Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay |
Việc 4 ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích làn sóng hạ lãi vay ở các ngân hàng khác. Từ ngày 10-1, Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đồng loạt áp dụng mức giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với tất cả lĩnh vực ưu tiên. Lãi vay ngắn hạn tối đa còn 6%/năm Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên được giảm lãi suất là xuất khẩu; phát triển nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khởi nghiệp… Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, cho biết NH sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ và NH Nhà nước. Chính sách ưu đãi này áp dụng với khách hàng đang có dư nợ vay trung dài hạn. Do có lượng khách hàng và thị phần tín dụng lớn nên việc Agribank điều chỉnh lãi suất sẽ tác động đến NH khác và có động thái tương tự. Dù giảm lãi vay sẽ khiến lợi nhuận của NH giảm nhưng gần đây, nhờ xử lý nợ xấu có tín hiệu tích cực nên cũng phần nào bù đắp được. Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, cho biết việc giảm lãi suất 0,5%/năm sẽ áp dụng đồng loạt đối với các khoản vay ngắn hạn, về mức tối đa 6%/năm. NH cũng giảm đồng loạt các khoản dư nợ trung, dài hạn đang còn dư nợ, mức giảm 0,5%/năm trong năm 2019. "Việc giảm lãi suất cả ngắn hạn, trung và dài hạn chắc chắn tác động đến lợi nhuận của NH. Bù lại, NH sẽ tiết giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí trích lập dự phòng theo hướng kiểm soát tín dụng chặt chẽ, đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ công nghệ để tăng thu nhập từ các khoản phi tín dụng" - ông Thành nói. Thời gian qua, nhiều NH thương mại nhà nước cho biết đã rà soát nhằm hạ lãi suất cho vay về mức phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Riêng với lãi vay 5 lĩnh vực ưu tiên, theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh nhằm duy trì mức lãi hợp lý nhất. Cụ thể, cho vay ngắn hạn mức lãi suất khoảng 6%/năm; các khoản vay trung, dài hạn sẽ được xem xét giảm thêm 0,5%/năm so với mặt bằng lãi vay hiện nay. "Tùy vào điều kiện thực tế ở một số địa bàn đối tượng doanh nghiệp ưu tiên có nhu cầu vốn, nhu cầu dịch vụ NH lớn sẽ được VietinBank điều chỉnh mạnh mẽ hơn nữa nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục khai thác tốt các lợi thế đó, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế" - ông Thọ nhấn mạnh. Tạo đà cho doanh nghiệp Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước - khẳng định động thái giảm lãi vay 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên là việc làm thật của các NH nhằm hỗ trợ thị trường, tạo đà cho doanh nghiệp trong năm 2019. Với sức ép từ lãi suất huy động tăng thời gian gần đây, NH Nhà nước cũng đang quan tâm và sẽ có giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp bất ngờ với động thái hạ lãi suất của NH thương mại Nhà nước và đánh giá đây là tín hiệu tích cực, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục nhích lên gần đây. Lãnh đạo các NH cũng khẳng định việc giảm lãi vay không ảnh hưởng đến lãi suất đầu vào. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, nhận xét lãi suất cho vay giảm 0,5%/năm sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tài chính. Với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, nếu đủ điều kiện tiếp cận tín dụng NH, mức lãi suất hiện tại là khá hợp lý, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Có dễ tiếp cận? Dù vậy, vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn là làm sao tiếp cận vốn vay NH, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa và nhỏ với những khó khăn lâu nay về tài sản thế chấp, chứng minh tính khả thi của dự án…? Ông Phạm Ngọc Hưng cho biết gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM ít thấy doanh nghiệp phản ánh về lãi suất cao mà quan trọng là tháo gỡ vướng mắc, cơ chế để tiếp cận vốn. "Những doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn thì đã tiếp cận được rồi, chỉ còn doanh nghiệp khó chứng minh phương án kinh doanh, dòng tiền… cần hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách của nhà nước. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm qua rất lớn cho thấy bức tranh hoạt động của họ còn khó khăn, trong đó có khó khăn về tài chính, tiếp cận vốn" - ông Hưng lý giải. Các NH nhìn nhận sẽ phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ về quy trình thủ tục, điều kiện tiếp cận tín dụng, quá trình vận hành của hệ thống nhằm tiết giảm chi phí vận hành, giúp NH có được mức lãi vay tốt nhất cho khách hàng. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hiện hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận tín dụng NH đều đã có và sẽ được triển khai đồng loạt trong năm nay. Không chỉ ngành NH mà các bộ, ngành khác cũng sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, theo ông Hùng, phải nhìn nhận ở góc độ không phải doanh nghiệp nào cần vốn cũng được vay vì còn tính tới hiệu quả dự án. Doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn về thị trường, vốn, khách hàng nên NH vì thế không thể đẩy vốn quá dễ dàng. Theo CafeF
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|