Tài chính Thứ năm, 20/09/2018, 10:03 GMT+7
IMF: Kinh tế Anh sẽ phải trả giá, dù kết quả Brexit có như thế nào

Thứ Hai, 17/9, Quỹ tiền tệ quốc tế cảnh báo, tất cả những kết quả ‘có thể có’ của Brexit đều kèm theo một cú đánh tài chính vào kinh tế Anh.

s20 brexit

Tuy nhiên, theo IMF, kịch bản “không đạt được thỏa thuận” – nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không có bất kỳ quan hệ thương mại nào được đặt ra – sẽ còn tệ hơn nhiều.

“Dù bất kỳ kết quả Brexit thế nào cũng khiến kinh tế Anh trả giá khi rời khỏi thị trường chung, một thỏa thuận giảm xuống mức thấp nhất các hàng rào thuế quan và phi thuế quan mới sẽ là sự bảo vệ tốt nhất cho tăng trưởng và thu nhập ở nước Anh và EU,” IMF cho biết trong báo cáo mới nhất về triển vọng và nguy cơ đối với kinh tế thế giới.

Cảnh báo được đưa ra khi các đàm phán giữa nước Anh và EU vẫn căng thẳng và những vấn đề chính trong cuộc chia tay – như tương lai biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland cũng như mức độ tiếp cận thương mại hậu Brexit – vẫn chưa được giải quyết.

Tệ hơn, những người ủng hộ Brexit trong quốc hội Anh đã chống đối kế hoạch Brexit “Chequers plan” của Thủ tướng Theresa May, phát thảo quan hệ trong tương lai của nước Anh với EU và sẽ dẫn đến một cuộc Brexit “nhẹ nhàng hơn”, gần gũi hơn với các quy định của châu Âu.

Quốc hội Anh sẽ phải phê chuẩn thỏa thuận Brexit cuối cùng đạt được, với một bên là những bất bình từ các bộ trưởng “Brexiteer” lẫn “Remainer”, những người có thể phản đối thỏa thuận cuối cùng. Hơn nữa, 27 quốc gia thành viên khác của EU cũng phải đồng ý với một thỏa thuận cuối cùng, làm tăng rắc rối và trở ngại cho quá trình này.

Trong bối cảnh bất đồng và bất ổn chính trị, khả năng của kịch bản “không đạt được thỏa thuận” ngày càng rõ hơn trong những tuần gần đây. Về phần mình, bà May cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC rằng thay thế duy nhất cho thỏa thuận Chequers của bà chính là không có thỏa thuận nào.

“Tổn thất đáng kể”

Bình luận về những trở ngại trong các cuộc đàm phán, IMF cho rằng những câu hỏi cơ bản xung quanh mối quan hệ trong tương lai giữa nước Anh và EU cần phải được trả lời.

“Giải quyết những vấn đề này là trọng yếu để tránh một cuộc Brexit “không có thỏa thuận” theo các điều khoản của WTO, sẽ gây ra tổn thất đáng kể cho kinh tế Anh – và ở mức độ kém hơn, cho các nền kinh tế EU – đặc biệt nếu điều này diễn ra trong tình trạng mất trật tự.”

Những người ủng hộ Brexit lập luận rằng rời EU sẽ cho phép nước Anh khởi động và hình thành các mối quan hệ thương mại của riêng mình với những nền kinh tế khác trên thế giới. Những người muốn ở lại cho rằng nước Anh có thể rơi vào vùng hoang vu trong kinh tế khi các thỏa thuận thương mại phải mất nhiều năm để đàm phán.

Theo IMF, dù các thỏa thuận thương mại mới cuối cùng có thể bù đắp được một phần những tổn thất kinh tế do Brexit gây ra, “những thỏa thuận như thế khó có khả năng mang đến đầy đủ lợi ích có thể bù cho cái giá phải trả khi rời EU.”

Nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, chính phủ Anh và EU đã đạt được một thỏa thuận điều kiện về thời kỳ chuyển giao 21 tháng trong nỗ lực tránh một kịch bản “bế tắc” khi nước Anh đột ngột rời khỏi khối và tiến vào thời kỳ bất ổn cả kinh tế và pháp lý.

IMF mô tả những vấn đề còn lại để chuẩn bị cho Brexit là “rất khó khăn” và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo được thời kỳ thực thi. “Nước Anh sẽ phải củng cố các nguồn nhân lực, vật lực, IT trong hải quan và các dịch vụ khác, đồng thời thiết lập các cơ quan nội địa để thay thế cho các cơ quan của EU,” IMF cảnh báo, cũng như tái đàm phán “hàng trăm thỏa thuận song phương và đa phương quốc tế họ hiện tham gia với tư cách là thành viên EU.”

IMF cho rằng “lượng công việc khổng lồ” vẫn còn và thời gian hạn chế trước khi nước Anh rời EU “có thể khiến việc chuẩn bị không thể hoàn tất vào ngày ra đi bất chấp cả những nỗ lực quyết tâm nhất.”

Phong Lữ lược dịch
Theo CNCB

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1