Doanh nghiệp Thứ ba, 20/11/2018, 13:33 GMT+7
Các công ty Mỹ không vội rời Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại

Theo các nhà phân tích, các công ty Mỹ vẫn chưa ồ ạt rời khỏi Trung Quốc, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang giữa hai cường quốc kinh tế.

nov20 uscom

“Nhiều công ty đang nói về thực hiện các thay đổi, nhưng lại không hăng hái thay đổi lắm,” theo Chris Rogers, một nhà nghiên cứu phân tích tại Panjiva, công ty số liệu chuỗi cung ứng thuộc S&P Global Market Intelligence.

“Sẽ không ai thay đổi gì cho đến khi họ thấy được cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ diễn ra như thế nào,” ông nói, đề cập đến cuộc gặp sắp tới giữa hai ông tại cuộc họp thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 30/11 và 1/12.

“Tôi chưa thấy công ty lớn của Mỹ nào rời Trung Quốc.”

Nhiều người hy vọng cuộc họp G-20 sẽ tháo ngòi nổ cho các căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã bắt đầu áp các khoản thuế bổ sung lên hàng tỷ dollar hàng nhập khẩu của nhau từ mùa hè.

Theo các nhà phân tích, những khoản thuế có thể khiến các công ty Mỹ đẩy mạnh xu hướng gia tăng hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Khi giá lao động ở Trung Quốc tăng – nhiều công ty – trong đó có một số công ty Trung Quốc – đang hướng đến các quốc gia Đông Nam Á như những trung tâm sản xuất mới.

Tuy nhiên mong muốn hướng ra khỏi Trung Quốc không có nghĩa rời bỏ hoàn toàn đất nước này.

Thay vì đầu tư thêm vào một nhà máy Trung Quốc, một công ty nước ngoài có thể đầu tư thêm ở một nước khác, như Việt Nam, theo ông Nick Marro, một nhà phân tích ở Hong Kong tại The Economist Intelligence Unit.

Trên thực tế, một nghiên cứu từ tổ chức này nhận thấy Việt Nam và Malaysia có thể được lợi nhiều nhất về lâu dài từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hai quốc gia này có cơ sở hạ tầng mạnh để hỗ trợ cho phân phối và có vị trí tốt trong sản xuất các sản phẩm và linh kiện công nghệ thông tin giá rẻ.

Thailand cũng có khả năng gia tăng vai trò là trung tâm sản xuất của mình nhờ kinh nghiệm trong sản xuất hàng điện tử và những nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia của chính phủ nước này.

Một người phát ngôn từ Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh cũng cho biết các công ty Mỹ đang ở lại Trung Quốc, nhưng họ hướng đến đa dạnd hóa nguồn gốc các linh kiện hoặc nơi sản phẩm của mình được lắp ráp.

Gần 2/3 trong số những công ty tham gia một khảo sát của phòng thương mại cho biết họ sẽ không chuyển dời hay xem xét đến một động thái như thế. Chỉ 13 trong số 430 công ty được khảo sát đang cân nhắc rời Trung Quốc – nhưng thay vì chọn Hoa Kỳ, Đông Nam Á lại là điểm đến hàng đầu.

Tuy nhiên, các công ty có khả năng sẽ chậm rãi rời đi. Theo ông Marro, dời hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang một nước khác là một quá trình thực tế sẽ mất từ ba đến năm năm.

Các doanh nghiệp có thể cũng muốn tính đến những rủi ro chính trị từ những tín hiệu họ gửi đi về thời điểm chuyển đổi trung tâm sản xuất.

“Phải cẩn thận để không giống như doanh nghiệp đang trốn thuế,” ông Rogers nói. “Doanh nghiệp có thể nhận thấy một kiểu rủi ro về danh tiếng nếu doanh nghiệp đang ở trong thị trường Trung Quốc và rồi rời đi. Đằng sau đó là một kiểu PR tiêu cực.”

“Các công ty sẽ chưa thực hiện những thay đổi lớn đối với chuỗi cung ứng của mình cho đến khi họ chắc chắn các khoản thuế sẽ vẫn duy trì trong vài năm tới,” ông nói thêm.

Hoa Kỳ chuẩn bị nâng thuế đánh lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào đầu năm mới, một điểm Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nhắc đi nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tuần trước.

Ông Marro cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ là một cuộc xung đột lâu dài. Tuy nhiên, ông cũng dự kiến các công ty Mỹ sẽ ở lại Trung Quốc vì một lý do khác – nhắm vào thị trường người tiêu dùng đang gia tăng của nước này.

“Chúng tôi không cho rằng sẽ có một làn sóng rút lui lớn khỏi Trung Quốc. Những công ty Mỹ này đã ở thị trường Trung Quốc trong nhiều năm và họ hiện nhắm đến tăng thêm thị phần. Nếu chúng ta nhớ đến những điểm quan tâm cơ bản trong cuộc chiến thương mại, đó chính là các vấn đề tiếp cận thị trường. Mục đích chung của điều này từ góc nhìn của Mỹ không phải là từ bỏ khu vực này.”

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1