Doanh nghiệp Thứ sáu, 26/11/2021, 14:32 GMT+7
‘Theo chân khoa học’: AstraZeneca công bố trung tâm R&D trị giá 1 tỷ bảng Anh

Hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển đã đi một chặng đường dài kể từ khi hãng chiến đấu chống một cố gắng mua lại năm 2014

n26 az

Không it chi phí cho công trình kiến trúc bằng thép và kính khổng lồ mọc lên từ một khu đất từng bị bỏ hoang ở ngoại ô Cambridge.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới trị giá 1 tỷ bảng của AstraZeneca có 16 phòng thí nghiệm và 2,200 nhà khoa học, biến nơi này thành phòng thí nghiệm khoa học lớn nhất ở Anh cùng Viện Francis Crick ở London và là khoản đầu tư lớn nhất cho một địa điểm của công ty dược phẩm cho đến nay.

Được thiết kế bởi các kiến trúc sư Thụy Sĩ Herzog & de Meuron, Discovery Centre (Disc) có diện tích bằng tám sân bóng đá và là một phần của cụm y sinh lớn nhất châu Âu. Đại học Cambridge, hai bệnh viện và hàng trăm cơ sở nghiên cứu và công ty công nghệ sinh học đều ở gần đó. Tòa nhà tràn ngập ánh sáng tự nhiên, thu nhiệt từ mặt đất bên dưới và nhà vệ sinh sử dụng nước mưa.

Tại một trong những phòng thí nghiệm, có một đốm có kích thước bằng đầu đinh ghim - một quả tim nhỏ đang đập được dùng để thử nghiệm tất cả các loại thuốc mới về độ an toàn và tác động của chúng đối với tim. Trên băng ghế tiếp theo, các nhà khoa học Kainat Khan và Mark Anderton phát triển “tủy xương trên một con chip” đánh giá độc tính và tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư, giúp các bác sĩ lâm sàng giảm thiểu tác động bằng cách điều chỉnh liều lượng.

Đây chính là loại đầu tư các chính trị gia rất muốn thu hút vào Anh. Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Rishi Sunak, đã dùng bài phát biểu tại hội nghị đảng Bảo thủ của mình vào tháng trước để vẽ ra viễn cảnh nước Anh như một "siêu cường khoa học". AstraZeneca đã trở thành một cái tên quen thuộc trong thời kỳ đại dịch khi hợp tác với Đại học Oxford phát triển một loại vaccine Covid-19 và cung cấp với giá rẻ trên toàn thế giới, dù gần đây họ đã bắt đầu ký hợp đồng thương mại để cung cấp vaccine này vào năm tới khi virus bước vào giai đoạn trở thành bệnh "đặc hữu".

Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Bộ kinh doanh và Năng lượng Anh, đã tham dự buổi khai trương của trung tâm Cambridge vào thứ Ba, cùng Thái tử Charles, giám đốc điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot và chủ tịch, Leif Johansson.

Tuy nhiên, tất cả có thể đã rất khác. Cách đây gần tám năm, ông Johansson nhận được một cuộc điện thoại từ Ian Read, giám đốc điều hành của đối thủ Pfizer từ Hoa Kỳ, nói rằng ông muốn thảo luận về việc sáp nhập hai công ty.

Chỉ có áp lực chính trị dữ dội - và tính toán sai lầm của Pfizer về hệ quả - mới cho phép công ty Anh-Thụy Điển chống đỡ trước mức giá 69 tỷ bảng và vào tháng 5/2014, Pfizer bỏ cuộc. AstraZeneca được sự hậu thuẫn của chính phủ, công chúng và cộng đồng khoa học của Anh, nhưng sau đó phải chứng minh cho mọi người thấy họ có thể tự đứng trên đôi chân của mình.

Soriot, người điều hành công ty từ năm 2012, cho biết trong cuộc chiến chống việc mua lại, một thỏa thuận sẽ gây tổn hại cho sinh mạng nhiều người khi trì hoãn việc phát triển các loại thuốc chữa ung thư. Ông Read cho rằng đây là điều ngụy biện nhưng thừa nhận việc mua lại sẽ dẫn đến cắt giảm việc làm và giảm chi tiêu nghiên cứu.

Susan Galbraith, người đứng đầu R&D về ung thư tại AstraZeneca, rất thẳng thừng về lợi ích của việc trở thành một công ty độc lập. Bà nói: “Đây là cam kết của chúng tôi không chỉ trong 2-3 năm tới mà là 20 đến 30 đến 40 năm tiếp theo, xem khoa học và R&D là trọng tâm của công ty. Tôi rất vui vì chúng tôi vẫn là một công ty độc lập, có thể thực hiện theo đúng tầm nhìn và sứ mệnh đó.”

Disc là một trong ba trung tâm R&D chính của AstraZeneca, cùng các trung tâm ở Gaithersburg ở Maryland ở Hoa Kỳ và Gothenburg ở Thụy Điển. Ông Soriot đã tự mình chọn địa điểm và mua lại năm 2013, nhưng ít người nghĩ rằng Pfizer sẽ tiếp tục đầu tư nếu mua lại nhà sản xuất thuốc ở Anh.

“Chúng tôi đã đi một chặng đường dài kể từ những ngày đó nhưng ta phải giành được sự độc lập của mình và đó là những gì chúng tôi đang làm,” Galbraith nói.

Theo Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cấp cao tại Hargreaves Lansdown: “Có vẻ như nếu Pfizer thành công trong nỗ lực tiếp quản AstraZeneca năm 2014, các kế hoạch tầm cỡ này khó có khả năng được đưa ra chứ đừng nói đến thực hiện.”

“Khả năng mở rộng sẽ không tập trung ở Cambridge, Anh mà ở Cambridge, Massachusetts, nơi đặt trụ sở trung tâm trị liệu toàn cầu của Pfizer, tập trung vào các bệnh hiếm gặp và miễn dịch học, một phần ngày càng quan trọng trong danh mục đầu tư. Mục đích là tạo ra cộng đồng y sinh đông đúc nhất thế giới - vì vậy, có khả năng hai địa điểm Cambridge sẽ tiếp tục là đối thủ của nhau trong cuộc đua dược phẩm, với Moderna cũng có trụ sở tại thành phố ngay bên ngoài Boston."

Sau khi chiến đấu chống Pfizer, ông Soriot, một nhà khoa học trước đây từng làm việc tại hãng sản xuất thuốc Thụy Sĩ Roche và Genentech ở San Francisco, bắt đầu xây dựng lại danh mục thuốc điều trị xơ xác của AstraZeneca, thay thế các loại thuốc bom tấn đã hết hạn bằng sáng chế, trong đó có thuốc giảm cholesterol Crestor. Công ty sẽ bơm 7 tỷ bảng Anh vào R&D mỗi năm, tương đương 22% doanh thu, một trong những tỷ lệ cao nhất trong các công ty dược phẩm.

 “Có một niềm tin cốt lõi rằng khoa học và R&D là tương lai của công ty,” bà Galbraith nói. Phía tây London, GlaxoSmithKline, đối thủ lớn ở Anh của AstraZeneca, đã học được bài học đó thật muộn màng. Sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu nghiên cứu, giám đốc điều hành Emma Walmsley của GSK đã tăng cường chi tiêu cho R&D, nhưng GSK vẫn bị tụt hậu so với AstraZeneca và các đối thủ khác.

AstraZeneca vào tháng 4/2020, trở thành công ty FTSE 100 lớn nhất và hiện có giá trị 132 tỷ bảng so với 77 tỷ bảng của GSK.

Phương châm của ông Soriot là “chúng tôi đi theo khoa học” và bà Galbraith lặp lại điều này khi bà nói về “việc hiểu biết khoa học đằng sau dịch bệnh.”

“Chúng tôi tập trung vào chất lượng, lựa chọn đúng bệnh nhân là phần cốt lõi của điều đó. Bà nhớ lại cách thuốc Lynparza trị ung thư buồng trứng, đã góp phần vào sự chuyển mình của AstraZeneca, từng gần như bị ngừng sản xuất. “Hiện tại đây là một loại thuốc thực sự quan trọng đối với chúng tôi vì đã xác định được đúng bệnh nhân để điều trị.”

Tương tự, Tagrisso, dành cho bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, nhắm vào một đột biến cụ thể và đã trở thành một trong những loại thuốc bán chạy nhất và là loại thuốc nhanh nhất hãng từng phát triển. Nhìn chung, từ năm 2005, hãng đã cải thiện được gần như gấp sáu lần tỷ lệ các phân tử tạo ra thuốc từ điều tra tiền lâm sàng đến hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, từ 4% lên 23%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thành công 14% của ngành.

Điều này đã dẫn đến kết quả tài chính tốt hơn và công ty đang trên đà đạt được mục tiêu doanh số 40 tỷ USD đến năm 2022, mục tiêu được đặt ra năm 2014, cao trào của cuộc chiến tiếp quản - sớm hơn dự kiến một năm.

Phong Lữ lược dịch
Theo The Guardian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1