Doanh nghiệp Thứ ba, 11/09/2018, 09:45 GMT+7
Ấn Độ có thể không có khả năng loại bỏ dầu nhập khẩu Iran, bất chấp các cấm vận của Mỹ

Yêu cầu các nước cắt bỏ toàn bộ dầu nhập khẩu Iran của Washington sẽ là một vấn đề lớn đối với Ấn Độ.

s11 india

Là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới và là bên mua dầu thô Iran lớn thứ hai sau Trung Quốc, tuân thủ các lệnh cấm vận của Mỹ - được ban hành sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 – sẽ buộc Ấn Độ phải tìm được nguồn cung dầu thô mới với chi phí cao hơn.

Tại thời điểm giá dầu tăng toàn cầu và đồng tiền quốc gia đang yếu đi trong bối cảnh bán tháo ở các thị trường mới nổi, điều này sẽ gây tổn thất.

Washington có thể miễn trừ cho một số nước nhập khẩu dầu thô Iran lớn, nhưng họ vẫn mong muốn các nước này cuối cùng cũng tuân thủ theo các cấm vận, theo một quan chức cao cấp Mỹ. Thảo luận về vấn đề này, cũng như các vấn đề an ninh và thương mại, diễn ra vào thứ Năm, khi Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Mattis và Mike Pompeo gặp những người đồng cấp Ấn Độ ở Delhi.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc các miễn trừ ở những nơi hợp lý, nhưng chúng tôi mong muốn việc mua dầu thô Iran sẽ ở mỗi quốc gia sẽ xuống còn bằng 0 hoặc các lệnh cấm vận sẽ được áp đặt. Vì thế, chúng tôi sẽ làm việc với người Ấn Độ, chúng tôi cam kết sẽ làm thế,” ông Pompeo nói với báo giới tại cuộc họp thượng định.

Ấn Độ nhập khẩu 70% năng lượng nước này cần và chi phí nhiên liệu đạt mức cao trong nhiều năm ở quốc gia 1.3 tỷ người đang phát triển nhanh chóng này. Và đồng rupee đã xuống đến mức kỷ lục trong tuần khi lãi suất toàn cầu tăng và những e ngại về cuộc chiến thương mại làm chao đảo đồng tiền của các thị trường mới nổi. Điều này, cùng với việc loại bỏ một nguồn dầu thô rẻ, có thể tác động đáng kể lên lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.

“Chúng tôi muốn làm rõ một điểm rằng Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu nhập khẩu cho nhu cầu tiêu thụ của mình và 83% dầu của Ấn Độ đến từ những nguồn bên ngoài,” trích lời một quan chức Ấn Độ phát biểu trên một tờ The Economic Times Ấn Độ. Các quan chức cao cấp khác ngay lập tức cho rằng Ấn Độ sẽ không hoàn toàn cắt bỏ nguồn dầu nhập khẩu Iran và làm thế là không thể được.

Chiết khấu dầu thô Iran

Trong nỗ lực níu kéo các đối tác thương mại, Iran hiện đang chào giá dầu rẻ hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào, cũng như đề nghị kéo dài các điều khoản tín dụng và trên thực tế vận chuyển miễn phí. Khoảng cách giữa nước này với Ấn Độ cũng giúp giảm chi phí vận chuyển.

Hơn nữa, nhiều nhà máy lọc dầu Ấn Độ được thiết kế để xử lý dầu Iran – có nghĩa họ không thể dễ dàng chuyển đổi sang những nhà cung ứng khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra hạn chót 04/11, và dù có thể có khả năng có các miễn trừ tạm thời, họ vẫn có ý định áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với những quốc gia không tuân thủ.

Vì thế, Dehli sẽ bị buộc phải quay sang những nước sản xuất dầu khác để đáp ứng cho nhu cầu năng lượng của mình. Washington đã đề nghị thay thế khoản thiếu hụt nguồn cung bằng dầu Mỹ, nhưng những lô hàng này sẽ đắt hơn so với nguồn dầu từ Iran gần bên.

“Ý kiến cá nhân tôi là sẽ rất khó để Ấn Độ và những bên mua dầu thô Iran khác dừng tất cả các khoản nhập khẩu,” theo Stephen Brennock, nhà phân tích dầu tại PVM Oil Associates, London. “Với những bằng chứng gần đây, các lô hàng dầu sẽ giảm đáng kể trước khi đến hạn chót vào ngày 04/11.”

Tìm đối tác mới

Thực tế, nhập khẩu dầu từ Iran của Ấn Độ đã giảm 32% so với tháng trước còn 523,000 thùng/ngày, theo số liệu tàu dầu cập bến sơ bộ. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn đến 56% so với cùng kỳ năm ngoái, do những khoản chiết khấu mạnh của Tehran từ khi các cấm vận được thông báo.

Những lựa chọn khác có thể thay cho dầu của Iran có Saudi Arabia và Iraq. Đối với Hoa Kỳ, số liệu từ Cục Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy dầu thô xuất khẩu Mỹ sang Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục 413,000 thùng/ngày trong tháng Sáu. “Công bằng mà nói, phi vụ này sẽ còn mạnh hơn nữa khi các cấm vận của Mỹ đối với Iran có hiệu lực,” ông Brennock nói.

Dù một số nhà phân tích nhận thấy các thay đổi sẽ có tác động lớn lên kinh tế Ấn Độ, ông Brennock tin rằng chúng có thể kiểm soát được.

“Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ sẽ đối mặt với chi phí đầu vào cao hơn một chút vì khả năng tiếp cận với nguồn dầu thô Iran với giá hấp dẫn sẽ bị hạn chế. Dù thế, tôi không thấy điều này sẽ có tác động lớn nào lên kinh tế ở mức độ rộng hơn,” ông nói.

Tuy nhiên, chi phí năng lượng tăng mạnh đối với người dân Ấn Độ sẽ là vấn đề lớn đối với chính phủ - đặc biệt khi họ đang muốn xoa dịu người tiêu dùng vốn đang ngày càng bất mãn trước các cuộc tổng tuyển cử vào năm sau.

Khánh Lâm lược dịch

 

Theo CNBC

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1