Doanh nghiệp Thứ ba, 02/11/2021, 10:35 GMT+7
Ở lại hay biến mất trong 30 năm nữa? Bên trong cuộc chiến về tương lai của ngành dầu mỏ

Những người kiếm được tiền ở thủ phủ dầu mỏ của châu Âu cần một kế hoạch mới.

n2 aberdeen

Trong nhiều thập kỷ, Aberdeen, thành phố cảng trên bờ biển đông bắc Scotland, đã đóng vai trò là cửa ngõ thương mại ra Biển Bắc, nơi các công ty hùng mạnh lèo lái qua những vùng biển sâu và nguy hiểm để khai thác hàng chục tỷ thùng dầu thô.

Nhưng vùng mỏ này không còn như trước đây, ngay cả khi giá dầu trở lại trên $80/thùng. Sản lượng đã giảm kể từ đầu thế kỷ này. Những đợt suy thoái do hai cú shock giá - một vào năm 2015 và một do đại dịch Covid-19 - là những lời nhắc nhở đau đớn về những gì sẽ xảy ra khi đợt bùng nổ thoái trào.

Tiếp đó là hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại thành phố Glasgow, Scotland, khai mạc vào Chủ nhật, 31/10. Liên hợp quốc và đối tác khoa học đã đưa ra thông điệp rõ ràng: Thế giới cần giảm "ngay lập tức và mạnh mẽ" việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch để duy trì một hành tinh có thể sống được.

Sự chú ý tập trung vào các nhà sản xuất năng lượng lớn như Saudi Arabia, Nga và Hoa Kỳ và những quốc gia tiêu dùng hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng Biển Bắc của Vương quốc Anh cũng đang được chú ý - một phần do gần Glasgow, nhưng cũng vì những nỗ lực to lớn nhằm cải tổ đáng kể mô hình kinh doanh của khu vực này.

Có một phong trào đang lớn mạnh ở Aberdeen nhằm thúc đẩy khu vực đi đầu quá trình chuyển đổi từ Big Oil sang Big Energy, sử dụng hiểu biết về các vùng biển sâu để xây dựng trang trại gió nổi bên cạnh các giàn khoan ngoài khơi.

"Tôi cho rằng năm 2015 là hồi chuông cảnh tỉnh mà Aberdeen thực sự cần phải nói, 'Điều này sẽ không tồn tại mãi mãi'", theo Russell Borthwick, giám đốc điều hành phòng thương mại địa phương. "Khi giá dầu tăng trở lại, bạn có thể quay lại hút xì gà, uống rượu - 'cuộc sống ở Aberdeen thật tuyệt phải không' - nhưng một ngày nào đó bạn thức dậy và sẽ chẳng còn gì cả ."

Nhưng vẫn chưa rõ liệu Biển Bắc có thể chuyển dịch thành công khỏi những dây mơ rễ má dầu mỏ của mình và trở thành hình mẫu cho phần còn lại của thế giới hay không. Các công ty trong khu vực quyết tâm tiếp tục khoan. Họ cho rằng tiền từ dầu và khí đốt là cần thiết để tài trợ cho các khoản đầu tư nhiên liệu tái tạo mới và nhấn mạnh Vương quốc Anh vẫn cần nhiên liệu hóa thạch để sưởi ấm các ngôi nhà và giữ cho đèn sáng trong nhiều năm tới. Họ nói đến nỗi lo lắng xung quanh cuộc khủng hoảng năng lượng đang bao trùm châu Âu.

"Các khoản đầu tư nhiên liệu tái tạo sẽ phải đến từ những công ty như chúng tôi, nhưng chúng tôi cần có bảng cân đối kế toán và tạo ra dòng tiền từ dầu khí để có thể làm được điều đó", theo Wael Sawan, giám đốc phụ trách khí đốt và năng lượng tái tạo của Shell và là thành viên ban điều hành của công ty.

Shell, cùng với Siccar Point do Blackstone hậu thuẫn, vẫn đang chờ chính phủ cho phép khởi động một dự án mỏ dầu mới ở Biển Bắc có tên Cambo, dự kiến sẽ sản xuất dầu đến năm 2050.

Tuy nhiên, có sự hoài nghi Vương quốc Anh có thể làm được cả hai cách. Chính phủ có thể phê duyệt các dự án kinh doanh mới trong lĩnh vực dầu khí và vẫn đáp ứng các mục tiêu khí hậu năm 2050. Nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng việc phát triển dầu khí mới phải dừng lại nếu thế giới muốn hạn chế sự nóng lên ở mức 1.5 độ C và tránh những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Giữ vững lựa chọn này là mục tiêu chính của COP26, trong đó 197 quốc gia và vùng lãnh thổ với những ưu tiên kinh tế khác nhau sẽ cố gắng thống nhất một kế hoạch hành động.

“Khí thải không có hộ chiếu, vì vậy chúng ta cần có cái nhìn tổng thể hơn ở đây,” Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nói.

Ngành kinh doanh dầu khí

Biển Bắc của Vương quốc Anh chiếm một phần nhỏ sản lượng dầu và khí đốt toàn cầu, nhưng vẫn là trung tâm đầu tư cho các công ty dầu khí trong nước và quốc tế.

Theo cơ quan quản lý dầu khí của Vương quốc Anh, dù lưu vực này sắp hết vòng đời khai thác, nó vẫn chứa 4.4 tỷ thùng dầu tương đương. OGUK, cơ quan vận động hành lang ngành, ước tính 390 tỷ bảng Anh (534 tỷ USD) đã được đầu tư ngoài khơi Vương quốc Anh trong 50 năm qua và trong 5 năm tới, các công ty có thể đã cam kết thêm 21 tỷ bảng Anh (29 tỷ USD) .

Thúc đẩy khoản chi tiêu đó là dự báo cho nhu cầu đến năm 2050. Trong một báo cáo đầu tháng này, IEA cho biết nếu các quốc gia giữ các cam kết khí hậu hiện tại, hạn chế sự nóng lên ở mức 2.1 độ C, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2025. Nhưng ngay cả theo kịch bản này, thế giới sẽ vẫn tiêu thụ 75 triệu thùng dầu mỗi ngày đến năm 2050 - chỉ ít hơn 25 triệu thùng mỗi ngày so với hiện nay.

Những công ty như Shell (RDSA) nhấn mạnh điều thực sự sẽ giúp thế giới khử cacbon là "sự thay đổi cơ bản về nhu cầu" từ các khách hàng, từ những doanh nghiệp lớn trong vận tải biển và hàng không đến những người đi làm đổ xăng tại các trạm xăng.

"Ngay bây giờ, nếu tất cả những công ty niêm yết công khai như chúng tôi ngừng sản xuất dầu và khí đốt, điều đó sẽ không tác động gì đến nhu cầu tổng thể, bởi vì tất cả sản lượng đó về bản chất sẽ chuyển sang nhiều quốc gia khác - các công ty dầu khí quốc gia - những người sẽ đáp ứng nhu cầu đó," ông Sawan nói.

Nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng theo các chính sách hiện hành

Nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng trong thập kỷ tới theo hai kịch bản do Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra dựa trên các cam kết và chính sách quốc gia hiện hành. Nhu cầu giảm nhanh chóng chỉ trong một kịch bản "net-zero", nơi các quốc gia phát thải ít carbon dioxide hơn nhiều - và cân bằng lượng khí thải bằng các phương pháp thu giữ carbon.

Ước tính nhu cầu dầu thế giới, triệu thùng mỗi ngày
n2 oil f 1-vn1
Lưu ý: Dựa trên "Kịch bản các chính sách đã tuyên bố", "Kịch bản các cam kết được công bố" và "Kịch bản không phát thải ròng đến năm 2050" được nêu trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế
Đồ họa: John Keefe, CNN

Tầm quan trọng của nguồn năng lượng dồi dào và đáng tin cậy đã được nhấn mạnh trong những tháng gần đây khi giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao kỷ lục ở châu Âu và Trung Quốc buộc phải hạn chế nguồn cung điện.

Nhưng khi cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày càng cấp bách, môi trường kinh doanh của các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch có vẻ ngày càng khó khăn. Trong mùa hè, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc đã ban hành "mã màu đỏ cho nhân loại" khi thời gian để giới hạn sự nóng lên 1.5 độ C nhanh chóng thu hẹp lại.

“Phong trào khí hậu đang diễn ra rất, rất mạnh mẽ vào lúc này, quét qua hầu hết các thể chế quan trọng là nền tảng cho xã hội của chúng ta ở phương Tây, và họ không muốn mọi người đầu tư vào dầu khí nữa." theo Philip Lambert, người điều hành một công ty tư vấn năng lượng có ảnh hưởng ở London.

Điều này đang hạn chế khả năng tiếp cận vốn trong toàn ngành. Trong khi đó, các cổ đông đang đánh giá lại các cổ phiếu dầu khí của mình khi họ nghiêng về những công ty phù hợp với các ưu tiên xã hội và môi trường rộng hơn. Họ cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu các công ty dầu mỏ lớn ngày nay có còn tồn tại sau 30 năm nữa hay không.

Một cuộc tranh luận sống còn

Sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn là một ngành kinh doanh sinh lợi. Mười nhà sản xuất giao dịch công khai lớn nhất dự kiến sẽ có doanh thu gần 466 tỷ USD trong năm nay từ hoạt động kinh doanh tìm kiếm và khai thác dầu và khí đốt, nhiều hơn so với năm 2019, theo một phân tích được thực hiện bởi Rystad Energy cho CNN Business.

Nhưng những rắc rối về kinh phí và mối đe dọa từ các chính sách cứng rắn hơn của chính phủ làm dấy lên một cuộc tranh luận về sự tồn tại trong ngành. Những công ty dầu mỏ đa quốc gia lớn nhất ở châu Âu, trong đó có Shell, BP (BP), Eni (E) và Total (TOT), đã bắt đầu định hướng lại hoạt động kinh doanh của họ xung quanh thực tế này, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Mục tiêu đó bao gồm cacbon thoát ra khi sản phẩm bị đốt cháy. Các cam kết này là những bước đi tích cực, theo các chuyên gia khí hậu, dù mỗi cam kết đều có những kẽ hở và tính chất riêng.

BP đã hứa sẽ tăng gấp 10 lần các khoản đầu tư vào carbon thấp hàng năm đến năm 2030, thời điểm họ dự kiến sản lượng dầu và khí đốt của mình sẽ giảm 40% so với năm 2019. Shell tiết lộ họ đã đạt sản lượng dầu tối đa trong năm 2019 và sản lượng hiện sẽ giảm 1% đến 2% mỗi năm.

Các đối tác Hoa Kỳ không tích cực như vậy. Chevron (CVX) gần đây công bố tham vọng đạt mức phát thải ròng cho các hoạt động của riêng mình đến năm 2050, nhưng không bao gồm lượng khí thải từ người dùng đầu cuối. ExxonMobil (XOM) không đặt mục tiêu dài hạn cho việc giảm lượng khí thải, và thay vào đó quảng bá những nỗ lực ngắn hạn nhằm giảm thiểu tác động khí hậu và đầu tư vào công nghệ thu giữ carbon, ngăn việc thải carbon dioxide vào khí quyển.

Các công ty dầu mỏ quốc gia, chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu, là một trong những bên miễn cưỡng nhất trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Saudi Aramco, hãng sản xuất nhà nước của Saudi Arabia, hồi đầu tháng cho biết họ sẽ đặt mục tiêu không phát thải ròng cho các hoạt động của mình đến năm 2050, nhưng IEA cảnh báo tập đoàn này "kém thích ứng với những thay đổi trong các động lực năng lượng toàn cầu."

Giá năng lượng tăng mang đến một bước đệm cho các công ty khi họ tìm kiếm con đường phía trước, cho phép họ đưa ra các chương trình mua lại cổ phiếu hoặc cổ tức cao hơn để khuyến khích các cổ đông ở lại.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát vẫn thất vọng trước tốc độ thay đổi chậm chạp - đặc biệt là vì ngành công nghiệp dầu mỏ qua nhiều thập kỷ đã đóng vai trò mờ nhạt trong cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tuần này, nhà đầu tư hoạt động Third Point tiết lộ họ đã mua cổ phần trong Shell và kêu gọi công ty chuyển các dự án năng lượng sạch thành một doanh nghiệp riêng biệt, cảnh báo họ đang cố gắng "làm mọi thứ cho tất cả mọi người." Động thái này diễn ra sau khi một tòa án Hà Lan, trong một phán quyết mang tính bước ngoặt, cho rằng Shell phải giảm lượng khí thải CO2 của mình xuống 45% đến năm 2030 so với mức của năm 2019. Công ty cho biết họ sẽ kháng cáo phán quyết, nhưng đã thắt chặt các mục tiêu khí thải đối với hoạt động của mình.

Theo ông Birol: “Hơn 80% lượng khí thải gây biến đổi khí hậu đến từ lĩnh vực năng lượng đốt dầu, khí đốt và than đá. Lượng dầu, khí đốt và than đá chúng ta sử dụng cần phải giảm đi đáng kể."

Những thay đổi ở Biển Bắc

Cuộc chiến về tương lai của ngành dầu khí đang thực sự diễn ra ngoài khơi Scotland, 46 năm sau khi dầu thô bắt đầu chảy và các lãnh đạo chính phủ tuyên bố dầu Biển Bắc sẽ "dẫn đến một cuộc cách mạng công nghiệp mới."

Các công ty vẫn đang kiến nghị chính phủ khởi động các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hoạt động sản xuất của Vương quốc Anh khi các dự án cũ ngừng hoạt động.

“Nếu chúng ta cắt giảm dầu và khí đốt, tất cả những gì chúng ta làm sẽ là nhập khẩu,” theo Ian Wood, một tỷ phú có trụ sở tại Aberdeen, người đã làm nên sản nghiệp của mình trong kỷ nguyên vàng cho dầu ở Biển Bắc. Các quốc gia khác, ông lưu ý, không cam kết như Vương quốc Anh hạn chế lượng khí thải carbon từ sản xuất nhiên liệu hóa thạch. "Chúng ta thực sự sẽ làm hỏng thêm môi trường."

Nhưng nỗ lực đa dạng hóa đang tăng lên.

Trung tâm Công nghệ Dầu khí của Aberdeen đã đổi tên thành Trung tâm Công nghệ Net Zero. Ước tính khoảng 350 triệu bảng Anh (479 triệu USD) đã được đưa vào để mở rộng bến cảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Và Wood, người hỗ trợ lĩnh vực dầu khí nhưng đã tập trung vào việc chuyển hướng đưa khu vực thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ năm 2015, đang phụ trách một trung tâm năng lượng gần đó nhằm phục vụ như một trung tâm sản xuất, lắp ráp và điều khiển khi các các dự án năng lượng gió, mặt trời và hydro một lần nữa đi vào hoạt động. Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ 2,500 việc làm đến năm 2030.

“Điều đáng chú ý là mọi thứ đã thay đổi nhanh như thế nào trong 2-3 năm qua. Chúng ta đã nhấn bàn đạp ga. Chúng ta đã lên đường," theo Paul de Leeuw, giám đốc Viện chuyển đổi năng lượng tại Đại học Robert Gordon của Aberdeen.

Các công việc khai thác dầu khí ngoài khơi ở Vương quốc Anh vẫn chưa phục hồi sau đại dịch. Các công ty đang cố gắng hạn chế chi phí và giữ cho các cổ đông hài lòng ngay cả khi giá dầu leo thang. Nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Robert Gordon cho rằng có những lý do để lạc quan.

Ước tính có khoảng 160,000 người đang làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực năng lượng ngoài khơi của Vương quốc Anh. Đến năm 2030, sẽ cần khoảng 200,000 người để sản xuất năng lượng tái tạo và dầu khí. Khoảng 65% lực lượng lao động sẽ "hỗ trợ các hoạt động sử dụng năng lượng carbon thấp", so với 20% hiện nay.

Harbour Energy, nhà khai thác dầu khí lớn thứ hai ở Biển Bắc, đang đặt cược họ có thể tiếp tục ưu tiên sản xuất trong khi đầu tư vào thu giữ carbon. Đầu tháng này, công ty đã được trao giấy phép lưu trữ carbon từ cơ quan quản lý ngành của Vương quốc Anh.

“Trong 5 năm, trong 10 năm, chúng tôi sẽ chủ yếu là một công ty sản xuất hydrocacbon. Có thể chúng tôi cũng có một doanh nghiệp thu giữ carbon với vận tải và dịch vụ để tăng thêm doanh thu chăng? Vâng, chúng tôi có thể," theo Phil Kirk, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Harbour Energy khu vực Châu Âu.

Aberdeen có thể thành công không?

Không phải ai cũng nghĩ quá trình chuyển đổi của Vương quốc Anh đang diễn ra đủ nhanh, đặc biệt với nguồn lực và cam kết đi đầu trong các vấn đề khí hậu.

Charlie Kronick, cố vấn khí hậu cấp cao của Greenpeace, cho rằng Vương quốc Anh nên ngừng đầu tư vào các dự án dầu khí mới ở Biển Bắc: “Chúng ta nên giảm sự phụ thuộc vào dầu khí chứ không phải tăng thêm nguồn cung.”

Ông Kronick cũng tin rằng công nghệ thu giữ carbon đang được chú trọng quá mức, vốn theo ông giúp "loại bỏ cảm giác cấp bách chúng ta cần giảm lượng khí thải."

Ông nói: “Không có con đường nào đi đến phát thải zero mà không có loại bỏ carbon. Một số lĩnh vực công nghiệp nặng, như thép và xi măng, sẽ khó khử cacbon. Nhưng cho rằng triển khai thu giữ và lưu trữ carbon trong tương lai cho phép chúng ta sử dụng dầu và khí đốt là thực sự sai lầm nghiêm trọng.”

Các thành viên trong ngành lo ngại chính phủ Anh có thể gây áp lực và có cách tiếp cận quyết liệt hơn, hạn chế đầu tư hoặc sản xuất dầu khí mạnh hơn dự kiến.

Liên doanh giữa Shell và Siccar Point, công ty sẽ sản xuất 164 triệu thùng dầu thô trong giai đoạn phát triển đầu tiên, đã trở thành điểm nóng trước COP26. Các nhà hoạt động cho rằng phê duyệt dự án Cambo sẽ là đạo đức giả khi nước này cố gắng dẫn đầu các cuộc đàm phán về khí hậu, trong khi những người ủng hộ cho rằng sản xuất trong nước vẫn cần thiết để đáp ứng nhu cầu và hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong khi đó, một cơ quan quản lý của Anh gần đây đã chặn kế hoạch phát triển mỏ khí đốt Jackdaw ở Biển Bắc của Shell vì lý do môi trường. Các cuộc đối thoại giữa công ty và cơ quan quản lý đang diễn ra.

"Các quyết định gần đây khiến chúng tôi đặt câu hỏi liệu chúng ta có thực sự nhận được sự rõ ràng từ chính phủ Vương quốc Anh hay không", ông Sawan nói.

Bộ trưởng Năng lượng Anh Greg Hands nói trong chuyến thăm Scotland rằng chính phủ nhìn chung vẫn "hỗ trợ ngành."

Và đối với tất cả những thảo luận về các cơ hội lớn, người lao động địa phương vẫn hoài nghi họ có thể được hưởng lợi.

“Quá trình chuyển đổi từ năng lượng sử dụng dầu và khí đốt sang năng lượng tái tạo đang diễn ra - điều đó đang xảy ra xung quanh chúng ta - nhưng lực lượng lao động, tôi lo sợ, đang bị bỏ lại phía sau,” theo Jake Molloy, một nhà tổ chức khu vực cho công đoàn RMT có trụ sở tại Aberdeen.

Tuokpe Brikinns, một kỹ sư an toàn 41 tuổi, người đã bị cho thôi việc vào tháng Năm, cho biết anh đang cố gắng chuyển ngành do không chắc chắn về tương lai.

"Tôi đang xem xét một lĩnh vực khác, một nơi sẽ có nhiều việc làm an toàn hơn," Brikinns nói tại hội chợ việc làm địa phương hồi đầu tháng. "Hiện tại, dầu khí không có triển vọng gì cả."

Những người đang nỗ lực xây dựng một lưu vực hỗn hợp tự tin những nhân viên như Brikinns sẽ có thể tìm được việc làm trong lĩnh vực gió, năng lượng mặt trời hoặc hydro khi đầu tư địa phương tăng lên. Liệu họ có đúng hay không sẽ nói lên điều gì xảy ra tiếp theo cho các thị trấn dầu mỏ ở khắp nơi - và cho ngành công nghiệp dầu mỏ.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1