Tài chính Thứ ba, 17/10/2017, 09:47 GMT+7
Mario Draghi: Tiền lương khu vực đồng euro tăng chậm hơn ECB kỳ vọng

Tiền lương và lạm phát trong khu vực đồng euro gồm 19 quốc gia cuối cùng cũng tăng nhưng chậm hơn so với dự kiến trước đó, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục kiên nhẫn, theo Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, ông Mario Draghi.

o17 euro

Tăng trưởng tiền lương không đáp ứng được việc kích thích tiêu dùng vì một loạt các lý do, nhưng ECB vẫn tin rằng các thị trường lao động, và không phải một thay đổi cơ cấu về bản chất của lạm phát, là yếu tố chính đằng sau giá thấp, ông Draghi phát biểu trong một buổi họp báo bên lề cuộc họp hàng năm của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế.

Chiến đấu với lạm phát thấp trong nhiều năm, trong cuộc họp ngày 26/10, ECB sẽ quyết định có kéo dài gói kích thích hay không, phải điều chỉnh tăng trưởng kinh tế nhanh với tăng trưởng tiền lương và giá cả yếu.

Các nguồn tin thân cận với cuộc thảo luận trước đó cho biết ECB có khả năng kéo dài việc mua tài sản, nhưng với khối lượng thấp hơn, cho thấy họ có niềm tin vào triển vọng, cũng như hỗ trợ chính sách sẽ tiếp tục trong một thời gian dài.

“Về mặt chính sách, kết quả chính là chúng tôi tin tưởng các điều kiện sẽ tiếp tục cải thiện, tỷ lệ lạm phát sẽ dần tự tập trung lại,” ông Draghi nói. “Nhưng cùng với sự tự tin, chúng ta cũng sẽ phải kiên nhẫn vì điều này sẽ mất thời gian.”

Ngay cả khi khu vực đồng euro có được 17 quý kinh tế tăng trưởng liên tục, tăng trưởng tiền lương vẫn dưới kỳ vọng, một phần do thị trường lao động sụt giảm và nhu cầu lương thấp từ các liên đoàn.

Một số nhà hoạch định chính sách cũng lập luận những thay đổi trong toàn cầu hóa và công nghệ khiến các chuỗi giá trị mang tính quốc tế nhiều hơn, khiến lạm phát thấp trở thành một hiện tượng toàn cầu và hạn chế khả năng kiểm soát giá của các ngân hàng trung ương trong phạm vi quyền hạn của mình.

Ông Draghi thừa nhận cuộc tranh luận, nhưng cho biết ECB tin rằng vấn đề chính là thị trường lao động và thậm chí nếu có một vấn đề lớn hơn, điều này sẽ không dẫn đến thay đổi chính sách.

ECB đã giữ lãi suất ở mức âm trong nhiều năm và đã mua hơn 2 ngàn tỷ euro trái phiếu để giảm chi phí vay và khuyến khích chi tiêu hộ gia đình cũng như doanh nghiệp.

Ông Draghi gạt bỏ những ý kiến cho rằng lãi suất ECB thấp có thể nâng giá tài sản lên quá mức và lập luận rằng một số ít những bong bóng đã được theo dõi, đặc biệt trong các thị trường bất động sản thương mại, nên được xử lý bằng những công cụ an toàn vỹ mô chứ không phải chính sách tiền tệ.

Dù vậy, ông thừa nhận điều chỉnh bừa bãi giá tài sản, đặc biệt là chứng khoán, là một trong những nguy cơ chính đối với nền kinh tế toàn cầu.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1