Doanh nghiệp Thứ ba, 03/07/2018, 10:47 GMT+7
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ lan sang những nền kinh tế châu Á khác

Hệ quả từ một cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gây tổn thương cho những nền kinh tế khác ở châu Á.

jl3 asia

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc có những hành vi thương mại không công bằng và đe dọa áp các khoản thuế mới lên đến 450 tỷ USD hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hứa sẽ trả đũa.

Tình trạng ăn miếng trả miếng ngày càng xấu đi là tin xấu đối với những cường quốc xuất khẩu như Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia, những nước bán hàng cho Trung Quốc để sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ - từ ô tô đến đồ điện tử.

“Đây là những ngành cần công nghệ đến từ nhiều phía,” theo Raymond Tsang, một cộng sự tại hãng tư vấn Bain & Company ở Thượng Hải. “Chuỗi cung ứng… rất phức tạp.”

Theo các chuyên gia, khoản mậu dịch đan xen này vô cùng quan trọng đối với các nền kinh tế trong khu vực.

“Châu Á là khu vực phụ thuộc vào xuất khẩu và với nhiều nền kinh tế, xuất khẩu chính là động cơ tăng trưởng,” theo Stephen Schwartz, người đứng đầu bộ phận trái phiếu chính phủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại cơ quan xếp hạng Fitch. “Không nghi ngờ gì, nếu leo thang, điều này sẽ có tác động thực sự lên khu vực.”

Đài Loan “sẽ mất nhiều nhất”

Những linh kiện công nghệ như con chip máy tính là một trong số những sản phẩm dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh thương mại xáo động. Điều này có thể đặt Đài Loan vào vị trí bấp bênh nếu cuộc chiến Mỹ - Trung gia tăng.

Đài Loan là bên cung cấp linh kiện lớn cho Trung Quốc đại lục. Tại đây, các linh kiện được dùng để sản xuất smartphone và những thiết bị điện tử khác, nhiều sản phẩm trong số đó được xuất đi bán ở Mỹ. Tổng cộng, theo hãng nghiên cứu Capital Economics, các khoản xuất khẩu này chiếm gần 2% GDP của Đài Loan.

Theo nhà kinh tế châu Á Gareth Leather, Đài Loan “sẽ mất nhiều nhất” trong một cuộc chiến thương mại. Nếu nhu cầu đối với smartphone Trung Quốc giảm, nhu cầu đối với linh kiện Đài Loan cũng sẽ chịu thiệt.

Các công ty ở Đài Loan đang bắt đầu lo lắng. Foxconn – công ty công nghệ hàng đầu của Đài Loan và là một bên cung ứng chính cho Apple – tuần trước cảnh báo một cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là thử thách lớn nhất họ phải đối mặt.

Foxconn, có các hoạt động chính ở Trung Quốc đại lục, không phải là công ty duy nhất lo lắng. Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư ANZ dự kiến xuất khẩu bán dẫn và những hàng hóa công nghệ khác của Đài Loan sẽ giảm trong những tháng sắp tới vì căng thẳng thương mại gia tăng.

Hàn Quốc, nơi có hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, có thể là một nạn nhân lớn nữa. Cũng như Đài Loan, Hàn Quốc bán các linh kiện công nghệ cho Trung Quốc để được lắp ráp thành sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.

Cổ phần của hai hãng sản xuất chip Hàn Quốc, Samsung Electronics và SK Hynix — lao dốc trong những tuần gần đây.

Các công ty ở Malaysia và Singapore cũng có thể bị ảnh hưởng. Cả hai nước đều là những nước xuất khẩu linh kiện điện tử và những hàng hóa khác sẽ được lắp ráp thành sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.

Có thể tệ đến mức nào?

Quy mô tổn hại đối với các nền kinh tế châu Á tùy thuộc vào việc cuộc chiến thương mại có thể tệ đến mức nào.

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã thông báo các khoản thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc, đợt đầu tiên sẽ có hiệu lực vào ngày 6/7. Tác động của những biện pháp này sẽ “hạn chế trong ngắn hạn,” theo Christopher Rogers, nhà phân tích thương mại toàn cầu tại hãng nghiên cứu Panjiva.

Tuy nhiên nếu ông Trump tiến hành thực hiện lời đe dọa nhắm phản ứng trước biện pháp trả đũa có thể có của Trung Quốc với thêm 200 tỷ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc chịu các khoản thuế 10%, điều này có thể lan tỏa đến các nền kinh tế châu Á. Rõ ràng hàng hóa sản xuất sẽ bị ảnh hưởng,” ông Rogers nói.

Doanh nghiệp trên khắp khu vực sẽ cảm thấy những tác động này.

“Rõ ràng là tiêu cực nếu mọi người cần xem lại địa điểm sản xuất và các chiến lược nguồn cung,” theo ông Tsang của Bain. Lợi nhuận trong các công ty trong các chuỗi cung ứng sản xuất ô tô và hàng điện tử cá nhân có thể bị ảnh hưởng.

Cùng lúc, các nhà phân tích cho rằng một số công ty ở châu Á đang muốn chuyển thêm việc sản xuất sang những nơi khác trong khu vực, như Thailand và Việt Nam, để ít bị các khoản thuế đánh lên Trung Quốc ảnh hưởng.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN Money

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1