Thứ ba, 31/05/2022, 09:32 GMT+7
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc giảm với tốc độ chậm hơn khi các hạn chế COVID được nới lỏng

Hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc giảm với tốc độ chậm hơn trong tháng Năm do các hạn chế COVID-19 ở các trung tâm sản xuất lớn được nới lỏng, nhưng những biện pháp kiểm soát di chuyển vẫn làm suy giảm nhu cầu trong nước, hạn chế sản xuất và đè nặng lên nền kinh tế trong quý hai.

m31 china1

Cục Thống kê Quốc gia (NBS) hôm thứ Ba, 31/5, cho biết Chỉ số Quản lý thu mua sản xuất chính thức (PMI) tăng lên 49.6 điểm trong tháng Năm so với 47.4 điểm trong tháng Tư, đánh dấu mức tăng cao nhất trong ba tháng nhưng cũng là lần giảm thứ ba liên tiếp.

Một cuộc thăm dò của Reuters dự kiến chỉ số PMI sẽ ở mức 48.6, dưới mốc 50 điểm, phân biệt giữa suy giảm và tăng trưởng hàng tháng.

Dù những hạn chế tại các trung tâm sản xuất chính của Thượng Hải và vùng đông bắc đã được nới lỏng trong tháng Năm, các nhà phân tích cho biết sản lượng phục hồi còn chậm, bị hạn chế bởi tiêu thụ nội địa trì trệ và nhu cầu toàn cầu yếu.

Tồn kho hàng thành phẩm ở cấp quốc gia trong tháng Tư đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2010, nhưng các đợt phong tỏa gần đây có khả năng cho thấy tình trạng thiểu phát trong nước, theo Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế tại Capital Economics.

Ông nói thêm nguồn cung dư thừa ở Trung Quốc cũng có khả năng ảnh hưởng đến giá xuất khẩu.

“Sau hai năm tất cả quyền lực định giá đều nằm ở phía các nhà sản xuất Trung Quốc, cục diện đã thay đổi.”

Điều đó sẽ gây thêm áp lực lên xuất khẩu vốn đã mất đà trong năm nay, phủ bóng đen lên đà phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều nhà phân tích dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm trong quý từ tháng Tư đến tháng Sáu so với một năm trước đó, so với tăng trưởng 4.8% trong quý một.

Nền kinh tế Trung Quốc bị tàn phá bởi những hạn chế nghiêm ngặt hồi tháng Tư khi nước này vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ năm 2020, với những khó khăn kinh tế trong một số lĩnh vực hiện tồi tệ hơn hai năm trước.

Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong hai năm vào tháng trước do giá nguyên liệu thô cao và những hỗn loạn trong chuỗi cung ứng làm xói mòn biên lợi nhuận.

Cùng với sự yếu kém trong lĩnh vực nhà máy, dịch vụ vẫn còn yếu. Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức trong tháng Năm đã cải thiện từ 41.9 điểm trong tháng Tư lên 47.8.

Do người tiêu dùng phải ở nhà, doanh số bán lẻ trong tháng Tư giảm 11.1% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020 do các dịch vụ ăn uống nhạy cảm với COVID suy giảm hơn nữa và doanh số bán ô tô lao dốc.

PMI tổng hợp chính thức của Trung Quốc, bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, đứng ở mức 48.4, so với 42.7 trong tháng Tư.

Với sự cấp thiết hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuần trước nhắc lại việc hỗ trợ chính sách và cho biết Trung Quốc sẽ hướng đến tăng trưởng kinh tế tích cực so với cùng kỳ năm trước trong quý hai.

Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ mở rộng các khoản giảm thuế, hoãn các khoản thanh toán an sinh xã hội và hoàn trả các khoản vay, đồng thời triển khai các dự án đầu tư mới để hỗ trợ nền kinh tế, dù các nhà phân tích cho rằng chính phủ không có dấu hiệu nới lỏng chính sách zero-COVID của mình.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1