Tài chính Thứ ba, 16/10/2018, 13:54 GMT+7
Hoa Kỳ đưa tiền tệ vào tất cả các đàm phán thương mại, khiến Trung Quốc và Nhật Bản tức giận

Ông Mnuchin cho biết các thỏa thuận phải có điều khoản chống phá giá đồng tiền

o16 currency

Vào thứ Bảy, 13/10, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, ông Steven Mnuchin, cho biết Hoa Kỳ sẽ yêu cầu đưa các biện pháp ngăn chặn phá giá đồng tiền để cạnh tranh vào tất cả các thỏa thuận thương mại trong tương lai.

“Chúng tôi muốn đưa các quy định về tiền tệ vào các thỏa thuận trong tương lai với tất cả mọi người,” ông Mnuchin nói với các phóng viên một ngày sau khi các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ các quốc gia công nghiệp và thị trường mới nổi G20 kết thúc các cuộc thảo luận hai ngày tại Bali, Indonesia.

Bình luận này phản ảnh quyết tâm giảm thâm hụt thương mại với các nước khác của nội các Trump, thậm chí thông qua những biện pháp không theo thông lệ. Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu tỏ dấu hiệu mất đà, nguy cơ cuộc chiến thương mại kéo đến các tranh chấp tiền tệ đe dọa gây thêm bất ổn.

Thỏa thuận Tự do thương mại Bắc Mỹ thay thế, có tên Thỏa thuận Hoa Kỳ - Mexico –Canada, có một điều khoản theo đó các nước thành viên “sẽ tránh thao túng tỷ giá hối đoái hoặc hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm ngăn chặn điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh không công bằng.”

Ông Mnuchin cho biết Washington muốn đưa vào “ngôn từ đã sử dụng trong USMCA… Đó là mô hình chúng tôi muốn kết hợp trong tương lai. Chúng tôi cho rằng đó là mô hình tốt với tính minh bạch.”

Ngôn ngữ sử dụng trong USMCA không khác nhiều với ngôn ngữ trong tuyên bố G-20, nhưng một điều khoản như thế trong một thỏa thuận song phương có thể có tác động lớn hơn nhiều.

Hoa Kỳ dường như đưa ra vấn đề tiền tệ vì áp lực tăng giá đồng dollar đang đối mặt trong các thị trường. Khi Quỹ Dự trữ Liên bang nâng lãi suất, tiền đang chảy về Mỹ, đưa giá trị đồng tiền xanh trong tương quan với những đồng tiền khác lên mức cao trong 16 năm.

Bộ trưởng tài chính Mỹ nhấn mạnh Hoa Kỳ không nhắm mục tiêu vào quốc gia hay nền kinh tế cụ thể nào, cũng như không loại trừ quốc gia nào trong vấn đề này, và lấy Nhật Bản làm ví dụ. “Tôi không loại trừ Nhật Bản về vấn đề này,” ông nói.

Những bình luận như thế nghe có vẻ không thật lòng đối với Tokyo, vốn sắp tới sẽ có các cuộc đàm phán thương mại với Washington vào đầu năm 2019.

Thỏa thuận Tự do Thương mại Mỹ - Hàn sửa đổi cũng có một thỏa thuận phụ về tiền tệ. Washington có thể muốn đưa những biện pháp tương tự lên bàn đàm phán trong các cuộc thảo luận thương mại với Liên minh châu Âu cũng như với Nhật Bản.

Phía Nhật Bản cho rằng việc phá giá tiền tệ đã không được thảo luận tại cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng Chín. Nhưng các các bình luận của ông Mnuchin làm nổi bật sâu sắc chiến lược xử lý thâm hụt thương mại của Washington bằng cách giải quyết sức mạnh của đồng dollar.

“Kết nối vấn đề thương mại với trao đổi tiền tệ là điều cấm kỵ,” theo một chuyên gia về các vấn đề tiền tệ.

Hoa Kỳ có khoản thâm hụt thương mại khoản 70 tỷ USD với Nhật Bản. Một điều khoản phá giá đồng tiền trong một thỏa thuận thương mại có thể tỏ dấu hiệu với các thị trường rằng Washington đang cố chiến đấu với thâm hụt thương mại bằng cách hướng đồng dollar yếu đi. “Một điều khoản tiền tệ sẽ chỉ phục vụ cho một mục dích duy nhất là khiến đồng yen mạnh hơn so với dollar.”

Washington đã đe dọa áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu của Nhật để đưa Tokyo vào bàn đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương mới. Nếu Nhật Bản chấp nhận điều khoản tiền tệ vì e ngại các khoản thuế trả đũa, họ sẽ mất đi tự do đối với chính sách tiền tệ của chính mình.

Nếu thâm hụt thương mại của Mỹ không đi xuống, Washington có thể đổ lỗi cho cả những can thiệp bằng lời trong các thị trường tiền tệ, hiện được xem là “những khu vực xám”, và cuối cùng có thể “nhắm vào việc nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản.”

Trong khi đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại. Nếu Washington và Bắc Kinh cùng ngồi xuống đàm phán, giá trị tiền tệ sẽ là một chủ đề thảo luận.

Ông Mnuchin đã từng đưa ra các quan ngại về việc nhân dân tệ xuống giá trong năm nay, và mô tả điều này là “đáng kể.”

Theo XE.com, vào đầu tháng Hai, khoản 6.27 tệ có thể mua được 1 dollar. Tỷ giá này hiện gần mức 6.97.

Bộ trưởng ngân khố Mỹ cho biết trong các cuộc thảo luận với các quan chức Trung Quốc ở Bali, các đại diện Trung Quốc “nhấn mạnh” với ông họ không muốn thấy nhân dân tệ tiếp tục mất giá.

“Như tôi đã nói,” ông Mnuchin nhấn mạnh, “Tiền tệ là một vấn đề quan trọng đối với chúng tôi trong thương mại và sẽ là một phần trong các đàm phán thương mại. Chúng tôi muốn đảm bảo việc phá giá đồng tiền không được dùng cho các mục đích cạnh tranh trong thương mại.

Ông cũng nói thêm vẫn chưa có quyết định liệu ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ngồi vào lại đàm phán thương mại tại cuộc họp thượng đỉnh G-20 ở Argentina vào tháng 11 hay không.

Phong Lữ lược dịch
Theo Nikkei Asian Review

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1