Châu Á sẽ khó khăn để giảm phụ thuộc vào cứu trợ từ IMF |
Các nền kinh tế khu vực tăng trưởng mạnh hơn, nhưng vẫn thiếu nguồn lực để tự chiến đấu trong những cuộc khủng hoảng lớn Các lãnh đạo châu Á rất kiên quyết họ sẽ làm bất kỳ điều gì để chống lại bất ổn tài chính với công cụ của chính mình thay vì tìm kiếm hỗ trợ từ Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) như từng bị buộc phải làm thế trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Ký ức về cú shock này vẫn sống động trong khu vực và sự hoài nghi vẫn kéo dài dù sự hữu hảo có nối lại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không có thêm hợp tác và năng lực tài chính từ những quốc gia khác biệt nhau như Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia, châu Á sẽ khó khăn khi chỉ dựa vào nguồn lực của chính mình, huống chi là độc lập với IMF. Việc tổ chức các buổi họp hàng năm trong năm nay của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới ở Indonesia mang tính biểu tượng. 20 năm trước, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Indonesia là một trong những nước phải nương nhờ IMF. Ngày nay Indonesia được xem là một nền kinh tế thành công và là thành viên uy tín trong cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng tài chính nước này, bà Mulyani Indrawati, là một ứng cử viên nặng ký cho vị trí lãnh đạo của quỹ này trong năm 2021 – và nếu điều này xảy ra, bà sẽ là giám đốc điều hành đầu tiên đến từ một quốc gia đang phát triển. Indonesia là điển hình cho quỹ đạo của các thị trường mới nổi trong hai thập kỷ qua. Những nước này đã chiếm gần 2/3 tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới từ năm 1997. Tỷ trọng của họ trong toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, theo sức mua tương đương, hiện là 60% so với 43%. Những quốc gia châu Á mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, có phần đóng góp rất lớn. Tuy nhiên, dù có tiến bộ trong gây dựng sự kiên cường – thông qua những chính sách kinh tế, cải cách đúng đắn và gia tăng dự trữ ngoại hối – các thị trường mới nổi vẫn dễ bị tổn thương đặc biệt trước những cú shock đến từ các quốc gia phát triển, trên hết là từ Hoa Kỳ. Thậm chí nếu việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Mỹ vẫn được chờ đợi từ lâu, quản trị vẫn khá khó khăn vì dòng vốn ngắn hạn chảy vào thị trường Mỹ do lãi suất cao. Các thị trường mới nổi phải chịu cảnh tỷ giá hối đoái đi xuống, giá cả trong nước gia tăng và bất ổn có thể xảy ra trong ngành ngân hàng nội địa. Chúng ta đã nhìn thấy xáo động ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, vốn đã đảm bảo được một khoản kỷ lục 57 tỷ USD từ IMF. Ở châu Á, Pakistan đang đàm phán để nhận được hỗ trợ tài chính khoảng 7 tỷ USD từ IMF. Có thể lập luận rằng đây là những nước cực kỳ dễ bị tổn thương, và vì thế là những nước bị tác động trước hết khi các điều kiện tiền tệ của Hoa Kỳ thắt chặt. Nhưng những điều kiện này cũng chứa đựng thách thức đối với những quốc gia khỏe hơn. Indonesia, chẳng hạn, đang chật vật khi đồng rupiah ở mức thấp nhất so với dollar kể từ năm 1997. Về nguyên tắc, châu Á có công cụ hỗ trợ của chính mình – thỏa thuận Đa phương Hóa Sáng Kiến Chiang Mai (CMIM), một thỏa thuận trao đổi tiền tệ đa phương giữa ASEAN cộng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thiết lập vào năm 2010. Thỏa thuận này dựa trên mạng lưới an toàn tài chính 240 tỷ USD có thể được triển khai trong trường hợp có các vấn đề về cán cân thanh toán và thanh khoản ngắn hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, CMIM chưa từng được thử thách, và vì thế vẫn không rõ liệu thỏa thuận có năng lực can thiệp nhanh chóng và đáng tin hay không. Trên hết, không rõ ngoại trừ những vấn đề nhỏ, trong phạm vi bản địa, liệu thỏa thuận có đủ nguồn lực để ngăn chặn bất ổn tài chính hay không. Mỗi thành viên CMIC có thể chuyển đổi tiền tệ với số lượng tối đa tính trên GDP của mỗi nước; mà chỉ 30% trong số đó có thể được rút mà không có liên hệ gì với một chương trình của IMF. Indonesia, chẳng hạn, có thể rút đến 22.76 tỷ USD, nhưng chỉ có thể có được 6.8 tỷ USD mà không liên quan đến IMF. Với nợ bên ngoài xấp xỉ 340 tỷ USD (34% GDP), Indonesia quá lớn đối với CMIM. Tương tự, Hàn Quốc cũng có khoảng 11 tỷ USD theo CMIM không liên quan đến IMF; trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nước này dựa trên thỏa thuận trao đổi 30 tỷ USD với Fed, trong đó 16.35 tỷ USD đã được rút ra. Vì thế, châu Á đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. CMIC có thể giải quyết những vấn đề bất ổn tài chính nhỏ và cung cấp thanh khoản khẩn cấp. Nhưng sẽ khó hơn rất nhiều khi xử lý một cuộc khủng hoảng khu vực mà không liên quan đến IMF. Giải pháp là gia tăng nguồn lực sẳn có cho CMIC để giải quyết một cuộc khủng hoảng thanh khoản kéo dài, nhưng vẫn phải để các chương trình giải cứu phức tạp, nhiều năm cho IMF. Tuy nhiên, những thành viên chính của CMIM – Trung Quốc và Nhật Bản – lại không hứng thú lắm khi đưa thêm tiền vào CMIM. Đầu tiên, triển khai dollar sẽ mất chi phí và có rủi ro, không như Fed, có thể cung cấp thanh khoản dollar hầu như không tốn chi phí. Thứ hai, Trung Quốc và Nhật Bản đóng góp ngày càng nhiều sẽ làm nghiêng thêm cán cân quyền lực về phía hai thành viên này. Một giải pháp thay thế là mời những nước khác trong khu vực, như Australia và New Zealand tham gia CMIM. Tuy nhiên, nếu họ có đóng góp lớn, các thành viên hiện tại sẽ buộc phải cho họ các quyền bỏ phiếu. Nhưng mở rộng ASEAN+3 đến những quốc gia không được xem là châu Á – và có thể được xem là rất thân cận với Hoa Kỳ có thể là một vấn đề chính trị. Vì thế, “mùa đông đang đến,” như tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo đã nói tại Bali. Các nhà hoạch định chính trị cho rằng mỗi nước trước hết nên tự tìm kiếm cách bảo vệ riêng của mình. Họ đúng, nhưng có thể chưa đủ. Châu Á đã có tăng trưởng cực tốt trong hai thập kỷ qua, với GDP danh nghĩa tăng gấp ba lần và dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Nhưng những khoản dự trữ này phân bố không đồng đều. Trung Quốc có khoản 3 ngàn tỷ USD, Nhật Bản khoảng 1.2 ngàn tỷ USD, và những nước còn lại không đến 1 ngàn tỷ USD. Vì thế, nếu cuộc khủng hoảng quá lớn đối với CMIM, Bắc Kinh và Tokyo có thể chịu áp lực cung cấp các nguồn cứu trợ khẩn cấp trực tiếp, nếu những nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng muốn tránh IMF. Tình hữu hảo hiện tại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thể hiện trong sự tiếp đón nồng nhiệt thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhận được ở Bắc Kinh – là dấu hiệu tốt cho tương lai – không chỉ trong các vấn đề tài chính. Thỏa thuận chuyển đổi 26.8 tỷ USD tăng cường giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Nhật Bản sẽ là một bước quan trọng hướng đến hợp tác tài chính song phương – và cuối cùng, tạo ra một tấm lưới an toàn cho toàn khu vực. Phong Lữ lược dịch
Theo Nikkei Asian Review
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|