Doanh nghiệp Thứ năm, 11/11/2021, 10:44 GMT+7
Các công ty dầu mỏ Mỹ không vội vàng giải quyết vấn đề giá khí đốt của Tổng thống Biden

Các công ty dầu mỏ của Mỹ từng đẩy mạnh sản xuất ngay cả khi giá chỉ cao hơn một chút.

n11 usoil

Chiến lược “khoan nữa đi cưng” đó khá hiệu quả đối với các tài xế Mỹ trong thập kỷ trước, giữ cho giá tại trạm xăng tương đối thấp và đưa Hoa Kỳ trở thành vua của thế giới dầu mỏ, vượt qua cả Saudi Arabia và Nga về sản lượng.

Nhưng chiến lược này thật tồi tệ đối với lợi nhuận của ngành dầu mỏ. Các hãng khoan dầu liên tục làm tràn ngập thị trường, khiến các công ty nợ nần chồng chất từ đợt rớt giá này đến đợt giảm giá khác. Ngành dầu khí trở thành ngành giảm điểm lớn nhất của thị trường chứng khoán trong những năm 2010.

Ngày nay, thế giới đã hoàn toàn khác. Giá xăng đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm và các ngân hàng Phố Wall đang cảnh báo giá dầu sẽ lên đến $100 hoặc thậm chí $120. Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ của Mỹ không vội vàng ra tay giải cứu, khiến Nhà Trắng đối mặt với áp lực từ chính đảng của mình trong việc can thiệp vào thị trường năng lượng.

Điều thay đổi là, dưới áp lực to lớn từ các cổ đông Phố Wall, các công ty dầu mỏ cuối cùng cũng đang cố gắng tồn tại trong khả năng của họ. Dù dầu thô đã tăng trên $85/thùng khi nhu cầu tăng cao, các nhà khai thác chỉ đang từ tốn bổ sung nguồn cung.

 “Họ mắc chứng PTSD,” Robert McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group nói về các công ty dầu mỏ Mỹ.

Sản lượng dầu của Mỹ thấp hơn trước Covid

Thông thường, cách chữa tốt nhất cho giá cao là giá cao, vốn khuyến khích thêm nguồn cung. Chưa hết, dù giá dầu của Mỹ đã tăng hơn 65% trong năm nay, sản lượng dầu Mỹ vẫn thấp hơn khoảng 14% so với mức cuối năm 2019, trước khi Covid bùng phát.

"Hãy ngừng tiêu xài như những thủy thủ say xỉn. Đó là thông điệp từ các cổ đông," Pavel Molchanov, nhà phân tích của Raymond James nói.

Thông điệp đó đã được tiếp nhận đầy đủ. Dù giá cao hơn, 50 công ty dầu mỏ lớn nhất đã tăng ngân sách hàng năm chỉ 1% so với kế hoạch ban đầu, theo Raymond James. Thay vì đổ tiền vào các dự án khoan tốn kém, ngành dầu khí đang tập trung trả tiền mặt cho các cổ đông.

"Không phải chính phủ cấm họ khoan nhiều hơn. Đó là áp lực từ các cổ đông," ông Molchanov nói.

Và không chỉ các cổ đông yêu cầu được trả cổ tức béo bở hơn và các khoản mua lại cổ phiếu lớn hơn.

Phong trào ESG trỗi dậy đang buộc các công ty nhiên liệu hóa thạch phải suy nghĩ lại về tương lai của mình.

Áp lực từ các nhà đầu tư có ý thức xã hội đã lên đến đỉnh điểm vào đầu năm nay khi các nhà đầu tư hoạt động môi trường giành được ghế trong hội đồng quản trị tại ExxonMobil, công ty dầu mỏ lớn nhất của Mỹ. Cuộc bỏ phiếu đó làm chấn động ngành vì đây là chiến dịch ủy nhiệm đầu tiên tại một công ty lớn của Mỹ, trong đó thay đổi được xây dựng xung quanh việc chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch. Và nó đã thành công.

Vào thứ Ba, khi phần lớn ngành năng lượng tập trung vào việc liệu Tổng thống Joe Biden có can thiệp vào thị trường năng lượng hay không, Giám đốc điều hành Exxon Darren Woods đưa ra tuyên bố chi tiết công ty của ông sẽ đầu tư 15 tỷ USD trong sáu năm tới như thế nào để phát triển "một tương lai carbon thấp hơn," gồm chi tiêu để giảm lượng khí thải trong ngành công nghiệp nặng và sản xuất điện, phát triển thu giữ và lưu trữ carbon và nghiên cứu hydro và nhiên liệu sinh học.

Các công ty dầu mỏ đang 'rất bối rối'

Không chỉ các công ty dầu mỏ đang đổ tiền vào các kinh doanh carbon thấp, cuộc khủng hoảng khí hậu khiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong tương lai không chắc chắn. Nhu cầu xăng ngay lúc này đang tăng khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau Covid. Nhưng sự trỗi dậy của xe điện sẽ thay đổi triển vọng đáng kể trong những năm tới. Nhiều người dự kiến nhu cầu dầu cuối cùng sẽ đạt đỉnh, dù vẫn còn nhiều tranh cãi chính xác khi nào điều đó sẽ xảy ra.

Đồng thời, các chính phủ trên thế giới đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để giảm lượng khí thải. Tổng thống Biden đặt mục tiêu giảm 52% lượng khí thải carbon đến năm 2030, đưa ra các quy định mới về khí methane và đưa Hoa Kỳ trở lại thỏa thuận khí hậu Paris.

Ngành dầu mỏ đã chỉ ra rằng sự không chắc chắn về quy định này đang làm giảm khả năng đầu tư vào các dự án trong tương lai của họ.

"Các công ty đang rất bối rối về tốc độ đầu tư phù hợp. Rất khó để lập kế hoạch khi nhu cầu không chắc chắn như vậy," theo Francisco Blanch, người đứng đầu hàng hóa toàn cầu tại Bank of America.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, không công bằng khi cho rằng nguồn cung dầu chậm chạp của Mỹ khiến giá cao, là do siết chặt quy định về khí hậu.

"Quy định về môi trường sẽ đóng một vai trò to lớn trong ngành dầu khí trong thập kỷ tới và hơn thế nữa. Nhưng bản thân nó không giải thích được tại sao giá hàng hóa lại tăng," theo Molchanov, nhà phân tích của Raymond James.

'Họ không muốn chúng làm hỏng bữa tiệc'

Điều đáng chú ý là các công ty dầu mỏ của Mỹ đang kiếm tiền nhờ giá cao.

Chevron gần đây đã báo cáo lợi nhuận hàng quý cao nhất trong tám năm và dòng tiền kỷ lục. Doanh thu của Exxon đã tăng 60% trong quý trước.

Những con số như thế được xem là sự xác nhận kỷ luật mới của ngành dầu mỏ.

"Phần lớn điều này là do tâm lý của nhà đầu tư. Họ không muốn chúng làm hỏng bữa tiệc," theo Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets.

Việc dầu Mỹ chậm trở lại là một vấn đề lớn đối với Tổng thống Biden, khi số phiếu thăm dò của ông giảm một phần do giá xăng và các mặt hàng khác tăng cao.

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm ám chỉ sự thất vọng về nguồn cung của Mỹ.

“Nhưng chúng ta có cùng một vấn đề về nhiên liệu mà các chuỗi cung ứng mắc phải, đó là các công ty dầu khí không chuyển đổi nhanh theo nhu cầu,” bà Granholm nói.

Không như ở các quốc gia OPEC, sản lượng dầu do doanh nghiệp tư nhân và thị trường tự do thiết lập, chứ không phải do các lãnh đạo chính phủ.

Câu hỏi hóc búa về khí hậu của Biden

Tuy nhiên, về lý thuyết, tổng thống Biden có thể tổ chức các cuộc nói chuyện với các CEO dầu mỏ và thúc giục họ mở vòi để giảm bớt khó khăn cho các tài xế Mỹ.

Và sau đó họ có thể yêu cầu bỏ các thủ tục hành chính và giảm các quy định về môi trường.

Nhưng đó không thực sự là một lựa chọn cho ông Biden, người có chương trình nghị sự về khí hậu quyết liệt nhất trong lịch sử tổng thống Hoa Kỳ.

Các nhà khoa học khí hậu và thậm chí cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế đều cho rằng các công ty dầu mỏ cần phải ngừng khoan ngay lúc này để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang làm hành tinh nóng lên.

Giống như tất cả các tổng thống khác, ông Biden muốn giữ giá năng lượng ở mức hợp lý và ngăn giá tại trạm xăng chạm mức làm chậm nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông không thể nói với Big Oil “drill-baby-drill” mà vẫn nói chính quyền của ông đang làm phần việc của mình để cứu hành tinh.

Đó là sự căng thẳng cố hữu ông Biden phải đối mặt ngay lúc này. Tham vọng về khí hậu của ông đang va chạm trực tiếp với thực tế kinh tế.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1