Đừng kỳ vọng cú shock dầu sẽ khiến Fed dao động |
Những cuộc không kích vào cuối tuần nhằm vào cơ sở lọc dầu chính của Saudi Arabia đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực để Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ một lần nữa hạ lãi suất. Fed nên thực hiện “một đợt giảm lãi suất lớn, kích thích nền kinh tế” tại cuộc họp của mình trong tuần này, ông Trump viết trên Twitter vào thứ Hai, 16/9. Tuy nhiên, những tiền lệ lịch sử và chính sách năng lượng thay đổi của Hoa Kỳ lại cho thấy Fed có khả năng vẫn giữ mức giảm dự kiến một phần tư điểm và sẽ không đi xa hơn. Fed đã phản ứng trước những khủng hoảng trước đó như các cuộc tấn công khủng bố tháng 9/2001 và sự kiện thị trường sụp đổ Ngày thứ Sáu Đen tối trong những năm 1980. Nhưng khi đó họ hành động để giải quyết những khó khăn trong các thị trường tài chính có nguy cơ gây ra những vấn đề lớn hơn. Các cuộc khủng hoảng có thể khiến ngân hàng và các công ty tài chính cảnh giác trong việc cho vay, khiến toàn bộ nền kinh tế có ít tiền mặt hơn. Trong những tháng sau các cuộc tấn công 2001, Fed đã hạ lãi suất 1.75 điểm phần trăm, và thực hiện những biện pháp nhằm đảm bảo các ngân hàng có thanh khoản và có thể tiếp tục thanh toán check. Tác động toàn diện của các cuộc tấn công ở Saudi Arabia có thể ngay tức thời còn chưa rõ. Điều này sẽ phụ thuộc vào việc cơ sở này sẽ phục hồi sản xuất hoàn toàn nhanh như thế nào và liệu cuộc tấn công có dẫn đến một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, phản ứng của thị trường vẫn khá im ắng. Các chỉ số chứng khoán giảm nhẹ trong ngày, với S&P 500 giảm khoảng một phần ba điểm phần trăm. Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm nhẹ, trong khi dollar tăng so với các đồng tiền khác. Nhưng không có dấu hiệu của kiểu căng thẳng sẽ cần đến đảm bảo của ngân hàng trung ương. Các nhà đầu tư không thay đổi nhiều các khoản cược Fed sẽ chỉ giảm lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm trong tuần này. Dầu ít quan trọng hơn Khi các cú shock dầu ảnh hưởng đến Hoa Kỳ sau một lệnh cấm vận của các nước xuất khẩu dầu Arab và cuộc cách mạnh Iran những năm 1970, Fed đã làm chính xác điều ngược với những gì ông Trump đang đề nghị. Các quan chức Fed đã nâng lãi suất lên mức cao kỷ lục, kềm chế lạm phát, nhưng với cái giá là một cuộc suy thoái sâu. Thái độ hiện nay của Fed đối với các cú shock giá dầu là xem chúng như những vấn đề không quan trọng lắm - không còn khả năng ảnh hưởng đến lạm phát về lâu dài, và có tác động nhiều mặt hơn đối với tăng trưởng kinh tế bởi Hoa Kỳ hiện tự sản xuất rất nhiều năng lượng cho mình. Hiệu suất sử dụng năng lượng tăng và sự thống trị ngày càng tăng của lĩnh vực dịch vụ ở Hoa Kỳ đã làm yếu đi mối liên kết giữa lạm phát Mỹ và giá dầu. Các máy móc sản xuất vật dụng sử dụng ít năng lượng hơn và nền kinh tế Mỹ ngày càng xoay quanh những hoạt động ít tiêu tốn năng lượng hơn, từ mã hóa máy tính đến chăm sóc sức khỏe tại gia. Ngoài ra, dù người tiêu dùng và một số công ty có thể chịu thiệt nếu giá tăng, các công ty năng lượng có thể sẽ thúc đẩy kinh tế bằng cách đầu tư thêm vào khoan dầu và sản xuất tại Mỹ cũng như thuê thêm công nhân dầu mỏ. Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|