Doanh nghiệp Thứ ba, 13/11/2018, 09:40 GMT+7
Big Oil chi 1% cho năng lượng xanh trong năm 2018

Những công ty dầu khí hàng đầu tính chung đã chi khoảng 1% ngân sách cho năng lượng sạch, nhưng đầu tư từ những người khổng lổ châu Âu đều vượt bậc so với các đối thủ Hoa Kỳ và châu Á.

nov13 bigoil

Những công ty như Royal Dutch Shell, Total và BP trong những năm gần đây đã đẩy mạnh chi tiêu cho năng lượng gió và mặt trời cũng như các công nghệ pin, hướng đến chiếm giữ vai trò lớn hơn trong các nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ khí thải carbon trong cuộc chiến chống hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đã gia tăng áp lực lên ban giám đốc của những công ty nhiên liệu hóa thạch, trong đó có Exxon Mobil, công ty dầu mỏ giao dịch công khai lớn nhất thế giới, nhằm giảm khí thải, chi nhiều hơn cho năng lượng có mức carbon thấp và minh chứng nhiều hơn về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương vẫn khá lớn, theo CDP, một hãng nghiên cứu khí hậu làm việc với các tổ chức đầu tư lớn có 87 ngàn tỷ USD tài sản.

“Với áp lực đa dạng hóa ít hơn từ trong nước, các công ty Mỹ vẫn chưa mặn mà với năng lượng tái tại như các đối thủ ở châu Âu,” CDP cho biết trong một báo cáo.

Những hãng dầu lớn của châu Âu chiếm khoảng 70% năng suất năng lượng tái tạo và gần như tất cả năng suất đang được phát triển hiện tại.

Shell dẫn đầu với các kế hoạch trong tương lai chi 1-2 tỷ USD mỗi năm cho các công nghệ năng lượng sạch từ tổng ngân sách 25-30 tỷ USD của mình. Equinor của Na Uy dự định chi 15-20% ngân sách cho năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Từ năm 2010, Total chi nhiều nhất cho năng lượng có carbon thấp, khoảng 4.3% ngân sách.

Tuy nhiên, tính chung, 24 công ty niêm yết hàng đầu trên thế giới chỉ chi 1.3% trong tổng ngân sách 260 tỷ USD cho năng lượng với mức carbon thấp trong năm 2018.

Con số này vẫn gần gấp đôi mức 0.68% đầu tư nhóm này thực hiện từ năm 2010 đến năm 2017.

Đầu tư tăng mạnh sau Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 do Liên hiệp quốc hậu thuẩn, theo đó các chính phủ đồng ý giảm khí thải xuống còn zero vào cuối thế kỷ để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu dưới mức 2°C (35.6°F).

Từ năm 2016, đã có 148 thỏa thuận được thực hiện trong các lĩnh vực năng lượng thay thế, các công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon.

Các công ty năng lượng đang ngày càng chuyển hướng sang sản xuất khí đốt, nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm nhất, sẽ đóng vai trò quan trọng trong giảm khí thải bằng cách thay thế than đá và đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh.

Sáng kiến Chống Biến Đổi Khí Hậu trong Lĩnh Vực Dầu Khí (Oil and Gas Climate Initiative - OGCI) đưa 13 công ty dầu khí hàng đầu thế giới đến với nhau, với cam kết vào đầu năm nay sẽ giảm khí thải nhà kính xuống một phần năm vào năm 2025.

Nhưng các nhà phê bình cho rằng mảng này vẫn làm chưa đủ.

“Con số 1% hoàn toàn lu mờ trước số tiền Big Oil chi để cản trở các sáng kiến và quy định chống biến đổi khí hậu cũng như đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch vốn không có chỗ trong một thế giới có nhiệt độ không tăng quá 2°C,” Jeanne Martin của nhóm chiến dịch ShareAction nói.

Tuần trước, cử tri bang Washington đã phản đối sáng kiến thiết lập khoản thuế carbon đầu tiên tại Mỹ sau khi một chiến dịch của ngành dầu cho rằng điều này sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế.

“Các nhà đầu tư cần tăng cường phần đóng góp của mình, và yêu cầu các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch đưa các mô hình kinh doanh của mình phù hợp với những mục tiêu của Hiệp ước Paris,” ông Maritn nói.

Phong Lữ lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1