Các nhà xuất khẩu LNG Mỹ gặp khó khăn vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc |
Cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã khiến hàng chục nhà phát triển khu cảng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng gặp khó khăn trong việc tìm người mua khác, bởi nay thị trường phát triển nhanh nhất của loại nhiên liệu này đã ngoài tầm với. Các lô hàng LNG của Mỹ đến Trung Quốc đạt kỷ lục vào năm 2017, nhưng đã giảm xuống gần như không còn gì cho đến nay trong năm 2019. Sau đó vào thứ Hai, Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng thuế đối với nhập khẩu LNG Mỹ lên 25% vào ngày 1/6 từ mức hiện tại 10%, trả đũa cho các khoản tăng thuế của Washington đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc trong tuần trước. Các nhà phân tích cảnh báo những khoản thuế sẽ khiến khách hàng Trung Quốc chùn bước trong việc ký các thỏa thuận lâu dài với các nhà cung cấp Mỹ, khiến các ngân hàng và nhà đầu tư không sẳn lòng tài trợ cho những dự án đang phát triển. Sử dụng khí đốt tự nhiên đang tăng nhanh trong các nhà máy phát điện trên toàn cầu khi những quốc gia như Trung Quốc tìm cách loại bỏ than bẩn, dù khí đốt vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nhiên liệu sử dụng. Nhu cầu thế giới đối với khí đốt tự nhiên được dự kiến tăng từ 340 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong năm 2015 lên 485 bcfd đến năm 2040, theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ, trong đó Trung Quốc chiếm hơn một phần tư trong khoản tăng này. Sáu dự án LNG có các đơn vị hiện đang xây dựng. Hơn hai mươi dự án khác vẫn đang tìm kiếm khách hàng để thỏa mãn các nhà đầu tư tiềm năng trước khi có thể động thổ. Những dự án này ít có khả năng được như mong muốn nếu các khoản thuế vẫn duy trì trong thời gian dài. Những khách mua Trung Quốc đã bắt đầu ký thỏa thuận với những nhà cung ứng khác. Điều này làm phức tạp thêm cuộc tìm kiếm khách hàng của các nhà phát triển Mỹ mong muốn xây dựng những nhà máy xuất khẩu LNG thế hệ mới. “Nguời sử dụng khí đốt Trung Quốc sẽ dè dặt khi ký hợp đồng mới với các dự án của Mỹ chừng nào cuộc chiến thương mại này vẫn kéo dài,” theo Sindre Knutsson, nhà phân tích cao cấp thuộc nhóm các thị trường khí đốt tại Rystad Energy. Nhiều nhà cung ứng Mỹ không đồng ý. Họ cho rằng mức giá thấp của khí đốt Mỹ sẽ thu hút đủ khách hàng để tài trợ vốn cho những dự án xuất khẩu mới, bất chấp Trung Quốc có làm gì. “Chi phí rất thấp của LNG Mỹ sẽ tạo ra chính nhu cầu cho nó,” theo Charif Souki, chủ tịch Tellurian Inc. Công ty dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong những tháng tới để xây dựng dự án xuất khẩu Driftwood LNG ở Louisiana. Hầu hết các dự án LNG được cấp vốn thông qua những hợp đồng dài hạn được ký trước khi việc xây dựng bắt đầu. Rystad, một hãng tư vấn nghiên cứu năng lượng độc lập tại Na Uy, dự kiến Trung Quốc sẽ là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của các dự án LNG trong những năm sắp tới. Rystad dự báo nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ đạt 95 triệu tấn/năm (MTPA) trong năm 2025, so với 53 MTPA trong năm 2018, đưa nước này trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt cả Nhật Bản. Xuất khẩu LNG Mỹ dự kiến sẽ tăng gần gấp bốn lần lên 86 MTPA đến năm 2025, tương đương 11.4 bcfd khí đốt tự nhiên, theo các dự đoán của EIA. Con số này đủ cho khoảng 55 triệu hộ gia đình Mỹ mỗi ngày. Trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào tháng 7/2018, Trung Quốc là quốc gia mua LNG Mỹ lớn thứ ba. Năm nay, Trung Quốc thậm chí còn không vào được top 15, chỉ với hai lô hàng LNG của Mỹ đến nước này. “Theo quan điểm của chúng tôi, đầu tư Trung Quốc vào các dự án xuất khẩu LNG Mỹ sẽ vẫn dừng lại khi các nhà đầu tư Trung Quốc có khả năng chờ đợi một thỏa thuận thương mại trước khi ký bất kỳ hợp đồng nào với các đối tác Mỹ,” theo các nhà phân tích tại Barclays. Họ lưu ý thỏa thuận gần đây của China National Petroleum Corp (CNPC) và China National Offshore Oil Corp’s (CNOOC) mua cổ phiếu trong dự án Arctic LNG 2 của Nga là dấu hiệu Trung Quốc có thể hướng đến nguồn cung lâu dài từ nơi khác cho đến khi các căng thẳng thương mại dịu đi. Tuy nhiên, Jack Fusco, CEO tại Cheniere Energy Inc, tuần trước nói với các nhà phân tích dù các khoản thuế có tăng thêm một số chi phí đối với khách hàng Trung Quốc, chúng được dự kiến sẽ không có tác động thực tế lên công ty “trong hiện tại hoặc tương lai.” Theo ông Fusco, căng thẳng thương mại sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch của công ty trong những tháng tới để đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng đóng một tàu lửa chở khí đốt hóa lỏng thứ sáu tại nhà máy xuất khẩu LNG Sabine Pass LNG ở Louisiana, một trong hai nhà máy hãng khai thác ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Cheniere có khả năng chờ giải pháp cho cuộc tranh chấp thương mại trước khi hoàn tất thỏa thuận 20 năm bán LNG cho China Petroleum & Chemical Corp (Sinopec). Trường Sơn lược dịch Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|