Chứng khoán, dollar tiếp tục giảm do căng thẳng Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên gia tăng |
Thị trường cổ phiếu châu Á tiếp tục đợt giảm toàn cầu vào thứ Sáu, 11/8, do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, khiến các nhà đầu tư chuyển sang những tài sản ít rủi ro hơn như đồng yen, franc Thụy Sỹ và Trái phiếu chính phủ Mỹ.
Qua đêm, Wall Street đóng cửa với mức giảm mạnh sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh cáo Bình Nhưỡng về việc tấn công đảo Guam hay các đồng minh của Mỹ sau khi nước này tiết lộ kế hoạch bắn tên lửa qua Nhật Bản đến vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Chỉ số cổ phiếu châu Á bên ngoài Nhật Bản lớn nhất của MSCI giảm 1.2% trong phiên giảm thứ ba, tiến tới khoản giảm 2.1% trong cả tuần. Cổ phiếu Australia giảm 1.2%, tiến tới lần giảm 0.5% trong tuần. Thị trường Nhật đóng cửa nghỉ lễ. “Điều thay đổi lần này là những lời đe dọa và cuộc chiến ngôn từ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã gia tăng đến mức các thị trường không thể bỏ qua được,” theo Shane Oliver, người đứng đầu bộ phận đầu tư chiến lược tại AMP Capital, Sydney. “Đương nhiên, tất cả diễn ra trong thời điểm các thị trường cổ phiếu chuẩn bị có một đợt điều chỉnh đảo chiếu và Bắc Triều Tiên đã mang đến một cú kích hoàn hảo.” Nhiều thị trường đã lên đến mức kỷ lục hoặc các mức cao trong nhiều năm, khiến tình trạng bán tháo rất dễ xảy ra. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 1.3%, đưa mức giảm của chỉ số này trong tuần lên gần 2.7%. Đồng won của Hàn Quốc cũng tiếp tục giảm, mất 0.4% còn 1,146.2, dưới mức dao động trung bình trong 200 ngày. Các cổ phiếu bluechip Trung Quốc giảm 0.75%, chỉ số Hang Seng của Hong Kong thấp hơn 1.6%. Nếu Bắc Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công đe dọa Hoa Kỳ, khi đó Trung Quốc sẽ giữ thế trung lập, nhưng nếu Hoa Kỳ tấn công trước và muốn lật đổ chính quyền Bắc Triều Tiên, Trung Quốc sẽ ngăn cản họ, một tờ báo thuộc quản lý nhà nước của Trung Quốc cho biết. Lời đe dọa trút “lửa giận” lên Bình Nhưỡng của ông Trump nếu họ tấn công cuối cùng không được các nhà đầu tư chú ý lắm. Tuy nhiên, lần cảnh cáo thứ hai của ông đã gây chấn động các thị trường vốn đa phần đều rất kiên cường trong năm nay, lấn át cả một loạt những rủi ro, từ cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đến các quan ngại về mức độ nợ của Trung Quốc cũng như tình hình lạm phát vẫn thấp ở Mỹ. CBOE Volatility Index, chỉ số được nhiều người theo dõi về khả năng biến động dự kiến của thị trường chứng khoán Mỹ trong tương lai gần, đã tăng lên nhiều nhất trong 12 tuần. Chỉ số này chốt ở mức 16.04 qua đêm, mức cao nhất kể từ ngày 8/11, khi ông Trump đắc cử tổng thống. Tại Wall Street qua đêm, chỉ số Nasdaq lùi 2.1% trong khi S&P 500 giảm 1.4%, và chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 0.9%. Cổ phiếu kỳ hạn Mỹ giảm nhẹ hơn vào thứ Sáu. Chỉ số MSCI World giảm 0.1%, mở rộng thêm đợt giảm 1.1% vào thứ Năm, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ ngày 17/5, khi ông Trump bắt đầu những lời lẽ chống Bắc Triều Tiên. Dollar tiếp tục giảm so với đồng ye, đạt mức thấp mới trong hai tháng. Dollar đã giảm 0.15% còn 109.065 yen, sau khi giảm 0.7% vào thứ Năm. Đồng yen được xem là tài sản trú ẩn bởi Nhật là quốc gia cho vay lớn nhất thế giới và các nhà đầu tư có xu hướng hồi hương trong những thời điểm khủng hoảng. “Với các dòng chảy đầu cơ vào khả năng trở lại đồng yen, chúng ta có thể thấy mức quan trọng ở góc độ tâm lý 109.00 sẽ bị vượt qua,” theo Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận giao dịch châu Á – Thái Bình Dương tại OANDA. Lợi suất Trái phiếu Mỹ thấp cũng gây áp lực lên dollar. Lợi suất cho trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã xuống đến 2.197% qua đêm, mức thấp nhất kể từ 28/6. Lợi suất đã ở mức 2.201% vào thứ Sáu. Dollar tăng 0.1% lên $0.9635 franc Thụy Sỹ vào thứ Sáu, sau khi giảm đến 1.2% xuống mức thấp trong hai tuần qua đêm. Dollar ổn định so với một nhóm sáu đồng tiền chính ở mức 93.412 sau khi giảm 0.2% vào thứ Năm với số liệu lạm phát và việc làm đáng thất vọng tại Mỹ. Giá nhà sản xuất Mỹ bất ngờ giảm trong tháng Bảy, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong gần một năm, trong khi một nhóm chỉ số khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ bất ngờ tăng vào tuần trước, Các thị trường hiện đang tập trung số liệu người tiêu dùng Mỹ cho tháng Bảy. Giá vàng giao ngay giảm nhẹ ở mức 1,285.22/ounce, chạm mức cao hơn trong hai tháng trước đó. Giá vàng đã tăng hơn 2% trong hai phiên giao dịch trước và chuẩn bị đạt mức tăng 2.2% tính theo tuần. Giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tiếp tục giảm vào thứ Năm, sau khi xuống 2% vì lo ngại nhu cầu chậm lại và tình trạng thừa cung toàn cầu. Giá dầu đã giảm 0.1% còn $48.51/thùng, trên đà đạt mức giảm 2.1% tính theo tuần. Giá dầu chuẩn toàn cầu Brent giảm 0.3% xuống $51.76, sau khi giảm 1.5% vào thứ Năm. Giá dự kiến kết thúc tuần với mức giảm 1.3%. Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|