Giá dầu tăng 1% với quan điểm lạc quan về nhu cầu của Saudi Aramco và cắt giảm sản lượng của Iraq |
Giá dầu tăng vào thứ Hai, 10/8, được hỗ trợ nhờ sự lạc quan của Saudi Arabia về nhu cầu châu Á và cam kết của Iraq cắt giảm nguồn cung sâu hơn, dù sự bấp bênh về một thỏa thuận nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ đã hạn chế mức tăng. Dầu thô WTI CLc1 giao sau của Mỹ tăng 50 cent (1.2%) lên $41.72/thùng lúc 0h30 GMT, trong khi dầu Brent LCOc1 giao sau tăng 40 cent (0.9%) lên $44.80/thùng. Cả hai giá hợp đồng chuẩn đều giảm vào thứ Sáu, do lo ngại về nhu cầu, nhưng dầu Brent vẫn kết thúc tuần tăng 2.5%, trong khi giá dầu WTI tăng 2.4%. “Những bình luận từ cuối tuần của Aramco là động lực thúc đẩy vào lúc này,” theo Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường tại CMC Markets và Stockbroking. Giám đốc điều hành của Saudi Arabian Aramco, Amin Nasser, cho biết ông nhận thấy nhu cầu dầu đang phục hồi ở châu Á khi các nền kinh tế dần mở cửa sau khi nới lỏng các phong tỏa vì virus corona. McCarthy nói: “Ông ta đã vẽ nên một bức tranh màu hồng về triển vọng nhu cầu ở khu vực châu Á.” Về nguồn cung, hôm thứ Sáu, Iraq cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thêm 400,000 thùng/ngày trong tháng Tám và tháng Chín để bù cho tình trạng sản xuất quá mức trong ba tháng qua. Động thái này sẽ giúp Iraq tuân thủ tỷ lệ cắt giảm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu và các đồng minh, OPEC+. Việc cắt giảm mạnh hơn sẽ đưa tổng mức giảm của Iraq xuống 1.25 triệu thùng/ngày trong tháng này và tháng sau. “Saudi Arabia và Iraq tạo dựng mối quan hệ tốt hơn nhờ thỏa thuận dầu mỏ là điều tuyệt vời cho triển vọng tuân thủ thỏa thuận giảm sản lượng,” theo Chiến lược gia thị trường Stephen Innes của AxiCorp. Bộ trưởng Năng lượng Saudi và Iraq cho biết trong một tuyên bố chung rằng các nỗ lực của OPEC+ sẽ cải thiện sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu, thúc đẩy cân bằng và gửi đi tín hiệu tích cực đến các thị trường. Dù hy vọng có tăng lên trước các cuộc thảo luận bị đình trệ giữa Đảng Dân chủ Hoa Kỳ và Nhà Trắng về gói hỗ trợ mới cho những bang thiếu tiền mặt của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona, sự chậm trễ trong việc đạt được một thỏa thuận đã ảnh hưởng đến thị trường. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đều cho biết họ sẵn sàng khởi động lại các thảo luận về một thỏa thuận cho phần còn lại của năm 2020. “Điều này càng kéo dài thì càng tồi tệ hơn cho kịch bản nhu cầu,” ông McCarthy nói. Trường Sơn lược dịch
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|