Cuộc chiến thương mại đẩy việc kinh doanh ra khỏi Trung Quốc, nhưng không đến Mỹ |
Các khoản thuế của Mỹ đang khiến các công ty chuyển một số việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng lại không đến nơi Tổng thống Donald Trump muốn. Cuộc chiến thương mại đã khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc đắt hơn đến 250 tỷ USD đối với người Mỹ - từ thắt lưng da đến tủ lạnh và xe máy. Gián đoạn trong mối quan hệ giao thương lớn nhất thế giới này đã khiến các nhà sản xuất hàng điện tử, máy móc công nghiệp và nhãn hàng thời trang tìm cách chuyển hướng một số dây chuyền lắp ráp của mình. “Các yêu cầu tràn ngập,” ông William Ma, giám đốc quản lý tập đoàn tại Kerry Logistics, cho biết. Kerry Logistics là công ty có trụ sở ở Hong Kong, giúp các công ty trên thế giới quản lý chuỗi cung ứng của mình. “Tất cả đều diễn ra sau cuộc chiến thương mại.” Nhiều hãng vẫn giữ đa phần các hoạt động ở Trung Quốc, nơi có thị trường nội địa khổng lồ và những lợi thế các doanh nghiệp khó tìm thấy ở những nơi khác. Tuy nhiên, những doanh nghiệp rời đi lại không hướng đến Mỹ. Thay vào đó, họ muốn chuyển công việc đến những quốc gia châu Á khác. Trong một khảo sát gần đây do hai phòng thương mại Mỹ ở Trung Quốc thực hiện, một phần ba các công ty tham gia trả lời cho biết họ muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại. Chỉ 6% cho biết họ đang cân nhắc chuyển việc kinh doanh về lại Mỹ. Châu Á, không phải Mỹ Trong một số ngành, thuế suất làm tăng sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang những quốc gia ở Đông Nam Á, nơi nhân công rẻ hơn. Steve Madden, với túi xách của hãng bị đánh 10% thuế, cho biết họ đang chuyển một phần đáng kể sản xuất sang Cambodia và những nước khác. Công ty hiện sản xuất khoảng 85% túi xách của mình ở Trung Quốc. Con số này có thể xuống còn 50% hoặc 60% vào năm sau. “Sự chuyển dời này chủ yếu hầu như là vì xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ,” Steve Madden CEO Ed Rosenfeld nói. “Chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống thuế suất sẽ là những điều bình thường mới, nhưng chúng tôi hy vọng những cái đầu tỉnh táo hơn sẽ có tiếng nói hơn.” Các nhãn hàng công nghệ tiêu dùng cũng đang hướng đến Đông Nam Á. Hugh Lo, phó chủ tịch mảng người tiêu dùng tại New Kinpo Group của Đài Loan, sản xuất hàng điện tử cho các khách hàng như Toshiba và samsung, cho biết ông bị vây quanh bởi những yêu cầu từ các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Một năm trước, nhóm của ông có khoảng một yêu cầu mỗi tuần. Nay, “có thể nhiều hơn 30 lần.” Ông Lo cho biết các nhà sản xuất thiết bị chơi game và TV đặc biệt quan tâm đến việc tái chuyển dịch. Ông từ chối đưa ra tên của các công ty. Những nhà cung ứng công nghiệp lớn cũng bị ảnh hưởng nặng, khi nhiều sản phẩm của họ chịu các khoản thuế mới. Toshiba Machine cho biết họ sẽ chuyển một số phần sản xuất thiết bị đúc ở Thượng Hải ra nước ngoài, và hãng sản xuất máy móc Komatsu cho biết họ dự định chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Nhật hoặc Mexico. Nathan Resnick, chủ một startup ở San Diego, nơi giúp hàng ngàn doanh nghiệp đặt đơn hàng với các nhà sản xuất trên khắp châu Á, cũng lưu ý một sự chuyển dời ra khỏi Trung Quốc rõ rệt trong năm nay. Trong tháng Một, các nhà máy Trung Quốc cung ứng đến 90% các đơn hàng công ty ông này giúp đặt ở các ngành như dệt may và đồ gia dụng. Hiện tại, ông ước tính con số này đã giảm còn 50% và sự tập trung hiện chuyển sang những quốc gia như Thailand, Việt Nam và Philippines. “Thật sự chỉ mới gần đây. Năm ngoái tôi còn không đi đến những nước này.” Rời Trung Quốc không dễ Nhiều không ty không sẳn sàng rời Trung Quốc, nơi có một loạt lợi thế cho các ngành sản xuất trãi rộng khắp châu Á. Nhiều sản phẩm các công ty Mỹ xuất khẩu từ Trung Quốc phải phù hợp với các yêu cầu chính xác, đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và công nhân tay nghề cao, theo Harley Seyedin, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Nam Trung Quốc. “Các chuỗi cung ứng của họ không thể điều chỉnh trong thời gian ngắn,” ông Seyedin nói. Trung Quốc cũng có đường xá, cảng và hệ thống điện lưới tốt hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. “Trung Quốc có cơ sở hạ tầng thật tốt,” ông Resnick nói. “Khi đến một số khu vực ở Việt Nam và Philippines, vùng xung quanh nhà máy không được phát triển.” Bắt đầu lại từ đầu ở một quốc gia khác là một bước đi lớn. Các nhà điều hành ước tính có thể mất đến hai năm để xây một nhà máy mới, sau đó là những khó khăn khi làm việc với chính quyền hành chính địa phương và đào tạo nguồn nhân lực mới để đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty. “Sẽ mất thời gian,” ông Ma của Kerry Logistics nói. “Mọi thứ không thể hoàn tất chỉ trong một đêm.” Công ty của ông đang gấp rút giúp các doanh nghiệp chuyển chuỗi cung ứng của họ sang những nước châu Á khác. “Chúng tôi chắc chắn cần thuê thêm người, thuê thêm nhà kho và mua thêm xe tải.” Những doanh nghiệp muốn chuyển các đơn hàng ra ngoài Trung Quốc còn gặp thêm một vấn đề nữa: tìm được những nhà máy trong khu vực có thể nhận các đơn hàng của họ. “Những nhà máy chúng tôi làm việc cùng ở Việt Nam đã được đặt hàng đến tận năm sau,” ông Resnick nói. “Các dây chuyền sản xuất của họ đã đầy. Vì thế nếu thật sự chuyển đổi, ta phải săn tìm những nhà máy vẫn còn có thể nhận hàng.” Nhưng khi nói đến chuyển sang các nhà cung cấp ở Mỹ, mọi người lại không hứng thú lắm. “Họ thậm chí còn không cân nhắc đến bất kỳ công ty nào chúng tôi làm việc cùng,” ông Resnick nói. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|