Brazil, Ấn Độ và Nam Phi sẽ phục hồi khó khăn nhất trong số các quốc gia G-20 |
Theo một nghiên cứu mới đây, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi phải đối mặt với con đường hồi phục khắc nghiệt nhất trong tất cả các nền kinh tế lớn thuộc G-20 (Nhóm 20). Ba quốc gia lần lượt có số ca nhiễm Covid-19 lớn thứ hai, thứ ba và thứ năm trên thế giới, nhưng Chỉ số Năng lực Phục hồi của Verisk Maplecroft cũng xác định các vấn đề quản trị cơ bản và thể chế yếu kém là trở ngại để trổi dậy từ cuộc khủng hoảng về lâu dài. Chỉ số đo lường hơn mười yếu tố củng cố hoặc làm suy yếu sự phục hồi sau khủng hoảng. Các quốc gia Tây Âu và Đông Á thuộc G-20, những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch hiện đã có nền tảng để phục hồi và đạt điểm trung bình trên chỉ số cao hơn 40% so với những quốc gia thị trường mới nổi. Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, tính chung chiếm hơn 10% GDP toàn cầu và 20% dân số thế giới, được dự kiến kinh tế giảm trung bình 7% trong năm 2020, theo IMF. Những yếu tố khác biệt chính Những yếu kém về thể chế, đặc biệt mức độ tham nhũng cao hơn, được xác định là những yếu tố chính tách biệt những thành viên G-20 nghèo hơn với các thành viên giàu có hơn. “Nam Phi, Ấn Độ và Brazil đều chịu rủi ro ‘cao’ vì tham nhũng trong tập hợp dữ liệu của chúng tôi, với Nga, Mexico và Indonesia thuộc hoặc gần mức rủi ro 'cực cao'," theo nhà phân tích rủi ro khu vực tài chính của Verisk Maplecroft, David Wille. “Những chính phủ tham nhũng, kém hiệu quả và không ổn định sẽ bị hạn chế trong năng lực hướng nguồn ngân quỹ đến nơi cần thiết nhất, không thể vực dậy nền kinh tế ngay cả khi cuộc khủng hoảng trước mắt đã được giải quyết”. Sự nhạy cảm về dân số cũng làm giảm khả năng đối phó với các cú shock và Brazil, Ấn Độ cũng như Nam Phi nằm trong số những quốc gia có biểu hiện kém nhất, kết hợp mức độ nghèo đói cao hơn cùng “vốn con người” thấp hơn. Kết nối được nhấn mạnh như một trụ cột quan trọng đối với phục hồi, và Ấn Độ được cho là có rủi ro “cao”. Phép đo này theo dõi khoảng cách vật lý giữa các quần thể dân số và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thúc đẩy nối lại hoạt động thương mại. Nam Phi, Trung Quốc, Mexico và Brazil đều được đánh giá rủi ro “trung bình” trên tiêu chí này. Ngoài ra, những thách thức từ con người hoặc tự nhiên khác mà một số quốc gia phải đối mặt cùng với đại dịch và các cân nhắc kinh tế cũng được tính đến. Trong trường hợp của Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, các nhà phân tích của Verisk cho rằng gián đoạn do bất ổn dân sự là yếu tố rủi ro kép lớn nhất. Hoa Kỳ là một "ngoại lệ rõ ràng" Nhìn chung, những thành viên giàu có hơn của G-20 đã có thể thực hiện các biện pháp phong tỏa chặt chẽ và các chế độ kiểm tra và truy dấu hiệu quả, kết hợp với độ linh hoạt tài khóa cao hơn để hỗ trợ người dân khi nền kinh tế rơi vào trì trệ. Theo ông Wille: “Ngoại lệ rõ ràng là Hoa Kỳ, quốc gia có phản ứng đại dịch kém hiệu quả nhất so với bất kỳ thị trường phát triển nào do việc mở cửa lại cấp bang không nhất quán và bị chính trị hóa.” “Số ca nhiễm virus corona tăng sẽ kéo dài thời kỳ suy thoái kinh tế Hoa Kỳ, nhưng sức mạnh tài chính và khả năng phục hồi cơ bản cao sẽ cho phép nền kinh tế phục hồi sau khi dịch bệnh giảm bớt hoặc vaccine được phổ biến rộng rãi.” Ngược lại, cả Ấn Độ và Nam Phi đều sớm thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng lại thiếu khả năng tài khóa và ngân sách để hỗ trợ cho người dân trong thời gian dài ngừng hoạt động. Brazil phản đối việc ban hành các biện pháp giản cách xã hội trong khi Tổng thống Jair Bolsonaro phớt lờ mức độ nghiêm trọng của virus và quảng bá cho những phương pháp chữa trị vô căn cứ, để rồi tự mình bị nhiễm virus khi đất nước ông trở thành điểm bùng phát lớn thứ hai trên thế giới, với hơn 3.4 triệu ca nhiễm. Những đợt phong tỏa cấp bang không thành công ở Brazil và phản ứng dữ dội sau đó khiến các nhà phân tích của Verisk dự kiến các thống đốc sẽ vẫn mở cửa nền kinh tế khi vượt qua cuộc khủng hoảng, làm trầm trọng thêm các tổn thất kinh tế và con người về lâu dài. Những yếu tố này cũng góp phần khiến Brazil có xếp hạng rủi ro cao nhất trong số ba quốc gia về tình trạng bất ổn dân sự trong sáu tháng tới trong tập hợp dữ liệu của Verisk, cùng với sự phẫn nộ của người dân đối với các cáo buộc chính phủ tham nhũng. Nam Phi và Ấn Độ cũng ở quanh mức xếp hạng rủi ro “cực đoan” về bất ổn dân sự tiềm tàng. Theo ông Wille: “Những yếu tố kết hợp này sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế xã hội đã tồn tại từ trước, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và phản ứng không thỏa đáng của chính phủ đối với đại dịch”. ""Điều này tạo ra mức độ không chắc chắn cao hơn đối với các nhà đầu tư và bất ổn quy mô lớn có khả năng phá hủy ngay cả những đợt phục hồi mạnh mẽ nhất." Khánh Lâm lược dịch Theo CNBC
|
|
|