Một ngàn tỷ USD đang rời bỏ nước Anh vì Brexit |
Brexit chưa xảy ra nhưng đã khiến ngành dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh co lại Các ngân hàng và những tổ chức tài chính khác đã chuyển ít nhất 800 tỷ bảng Anh (1 ngàn tỷ USD) giá trị tài sản ra khỏi Vương quốc Anh và đưa sang Liên minh châu Âu vì Brexit, theo EY. Nhiều ngân hàng lập văn phòng mới ở EU để đảm bảo các hoạt động trong khu vực của mình sau Brexit, nghĩa là họ cũng phải chuyển một lượng tài sản đáng kể sang EU để làm hài lòng các cơ quan quản lý EU. Những công ty khác đưa tài sản đi để bảo vệ khách hàng trước tình trạng thị trường bất ổn và những thay đổi bất ngờ trong quy định. Nhà tư vấn cho biết con số này đại diện cho gần 10% tổng tài sản của mảng ngân hàng nước Anh và là con số “ước tính khá dè dặt” bởi một số ngân hàng chưa cho biết các kế hoạch dự phòng của mình. “Các con số của chúng tôi chỉ phản ánh những chuyển dịch được thông báo công khai,” theo Omar Ali, người đứng đầu các dịch vụ tài chính ở EY. “Chúng tôi biết ở hậu trường, các công ty vẫn tiến hành lên kế hoạch cho kịch bản ‘không có thỏa thuận’”. EY theo dõi 222 công ty dịch vụ tài chính Anh lớn nhất từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào tháng 6/2016. Nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu chỉ trong 81 ngày, nhưng Thủ tướng Theresa May vẫn cần được Quốc hội Anh ủng hộ cho thỏa thuận chia tay bà này đạt được với phần còn lại của EU. Quốc hội Anh dự kiến sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận trong tuần này. Nếu bà May cuối cùng không thông qua được thỏa thuận, khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận nào sẽ tăng cao. Ngân hàng Anh quốc cho biết hậu quả của kịch bản này sẽ còn xấu hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đối với các tổ chức tài chính, một Brexit không có thỏa thuận sẽ là cơn ác mộng. Những thỏa thuận của Anh với các cơ quan quản lý EU sẽ không còn tồn tại và các ngân hàng sẽ chịu một khoản trống pháp lý, nghĩa là họ sẽ không thể tiếp tục một số việc kinh doanh trong khối. Dù EU cho biết họ sẽ thực hiện một số bước để tránh một sự sụp đổ hoàn toàn, nhưng kế hoạch dự phòng của họ chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm bảo vệ các lợi ích của chính họ. “Những công ty dịch vụ tài chính không có lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục chuẩn bị cho một kịch bản ‘không có thỏa thuận’,” ông Ali cho biết. Theo EY, các công ty họ theo dõi đã tạo ra khoản 2,000 việc làm mới ở EU để phản ứng trước Brexit. Deutsche Bank, Goldman Sachs và Citi đã chuyển một số phần kinh doanh của mình ra khỏi Vương quốc Anh. Dublin, Luxembourg, Frankfurt và Paris là những điểm đến được ưa chuộng nhất. EY cho biết các công ty tài chính có khả năng sẽ chuyển thêm nhiều tài sản và tạo thêm nhiều việc làm ở các thành phố châu Âu khác trong những tuần sắp tới. “Chúng ta càng tiến đến ngày 29/3 mà không có thỏa thuận, sẽ càng có nhiều tài sản được chuyển đi, nhân viên được thuê trong vùng hoặc tái di dời,” ông Ali nói. London là thủ phủ tài chính của châu Âu trong nhiều thập kỷ, là nhà của các trụ sở quốc tế của hàng chục ngân hàng toàn cầu. Theo City of London Corporation, ngành dịch vụ tài chính sử dụng 2.2 triệu người ở khắp nước Anh, đóng góp 12.5% GDP, tạo ra 72 tỷ bảng Anh (100 tỷ USD) thuế doanh thu mỗi năm. Kinh tế Anh vốn đã chịu ảnh hưởng từ Brexit. Lạm phát tăng mạnh và niềm tin người tiêu dùng giảm, gây tổn hại cho lĩnh vực bán lẻ của nước này. Đầu tư doanh nghiệp giảm đáng kể khi các công ty trì hoãn các kế hoạch bởi tình trạng không chắc chắn. Những nhà sản xuất lớn, trong đó có Airbus, đã cảnh báo họ có thể rời khỏi Anh nếu Brexit không có thỏa thuận xảy ra. Tập đoàn kỹ thuật Đức Schaeffler sẽ đóng cửa hai nhà máy ở Anh vì tình trạng không chắc chắn. Bằng chứng mới nhất của tổn thất chính là Tổ chức các nhà sản xuất và mua bán motor cho biết số lượng đăng ký ô tô mới ở Anh đã giảm 6.8% trong năm l2018. Đây là năm giảm thứ hai liên tiếp. Phong Lữ lược dịch
Theo CNN Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|