Doanh số bán hàng của AstraZeneca tăng 10% trong năm 2020, hãng sản xuất dược phẩm dự kiến tăng trưởng doanh thu trong tương lai |
AstraZeneca hôm thứ Năm, 11/2, cho biết doanh số bán sản phẩm của họ đã tăng 10% trong năm 2020, năm hãng sản xuất thuốc này thu hút được sự chú ý vì phát triển vaccine virus corona. Gã khổng lồ dược phẩm Anh-Thụy Điển ghi nhận doanh số bán sản phẩm đạt 25.8 tỷ USD trong năm. Trong quý tư, doanh số bán hàng đã tăng 12% lên hơn 7 tỷ USD. Hãng cho biết đây là lần đầu tiên trong “nhiều năm” doanh số bán sản phẩm hàng quý tăng mạnh như thế. Tổng doanh thu đạt 26.6 tỷ USD cho cả năm và 7.4 tỷ USD cho quý tư. Giám đốc điều hành Pascal Soriot cho biết kết quả hoạt động năm ngoái “đánh dấu bước tiến quan trọng của AstraZeneca. Bất chấp tác động đáng kể từ đại dịch, chúng tôi đã có được tăng trưởng doanh thu hai con số.” Công ty cũng giữ nguyên cổ tức cả năm ở mức $2.80/cổ phiếu. Báo cáo của AstraZeneca được đưa ra khi vaccine Covid của họ đang được Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác tin dùng khi những nước này cố gắng chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Công ty cho biết họ sẽ cho phép tiếp cận vaccine phi lợi nhuận trong “thời gian đại dịch”, dù chưa chắc chắn về thời điểm. Hãng cũng cam kết cung cấp vaccine liên tục trên cơ sở phi lợi nhuận cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Do đó, thu nhập hiện tại của họ không bao gồm doanh thu bán vaccine. AstraZeneca, được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Luân Đôn, cho biết hãng dự kiến tăng trưởng doanh thu ở mức “hàng chục” trong năm 2021. Hãng cũng dự báo thu nhập “cốt lõi” trên mỗi cổ phiếu dao động từ $4.75 đến $5. AstraZeneca cho biết định hướng này không bao gồm bất kỳ doanh thu hoặc lợi nhuận nào từ việc bán vaccine Covid. Công ty dự định sẽ báo cáo riêng doanh số bán hàng này bắt đầu từ quý tới. Cổ phiếu niêm yết tại Luân Đôn và Hoa Kỳ của công ty không đổi nhiều vào thứ Năm. Một số tranh cãi Vaccine của AstraZeneca, do Đại học Oxford phát triển, được ca ngợi là yếu tố quyết định thay đổi cuộc chơi cùng các ứng viên từ các công ty dược phẩm khác trong đó có Pfizer-BioNTech và Moderna. Dù các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Oxford-AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả thấp hơn các đối thủ, nhưng việc bảo quản và vận chuyển rẻ hơn, dễ dàng hơn tỏ ra là một lợi ích cho các quốc gia như Vương quốc Anh, nơi vaccine được triển khai vào tháng Giêng. Vaccine nhanh chóng được triển khai rất quan trọng đối với việc mở cửa trở lại các nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng do các đợt phong tỏa và mất việc làm. Công ty đã phải đối mặt với một số tranh cãi về vaccine của mình. Một số cơ quan quản lý dược phẩm ở Châu Âu cho biết họ sẽ không khuyến nghị sử dụng vaccine này cho những người trên 65 tuổi - nhóm tuổi mục tiêu khi các đợt triển khai vaccine tăng tốc - do thiếu dữ liệu cho thấy hiệu quả của vaccine ở nhóm tuổi đó. Ngoài ra, Nam Phi đã đình chỉ - và sau đó từ bỏ - sử dụng vaccine trong bối cảnh lo ngại vaccine có hiệu quả hạn chế đối với một biến thể của virus xuất hiện tại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới về chủng ngừa đã khuyến nghị sử dụng vaccine AstraZeneca, ngay cả ở những quốc gia có các biến thể. Trong quá trình thử nghiệm, các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối làm nổi bật tỷ lệ hiệu quả cao hơn sau khi một lỗi liều lượng thuốc khiến các chuyên gia phải lo lắng, cũng như làm dấy lên các câu hỏi về kết quả và chế độ liều thuốc được khuyến nghị (giống như hầu hết các loại vaccine virus corona hiện đang được triển khai, vaccine AstraZeneca là một mũi tiêm hai liều). AstraZeneca cũng vướng vào cuộc tranh cãi với EU khi công ty cho biết họ sẽ không cung cấp nhiều vaccine như dự kiến cho khối này vào mùa xuân, do môt số vấn đề nhỏ tại các nhà máy sản xuất ở Bỉ và Hà Lan. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|