IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu một lần nữa do các nguy cơ vẫn trên đà “đi xuống” |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu một lần nữa do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục, lo ngại về Brexit và lạm phát vẫn im lìm. Kinh tế toàn cầu được dự kiến sẽ tăng trưởng 3.2% trong năm 2019, IMF cho biết trong một báo cáo phát hành vào sáng thứ Ba, 23/7. Số liệu tăng trưởng kinh tế được sửa đổi thấp hơn 0.1 điểm phần trăm so với dự báo của IMF vào tháng Tư và thấp hơn 0.3 điểm phần trăm so với ước tính đầu năm. “Những rủi ro đối với dự báo chủ yếu vẫn là xu hướng đi xuống,” theo IMF. “Chúng bao gồm căng thẳng thương mại và công nghệ ảnh hưởng đến tâm trạng và làm chậm đầu tư; mức e ngại rủi ro kéo dài làm lộ ra những điểm yếu tiếp tục tích lũy sau nhiều năm lãi suất thấp.” “Áp lực thiểu phát gia tăng làm trầm trọng thêm những khó khăn trong dịch vụ nợ, hạn chế không gian chính sách tiền tệ để chống suy thoái và khiến những cú shock bất lợi kéo dài hơn bình thường,” IMF nói thêm. Vào tháng Năm, Trung Quốc và Hoa Kỳ nâng thuế suất đánh lên hàng tỷ dollar hàng hóa của nhau, làm dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài thêm nữa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ năm ngoái khi Hoa Kỳ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa bằng những khoản thuế của chính mình. Cuộc tranh chấp này ảnh hưởng đến kỳ vọng đối với tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Một số công ty cũng đang chuyển các chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh thuế. IMF chỉ ra tăng trưởng lượng giao dịch toàn cầu giảm khoảng 0.5% tính theo năm trong quý 1/2019. “Triển vọng thương mại yếu – phản ánh các căng thẳng thương mại – gây cản trở cho đầu tư. Điểm sáng vẫn là biểu hiện trong lĩnh vực dịch vụ, với tâm lý khá kiên cường, hỗ trợ cho tăng trưởng việc làm, giúp củng cố niềm tin người tiêu dùng,” theo IMF. Một yếu tố nữa làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu là bất ổn xung quanh việc nước Anh rời Liên minh châu Âu. Trong tháng Tư, EU và Anh đã đồng ý kéo dài hạn chót Brexit đến ngày 31/10. Dù vậy, vẫn chưa rõ liệu hai bên có đạt được thỏa thuận để duy trì một số quan hệ kinh tế trước khi đến hạn chót hay không hay những mối quan hệ này sẽ bị cắt đứt hoàn toàn. “Dự báo giả định sẽ có một Brexit trong trật tự theo sau là sự chuyển đổi dần sang chế độ mới. Tuy nhiên, đến giữa tháng Bảy, hình thức Brexit cuối cùng vẫn rất không chắn chắc,” theo IMF. Thêm vào đó, áp lực lạm phát ở những nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản vẫn thấp. Điều này khiến các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất ở mức thấp lịch sử hoặc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Tại Mỹ, Quỹ Dự trữ Liên Bang được nhiều người kỳ vọng sẽ hạ lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản vào cuối tháng Bảy. Chủ tịch Ngân hàng châu Âu Mario Draghi cũng dọn đường để có thêm các kích thích tiền tệ vào tháng trước nếu điều kiện kinh tế không cải thiện. “Lạm phát thấp hơn và kỳ vọng lạm phát thấp hơn kéo dài gia tăng khó khăn trong dịch vụ nợ đối với người đi vay, gây áp lực lên chi tiêu đầu tư doanh nghiệp, và hạn chế không gian chính sách tiền tệ các ngân hàng trung ương có để đối phó với suy giảm, nghĩa là tăng trưởng có thể tiếp tục thấp hơn vì bất kỳ cú shock có hại nào.” Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|